'Đảo bộ đội' ở biển Tây Nam: Chất lính Thổ Chu

15/12/2021 08:13 GMT+7

Đảo Thổ Chu nằm xa đất liền nhất trong vùng biển Tây Nam. Ở đây, đại tá Dương Đức Mười đã có 30 năm liên tục công tác trên đảo, và tên ông gắn liền với sự phát triển của đảo tiền tiêu.

Dựng nhà cho dân

Đại tá Dương Đức Mười (56 tuổi, quê H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) hiện là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, Quân khu 9. Năm 1986, sau 2 tháng thực tập tại biên giới Lạng Sơn, trực tiếp chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, ông tốt nghiệp trường sĩ quan pháo binh với hàm trung úy, về công tác tại Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147, Quân chủng Hải quân đóng ở Quảng Ninh.

Tàu chiến đấu của Hải quân Việt Nam trực bảo vệ đảo Thổ Chu, năm 1977

TƯ LIỆU VÙNG 5 HẢI QUÂN

Tháng 2.1992, thượng úy Dương Đức Mười nhận lệnh vào Vùng 5 Hải quân, khi vừa tổ chức xong đám cưới với cô giáo Nguyễn Thị Yến. Từ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ông lại lên tàu vận tải quân sự ra đảo Thổ Chu, làm trợ lý pháo binh của Tiểu đoàn 561. “Bây giờ thì 5 ngày có 1 chuyến tàu khách chạy ra từ Phú Quốc. Hồi tôi ra, 3 tháng mới có 1 chuyến tàu vận tải quân sự chở hàng tiếp tế”, đại tá Mười nhớ lại và trầm ngâm: “Cả đảo chỉ có kho đạn được làm từ gạch. Nhà cửa toàn dựng bằng tấm ghi lót sân bay, thân gỗ, tôn thiếc. Đi theo đường mòn, đầy rắn rết...”.

Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Quân khu 9)

M.T.H

Tháng 4.1992, UBND tỉnh Kiên Giang đưa 7 hộ dân H.Kiên Lương ra Thổ Chu lập nghiệp. Ông Huỳnh Bình Khởi (66 tuổi, ở xã Thổ Châu) kể: “Những ngày đầu ra đảo, chú Mười dẫn bộ đội đến giúp các hộ dựng nhà. Thiếu vách, chú Mười lại đi tìm, lắp cho bà con”. Còn ông Nguyễn Văn Chiến thì cười: “Lúc đầu, tỉnh hứa mỗi tháng sẽ có 1 chuyến tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm. Ra đúng tháng 4 mùa biển động Tây Nam, tàu ra vào chật vật suýt tai nạn, nên mãi 3 tháng sau mới dám ra lại. Hồi ấy không có chú Mười và bộ đội 152 cho từng cân gạo, bó rau, túi muối, chai dầu... thì cả 7 hộ đều đói ăn, thiếu mặc”.

Đền Thổ Châu - nơi tưởng niệm hơn 500 người dân bị Khmer Đỏ tàn sát năm 1975

ĐỘC LẬP

Giữ rừng xanh, lưu nước ngọt

Ngày 24.4.1993, xã Thổ Châu được tái lập, trực thuộc H.Phú Quốc (nay là TP.Phú Quốc, Kiên Giang). Từ chỗ chỉ có 7 hộ dân, đến nay xã đảo đã có hơn 500 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Thường thì chỗ nào tăng dân số, kinh tế phát triển thì tài nguyên thiên nhiên (nhất là rừng) sẽ bị khai thác đến cạn kiệt. Riêng ở Thổ Chu, do công tác quản lý bảo vệ rừng của Trung đoàn 152 rất chặt chẽ nên diện tích rừng được giữ nguyên, hệ sinh thái và tài nguyên ổn định...

Bộ đội Trung đoàn 152 (Quân khu 9) tuần tra bảo vệ đảo Thổ Chu, tháng 12.2021

M.T.H

Ra công tác Thổ Chu cả tuần, đến cửa rừng nào chúng tôi cũng thấy bộ đội chốt gác. Đi xuyên rừng, đâu cũng thấy bóng áo lính dọn lá, tỉa cành, đào rãnh chống cháy. Ông Ngô Văn Ùa (ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu) kể: Trước, dân đảo toàn vào rừng chặt củi nấu ăn và nhất là sấy cá cơm. Đầu năm 2016, cùng với việc đóng cửa rừng - cấm mọi hình thức khai thác, Trung đoàn trưởng Dương Đức Mười lệnh cho bộ đội dùng trấu ép (mua từ các tỉnh miền Tây). Bộ đội không chỉ gương mẫu mà còn vận động, hỗ trợ bà con chuyển đổi chất đốt, nên dần mọi người cũng nhận ra và thực hiện theo. “Đảo này, bộ đội bảo vệ rừng tốt nhất nên bao năm nay không có kiểm lâm”, ông Ùa cười.

Thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 9) nhắc mãi: “Năm 1975 tôi ra Thổ Chu, thấy rừng xanh rì và giờ vẫn thấy rừng nguyên vậy” và kể: “Hồi ấy, bộ đội tìm mấy tháng mới thấy mạch nước ngọt”. Chỗ mạch nước ngày ấy, giờ đã được xây dựng thành hồ chứa nước ngọt (dung tích 250.000 m3), đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, chấm dứt tình trạng cứ vào mùa khô là bộ đội phải tiếp nước ngọt đến từng hộ dân.

Hậu phương vất vả

30 năm gắn bó với đảo tiền tiêu, đại tá Dương Đức Mười chỉ 8 lần đón tết với gia đình trong đất liền, 22 mùa tết ở đảo. Ông bảo: “Ngoài nơi rất gần mà rất xa này, không đầu tàu gương mẫu thì không động viên được bộ đội”.

Trong 30 năm ở đảo, đại tá Mười giữ cương vị phó cụm trưởng (tương đương phó tiểu đoàn trưởng hiện nay) suốt 15 năm. Mãi đến tháng 3.2007 mới được lên cụm trưởng; sau đó là phó đảo trưởng, tham mưu trưởng và tháng 2.2012 là Chỉ huy trưởng đảo Thổ Chu. Tháng 4.2014, trung tướng Nguyễn Trung Thu (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN) dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng ra đảo Thổ Chu chủ trì lễ bàn giao Trung đoàn 152 từ Vùng 5 Hải quân về Quân khu 9. Biết đoàn xuất phát từ sân bay quân sự Cần Thơ bằng máy bay trực thăng, Chỉ huy Vùng 5 Hải quân đề xuất: “Thủ trưởng cho vợ anh Mười đi nhờ. Mấy chục năm nay, chị ấy chưa được ra thăm chồng!”...

Lúc ấy, nhiều người mới biết: Giữa năm 1995, cô giáo Nguyễn Thị Yến bế con gái đầu 3 tuổi vào TP.Cần Thơ, ở căn nhà tạm của khu tập thể. Sau gần 1 năm xin việc khắp nơi, cô Yến được nhận vào dạy tại Trường tiểu học Trà An (Q.Bình Thủy). Tiếng là gần chồng, nhưng mỗi năm anh bộ đội Dương Đức Mười chỉ có mặt ở nhà 2 - 3 tuần (đi về mất 5 - 6 ngày). Không người thân, họ hàng, cô giáo Yến một mình chăm sóc, nuôi dạy 2 đứa con. Dịp nghỉ hè, muốn ra với chồng, nhưng mùa biển động Tây Nam vài tuần mới có tàu, nên đành chịu...

Ngày gần cuối năm 2021, ngồi giữa doanh trại Trung đoàn 152 khang trang, đại tá Mười đau đáu: “Tôi vận động hết sức mà Thổ Chu vẫn chưa có 1 trường THPT, 1 bệnh viện cấp huyện để học sinh đỡ phải vào học tận TP.Phú Quốc, bà con ngư dân yên tâm khám chữa bệnh” và mong: “Nếu Thổ Châu được nâng cấp thành huyện thì điều mình ước sẽ thành hiện thực. Dù thế nào, cũng phải bảo vệ và phát triển quần đảo, khẳng định chủ quyền quốc gia”. (còn tiếp)

Ngày 10.5.1975, thấy quân giải phóng chưa ra tiếp quản đảo Thổ Chu, chính quyền Khmer Đỏ cho 1 tiểu đoàn đổ bộ lên chiếm đảo, bắt 500 người dân đưa sang quần đảo Poulo Wai (nay thuộc tỉnh Kampot, Campuchia) tàn sát và lập bộ máy chính quyền mới, đào hầm hào công sự, lập tuyến phòng thủ.

Giữa tháng 5.1975, Đoàn hải quân Phú Quốc (tiền thân của Vùng 5 Hải quân) nhận lệnh giải phóng Thổ Chu. Đêm 23.5.1975, tàu hải quân chở gần 200 cán bộ, chiến sĩ từ Phú Quốc ra Thổ Chu. Rạng sáng 24.5.1975, bộ đội tập kích bãi Dong và tấn công các khu vực khác. Chiều 25.5.1975, ta giải phóng Thổ Chu, diệt và bắt sống hơn 500 lính Khmer Đỏ. Phía ta hy sinh 4, bị thương 14 bộ đội.

Sáng 27.5.1975, bộ đội hải quân đưa 2 tù binh Khmer Đỏ (đại đội trưởng và xã trưởng) lên đảo Hòn Từ và Hòn Cao Cát gọi hàng đồng bọn. Sau 2 tiếng, toàn bộ lính Khmer Đỏ đang chiếm giữ trái phép

2 đảo đầu hàng. Trưa 27.5.1975, quần đảo Thổ Chu hoàn toàn được giải phóng. Năm 1977, lính Khmer Đỏ một lần nữa tập kích đảo Thổ Chu, nhưng đã bị tiêu diệt toàn bộ.

Sau ngày giải phóng (27.5.1975), Tiểu đoàn 410 (Trung đoàn 195, Quân khu 9) ở lại giữ đảo. Cuối tháng 8.1975, nhiệm vụ bảo vệ Thổ Chu được giao Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 101, Quân khu 9) và tháng 10.1975, đơn vị được bàn giao cho Quân chủng Hải quân, đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 561 (trực thuộc Vùng 5 Hải quân).

Đầu tháng 1.1995, đảo Thổ Chu được nâng cấp lên đảo cấp 1 (cấp trung đoàn). Sau đó, Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh cho Quân chủng Hải quân bàn giao nguyên trạng lực lượng, vũ khí trang bị trên đảo Thổ Chu cho Quân khu 9, lấy tên là Trung đoàn đảo Thổ Chu. Ngày 25.4.2014, Trung đoàn đảo Thổ Chu chính thức về Quân khu 9 và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 152.

(Nguồn: Trung đoàn 152, Quân khu 9)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.