Tại phòng bệnh khoa hồi sức tích cực (ICU), thuộc bệnh viện nằm trong thành phố Munich, Đức, Nguyễn Vũ Đình Nhật (32 tuổi) bận rộn với công việc điều dưỡng, gần như không đủ thời gian nghỉ ngơi hay nghĩ đến bất cứ điều gì khác.
Một ngày, khoa nhận cụ bà bị bệnh nặng. Cụ bà được mở khí quản, không thể nói hay giao tiếp. Tuy vậy, bà rất tỉnh táo và đôi lúc trò chuyện với người xung quanh bằng tờ giấy và cây bút. Một lần, bà dúi vào tay Đình Nhật một tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc: “Chàng trai trẻ, tôi rất sợ”. Đình Nhật chợt hiểu, khi vào khoa ICU, xung quanh chỉ có tiếng bíp của máy thở, âm thanh của máy đo tim sẽ làm người bệnh cảm thấy cô đơn, nhỏ bé và sợ hãi. Điều dưỡng, y tá, bác sĩ là những người duy nhất đem lại cho họ cảm giác ấm áp trong căn phòng lạnh giá.
Vài ngày sau, Đình Nhật nghe tin bà cụ ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim. Anh chợt nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết thật ngắn ngủi. Chàng trai người Việt càng thêm quyết tâm về con đường mình đã chọn, trở thành cầu nối với người bệnh, đem cho họ cảm giác yên tâm giữa những lúc hoang mang nhất. Đình Nhật không còn thấy hoang mang như khi anh từ bỏ công việc đạo diễn để bước chân sang một lĩnh vực hoàn toàn đối nghịch.
Cơ duyên với nước Đức
Nguyễn Vũ Đình Nhật theo học ngành đạo diễn điện ảnh và truyền hình tại Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM từ năm 2009 tới 2013. Trong thời gian đó, anh cũng học thêm đồng thời ngành điều dưỡng tại Trường ĐHQ Quốc tế Hồng Bàng TP.HCM. Từ những ngày còn trong trường ĐH, Đình Nhật đã đạo diễn bộ phim ngắn "Nếu em không phải một giấc mơ” (2012), dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Marc Levy. Anh cũng là trợ lý đạo diễn phim truyền hình 40 tập “Sóng ngầm” (2012 tới 2013), phó đạo diễn phim “Phía trước là bình minh” (2013)...
Nếu như đạo diễn là nghề tay phải của Đình Nhật, thì nghề tay trái của chàng trai này là làm giảng viên Khoa Y dược Trường CĐ Bách Việt.
Năm 2014, cơ duyên với nước Đức tìm đến Đình Nhật khi anh tham gia chương trình thí điểm đưa điều dưỡng đi học tập và làm việc của tổ chức GiZ Đức phối hợp với Bộ năng lượng Đức thông qua Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội của Việt Nam. Tháng 8.2015, Đình Nhật lên đường qua Đức. Hành trang của chàng trai trẻ là kiến thức điều dưỡng học trong 4 năm và một năm vỏn vẹn học tiếng Đức ở Viện Goethe Hà Nội.
Nguyễn Vũ Đình Nhật nhận bằng ĐH ngành điều dưỡng chăm sóc bệnh và sức khỏe vào năm 2018, sau thời gian theo học trường Y Städtische Klinikum Akademie tại thành phố Munich.
“Là người dễ thích nghi, tôi không gặp khó khăn nhiều, ngoại trừ rào cản ngôn ngữ. Bài vở rất nhiều, học không kịp. Không chỉ tiếng Đức chuyên ngành mà những môn như giải phẫu, bệnh lý học chúng tôi phải học tiếng Đức kèm tiếng Latin. Đối với người Đức đã khó, nên đôi lúc tôi phải cố gắng 150-200% công sức của mình. Nhưng tôi nghĩ ông bà mình có câu "Có công mài sắt có ngày nên kim" nên tôi biến những khó khăn thành động lực để vượt lên”, Đình Nhật chia sẻ.
|
Thời gian sau tốt nghiệp, Đình Nhật trải nghiệm môi trường làm việc ở Đức để học tập phương pháp làm việc, cách vận hành công việc ở một xã hội hoàn toàn mới. Hai năm liền, anh làm việc tại công ty dịch vụ chăm sóc tích cực Intensivpflege Mooser tại Munich. Năm 2020, anh tiếp tục ghi danh lớp chuyên khoa Máy thở tại Redmes Academy, chuẩn bị cho bước đi quan trọng của cuộc đời.
Mở công ty giữa đại dịch Covid-19
Năm 2020, khi đại dịch bùng phát, nhu cầu chăm sóc của người bệnh tăng cao, Đình Nhật cùng hai bạn thân người Đức và Cộng hòa Czech - cùng học chuyên khoa chăm sóc tích cực tại Munich - góp vốn và sáng lập trung tâm điều dưỡng Münchner Care ambulante Intensivpflege. Nguyễn Vũ Đình Nhật nắm vai trò phó giám đốc tại công ty.
Theo đánh giá của vị đạo diễn trẻ, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, vấn đề chăm sóc sức khỏe trở nên quan trọng hơn. Cộng với sự quan tâm đúng lúc của chính phủ Đức với ngành điều dưỡng, thời điểm mở công ty của anh và cộng sự là đúng lúc.
“Sau một thời gian làm việc tại đây, tôi nhận thấy những bệnh nhân điều trị tích cực tại nhà cần dịch vụ chăm sóc tốt. Đây cũng là chuyên ngành tôi học ở đây. Vì vậy, công ty ra đời”, Đình Nhật khẳng định.
Công ty với 20 nhân viên - đa phần là những đồng nghiệp cũ của Đình Nhật và là người bản xứ. Theo Đình Nhật, các bệnh nhân cần chăm sóc tích cực phải có sự hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Về mặt lý thuyết, họ phải nằm ở khoa hồi sức tích cực (ICU) và được bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn cao chăm sóc 24/24. Tuy nhiên, tình trạng ổn định hơn, họ có thể tiếp tục điều trị lâu dài tại nhà. Hơn nữa, khi Covid-19 bùng phát, nhu cầu điều trị tại nhà càng lên cao. Anh hợp tác với quỹ bảo hiểm, thiết kế tại nhà riêng của bệnh nhân căn phòng với đầy đủ máy móc, trang thiết bị như trong bệnh viện. Điều dưỡng do công ty anh cung cấp chỉ cần vận hành và sử dụng các thiết bị y tế, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, nắm rõ quy trình sử dụng máy thở.
Dù bận rộn nhưng Đình Nhật vẫn không muốn gác lại giấc mơ với điện ảnh. Đôi khi anh cảm thấy nhớ nghề và vui với thành công của những người bạn cùng lớp như đạo diễn Trần Thanh Huy, Huỳnh Đông… “Người ta thường nói đủ nắng hoa sẽ nở. Tôi vẫn thường viết kịch bản và xem phim mỗi khi rảnh để không quên nghề. Tôi nghĩ sau này khi đủ vốn sống, đủ trải nghiệm, tôi sẽ trở về Việt Nam và tiếp tục rong ruổi giấc mơ nghệ thuật”, Nhật nói.
Bình luận (0)