'Đảo địa ngục': Mãn nhãn với 'bom tấn' chiến tranh của điện ảnh Hàn

16/08/2017 14:34 GMT+7

'Bom tấn' chiến tranh của Hàn Quốc không khiến người xem thất vọng với những cảnh quay hoành tráng, bi phẫn, dù rằng vẫn thiếu điểm nhấn để làm bật lên khía cạnh nghệ thuật của phim.

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của hơn 400 lao động Triều Tiên bị bắt làm nô lệ khai thác than trên hòn đảo Hashima (còn gọi là Đảo chiến hạm) dưới ách đô hộ của Nhật Bản. Tất cả diễn ra trong suốt những ngày tàn của Thế chiến thứ hai. Phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Song Joong Ki, So Ji Sub, Hwang Jung Min...
Dù không thực sự tương xứng, nhưng Đảo địa ngục phần nào gợi nhớ đến tác phẩm văn học kinh điển Chúa Ruồi, xoay quanh lũ trẻ mắc kẹt trên đảo hoang, dần để tâm tính hóa thành quỷ dữ trong trò chơi rượt bắt chết người. Điểm chung giữa hai tác phẩm là đều kết thúc với tiếng khóc của trẻ thơ. Không phải khóc vì khuây khỏa hay vui mừng, mà vì biết rằng ngoài hòn đảo này, cuộc chiến trên đất liền còn khốc liệt hơn rất nhiều. Địa ngục trên đảo Hashima dù rất kinh khủng, nhưng cũng chỉ là một phần trong vô vàn địa ngục do con người tạo nên. Khi quân nhân Park Mu Young (Song Joong Ki) đứng trên tàu nhìn về phía chân trời lóe sáng, thốt lên: “Mỹ vừa ném bom xuống Hiroshima” thì chính là tín hiệu cho một địa ngục mới đang bắt đầu. Lần này không phải với Triều Tiên, mà với người Nhật Bản.
Cảnh quay thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, công phu của đoàn làm phim


Tôi cảm thấy nghẹt thở từ đầu đến cuối vì chưa chuẩn bị tâm lý trước khi xem Đảo địa ngục. Bộ phim mang đến rất nhiều cảm xúc từ rùng rợn, khốc liệt cho đến xúc động. Tôi mong rằng sau này Việt Nam cũng có nhiều bộ phim khai thác đề tài chiến tranh với quy mô hoành tráng như vậy


Đạo diễn Charlie Nguyễn


Đảo địa ngục được dàn dựng chắc tay, rất ổn về mọi mặt: kỹ xảo hoành tráng; âm thanh chân thật, sống động, dàn diễn viên ngôi sao dễ dàng hóa thân vào nhân vật, kịch bản không quá xuất sắc, nhưng sự phân bố các tình tiết, nhịp điệu vẫn đủ đưa bộ phim lên cao trào. Có những lúc, người xem hoàn toàn bị cuốn vào bối cảnh tù túng, tăm tối của những hầm mỏ dưới lòng đất. Thảng hoặc, lại lóe lên vài phân đoạn thi vị như khi tất cả lao động cùng ngồi lại thắp nến trong căn hầm, quyết định vận mệnh của mình thông qua ý định đào tẩu.
Tuy nhiên, vì quá cố gắng ôm đồm nhiều góc nhìn về thực tế cuộc sống của lao động Triều Tiên, Đảo địa ngục lại thiếu một điểm nhấn nghệ thuật đắt giá để giúp bộ phim thực sự ghi dấu trong lòng người yêu điện ảnh. Đó là chưa kể, năm nào trên khắp thế giới cũng có vài phim đề tài Thế chiến ra mắt, khai thác nhiều sự kiện, góc nhìn khác nhau. Thế nên, bộ phim vẫn dừng ở mức phim tố cáo tội ác chiến tranh và có giá trị lịch sử, còn về thủ pháp kể chuyện, xây dựng hình tượng thì chưa thể vươn đến tầm những tác phẩm kinh điển như Schindler’s List (1993) hay The Great Escape (1963).
Nhân vật của So Ji Sub không có nhiều vai trò trong câu chuyện
Khuyết điểm lớn nhất của phim là phân chia vai trò cho các diễn viên chưa hợp lý. So Ji Sub ban đầu xuất hiện “hổ báo” là thế, sau lại chìm nghỉm và trở thành nhân vật phụ lúc nào không hay, dù rõ ràng anh được giới thiệu là vai chính trên poster phim. Nhân vật của nữ diễn viên Lee Jung Hyun, tuy không nhiều đất diễn nhưng ít ra còn đóng vai trò tố cáo tội ác mà lính Nhật đã gây ra đối với phụ nữ Triều Tiên.
Diễn viên gạo cội Hwang Jung Min để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem nhờ vai nhạc công Lee Kang Ok cùng con gái So Hee (Kim Soo Ahn) bất đắc dĩ bị bắt lên đảo. Nhân vật này khá khôn lỏi, chủ yếu sống sót được trên đảo nhờ mưu mẹo, xu nịnh. Thế nhưng, người xem sẽ dần hiểu ra tất cả những việc ông ta làm chỉ vì mục đích bảo vệ cô con gái khỏi cảnh ngục tù khổ sai. Mối quan hệ cha con giữa họ là một trong những điểm cộng rất lớn của phim. Khó ai xem phim mà có thể quên cảnh hai cha con ca hát và nhảy múa vô tư dưới cột đèn vàng tỏa ánh sáng giữa hòn đảo tăm tối.
Diễn xuất của Hwang Jung Min hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của khán giả
Sắm vai quân nhân tốt nghiệp trường quân sự Mỹ, nhân vật Park Mu Young được "đo ni đóng giày" cho Song Joong Ki, có tạo hình tương đồng với “soái ca” trong Hậu duệ mặt trời. Dù là diễn viên có thực lực, nhưng diễn xuất của anh trong Đảo địa ngục lại chẳng có gì đột phá, chưa thoát khỏi cái bóng từ bộ phim đi trước. Quân nhân Park Mu Young hình như hơi quá hoàn hảo, khiến người xem cảm thấy nhân vật này như một “đấng cứu thế” giữa thời điểm loạn lạc chứ không có chiều sâu trong tính cách.
Song Joong Ki vẫn chưa thoát khỏi cái bóng từ Hậu duệ mặt trời
Nhìn chung, Đảo địa ngục là phim chiến tranh đáng xem của điện ảnh xứ kim chi. Dù còn vài hạt sạn, nhưng bộ phim vẫn hay hơn rất nhiều so với số điểm 44% được chấm trên Rotten Tomatoes.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.