Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Để cạnh tranh cần khẳng định vị thế!

30/05/2009 16:38 GMT+7

Để lại dấu ấn sâu đậm qua các phim truyền hình Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời, Nhà có ba chị em gái…, đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Hải tạm chia tay công việc chuyên môn, lãnh trách nhiệm quản lý Hãng phim truyền hình VFC. Anh đã chia sẻ với Thanh Niên về công việc mới.

Luôn đặt mình vào vị trí người khác

* Chiếc ghế giám đốc Hãng phim truyền hình VFC mà anh mới ngồi mấy tháng qua thế nào? Bỏng rãy hay êm ái?

- Gồm cả hai, và đôi khi hình dáng của nó gây sự chú ý không cần thiết. Đến tận bây giờ tôi vẫn phải nhắc mình cần bình tĩnh để dần dần làm quen với nó đấy. Ngoài ra, nó có một hạn chế là tôi không còn thoải mái mang vác ra đoàn phim như những chiếc ghế dành cho đạo diễn ở hiện trường.

* Anh có kê lại bàn ghế phòng giám đốc, thay đổi lại phong thủy trong phòng cho có hên không?

- Tôi vẫn ngồi ở phòng làm việc cũ thôi và nếu chị bước vào, sẽ thấy ngay tôi chỉ thay đổi chút ít bằng bể cá, chậu cây, hòn non bộ... Phòng của tôi để rất nhiều băng quay, băng phát sóng, bản thảo kịch bản. Với chúng tôi, những thứ đó là mối quan tâm hằng ngày và thành bại cũng từ đó.

* Công việc đầu tiên anh muốn làm nhưng không làm được khi mới về nhận chức là…?

- Là thay đổi chính con người tôi. Cũng có dự định là mình phải thay đổi, phải thế này, thế khác..., nhưng cuối cùng tôi vẫn không làm được, và tôi chấp nhận sự tự nhiên, thoải mái nhất để làm việc, tùy hoàn cảnh mà lựa chọn cách hành xử. Ngoài ra có một dự định nữa cũng rất quan trọng là cơ cấu lại việc tổ chức, sản xuất của một đoàn phim, nhưng đến nay việc này vẫn chưa làm xong.

* Giữ cương vị quản lý của một đơn vị làm phim nhà nước với nhiều nhân vật cũng không dễ khuất phục, anh có bao giờ thấy ngại và mệt không?

- Khi chưa nhận nhiệm vụ cũng có lo lắng như vậy thật vì tôi hiểu nghệ sĩ đôi khi có những suy nghĩ, hành xử rất khác biệt. Đó cũng chính là yếu tố làm nên cá tính sáng tạo của mỗi đạo diễn, họa sĩ, quay phim... Tôi từng là một đạo diễn, đã có nhiều ngày tháng đồng hành với những người làm việc trực tiếp, nên phần nào chia sẻ được những băn khoăn, suy nghĩ của họ. Và tôi biết chắc chắn một điều: hầu hết những người làm phim đều không ai mong muốn mình sẽ làm ra một bộ phim dở để bị khán giả chê. Khi xảy ra các vụ việc, tôi vẫn chọn cách đặt mình vào vị trí của người khác để cố gắng hiểu họ hơn. Nếu hướng giải quyết có sự trao đổi và cùng mục đích làm công việc tốt hơn thì những sự ngại, mệt như chị nói sẽ không kéo dài.

Khẳng định vị thế bằng chất lượng

* Từng cho rằng môi trường cọ xát với công việc làm phim truyền hình tốt nhất là ở các hãng phim nhà nước, anh có chiến dịch gì để “giữ người” trước làn sóng lôi kéo người của các hãng phim tư nhân?

- Đúng là tôi và Ban lãnh đạo VFC đã nhiều lần bàn bạc về vấn đề này. Bản thân tôi khi thấy một ai đó có tài, có năng lực đang làm việc ở đơn vị khác cũng rất muốn tìm mọi cách để lôi kéo họ về làm việc với mình. Như vậy để giữ người thì chỉ có một cách là chính đơn vị mình quản lý phải tạo ra một môi trường làm việc vững bền, hiệu quả. Quan trọng nhất là cần tạo ra môi trường làm việc hòa đồng, các cá nhân hiểu và cùng hướng đến mục đích là tạo ra những bộ phim đạt chất lượng cao nhất, cứ thêm việc là thêm thu nhập và biết cách định giá sản phẩm từ chính năng lực của mình.

* Theo anh, điều kiện cần và đủ của một đạo diễn phim truyền hình Việt Nam là gì? Có gì khác và giống với một đạo diễn truyền hình?

- Đầu tiên là người đạo diễn đó phải được đào tạo cơ bản về nghề làm phim. Chúng tôi vẫn tự trào: nghề đạo diễn là nghề dễ nhất vì kịch bản có người viết, tổ chức hình ảnh có quay phim, dàn dựng khung cảnh có họa sĩ thiết kế, diễn xuất có diễn viên... Vậy đạo diễn có việc gì đâu mà làm, chỉ hô máy rồi hết cảnh là hô cắt. Nhưng thực tế, nghề đạo diễn ngoài việc nắm bắt các kỹ thuật dàn dựng thì sự cảm nhận để sáng tạo cho mỗi cảnh quay là vô cùng quan trọng, từ đó tạo nên cách kể chuyện cho bộ phim. Đây cũng là yếu tố để khán giả đánh giá tài năng của người đạo diễn. Còn sự khác biệt với đạo diễn truyền hình thì tùy theo tính chất mỗi thể loại truyền hình mới có thể phân tích được. Có những chương trình truyền hình cần đặc biệt chú trọng tính báo chí, có những chương trình cần chú trọng tính nghệ thuật để thực hiện chức năng giải trí.

* Tương lai Hãng phim truyền hình VFC sẽ ra sao dưới sự điều khiển của anh? Để đạt được điều đó, anh sẽ quản lý theo cách gì? Thiết quân luật, tài phiệt hay ôn hòa, thu phục nhân tâm?

- Tôi cũng sẽ làm giống như tất cả những người đã từng được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành trước đây. Đó là cố gắng phát triển VFC ngày một lớn mạnh, khẳng định là đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất cả nước. Về quản lý có nhiều cách, nhiều bài học để áp dụng nhưng tôi nghĩ, cần phân tích chính xác các giai đoạn phát triển để áp dụng những mô hình quản lý tạo ra hiệu quả. Ví dụ như giai đoạn hiện nay, khi sự cạnh tranh ngày một nhiều, tình hình tài chính cũng có những khó khăn thì cần suy nghĩ về việc cơ cấu lại bộ máy quản lý và tổ chức sản xuất để hạn chế sự rườm rà, tập trung cao nhất cho công đoạn sáng tạo bộ phim.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải sinh năm 1973. Các giải thưởng từng đạt được: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất Giải thưởng Hội Điện ảnh VN năm 2006, Giải Cánh diều vàng phim truyện video xuất sắc nhất năm 2006, Giải Cánh diều bạc phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất năm 2001 (không có giải vàng), 2 huy chương vàng phim truyền hình Liên hoan truyền hình năm 2000 và 2006.

* Cuộc tổng tấn công của các đơn vị sản xuất truyền hình tư nhân trong 1, 2 năm qua theo anh có tác động tích cực và tiêu cực ra sao với công việc của những người làm truyền hình nhà nước, mà cụ thể là của hãng VFC?

- Việc tham gia xã hội hóa của các đơn vị sản xuất phim tư nhân vừa là dịp để tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy guồng sản xuất, đồng thời phát triển những hướng làm phim hiệu quả, hạn chế dần những cách làm phim nghiệp dư, manh mún. Số lượng phim truyền hình Việt sản xuất ngày càng nhiều, nhưng nếu không có sự kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng phim làm ào ào, các công đoạn sản xuất thay vì tăng tính chuyên nghiệp lên lại nghiệp dư dần đi vì chạy theo số lượng, thời gian. Tất nhiên các nhà sản xuất tư nhân sẽ lo lắng hơn chúng tôi nhiều vì họ phải đối mặt trực tiếp với hiệu quả doanh thu. Với VFC, chúng tôi cũng có dịp để nhìn mình rõ hơn, đội ngũ con người, thiết bị và cơ sở vật chất hiện nay cần phải được quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng các bộ phim. Để cạnh tranh, chúng tôi cần khẳng định vị thế bằng những bộ phim có giá trị cao về nội dung và tìm kiếm nhiều hơn nữa các phong cách dàn dựng để đa dạng hóa những sản phẩm của mình.

* Bước sang công tác quản lý cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp thời gian thỏa sức với nghệ thuật cho riêng mình và dễ “lụt nghề”, anh có hối tiếc không? Anh dự tính bao lâu mới làm đạo diễn phim tiếp và điều này có được đưa vào kế hoạch trước như 1-2 năm làm 1 phim?

- Dù thế nào đi nữa, hiện tại, tôi đã chọn công việc này thì sẽ cố gắng làm hết khả năng. Tôi cũng hiểu là không thể ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc nhưng suy nghĩ về một ý tưởng hay một câu chuyện phim nào đó thì tôi vẫn có thể làm được. Chắc chắn tôi sẽ quay lại với việc làm phim khi đã sẵn sàng cho một kịch bản ưng ý, tất nhiên là khó có nhiều thời gian cho một bộ phim quá dài tập.

* Giờ đây anh dành thời gian cho gia đình vào lúc nào khi ngồi từ sáng đến tối ở VFC? Nếu không nhầm, hình như một ngày làm việc của anh luôn bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc cỡ 10 giờ tối?

- Hiện nay công việc đang là sự ưu tiên, tôi phải tiếp tục một khu nhà mà những người đi trước đã nỗ lực xây dựng. Thật sự cũng rất bận với việc vừa quản lý lo cơm áo gạo tiền, vừa chịu trách nhiệm điều hành sản xuất với hàng trăm con người. Tôi có thể trở về nhà muộn sau một ngày làm việc nhưng những trách nhiệm với gia đình thì lúc nào tôi cũng cố gắng thực hiện tốt nhất. Suy cho cùng, gia đình mới là hạnh phúc lâu dài, vững bền và là của mình, dành cho mình... 

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.