Chương trình Trạng nguyên nhí mới lên sóng đầu năm nay đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả nhỏ tuổi lẫn các bậc phụ huynh. Chương trình trình SV “huyền thoại” trở lại vào năm ngoái đã chuẩn bị khép lại với đêm chung kết diễn ra vào ngày 27.3 tới đây.
Nhân dịp này, Thanh Niên trò chuyện với đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, Phó trưởng ban Sản xuất chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3), cũng là người góp phần tạo nên hai chương trình “hot” dành cho sinh viên và học trò trên sóng truyền hình hiện nay, cùng với việc cạnh tranh của chương trình truyền hình với những nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
|
"Tôi cũng chưa làm gì mà tự tin là chương trình mình đạt điểm 9 cả"
Sân chơi SV trở lại từ năm 2020 cho thấy lượt xem (có thể thấy trên cả nền tảng số) cũng không hề nhỏ. Khi thực hiện những chương trình này, ê kíp sản xuất tập trung vào những yếu tố nào để tạo nên sức hút với khán giả?
- Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: Thực lòng, chúng tôi mong muốn lượng người xem trên truyền hình cao hơn nhiều; và đặc biệt trên nền tảng số VTVGo càng phải cao hơn nữa, bởi sinh viên xem trên app, web nhiều hơn tivi.
Tuy vậy, tự hào lớn nhất là VTV3 có thể giữ đúng lời hứa: 4 năm/1 lần xây dựng lại chương trình có truyền thống, chương trình in dấu với sự thành lập kênh VTV3 (năm nay là năm kỷ niệm 1/4 thế kỷ của kênh VTV3). SV không chỉ là một gameshow, mà là một sự kiện xã hội. Ở đó, tiếng nói, quan điểm, tinh thần của sinh viên, của giới trẻ được khẳng định.
Sức hút lớn nhất của SV, nếu thể hiện được, đó chính là nhiệt huyết, sự sáng tạo thông minh và vô cùng hóm hỉnh. SV hay ở chỗ có những điều bồng bột của tuổi trẻ khi nói về các vấn đề của đời sống, của Việt Nam, của thế giới.
|
Theo anh, chương trình SV hay Trạng nguyên nhí được quan tâm như vậy có phải còn có lý do gameshow cho đối tượng thanh thiếu niên và thiếu nhi còn quá ít ỏi trên sóng truyền hình?
Ít thì không hẳn, nhưng chương trình giải trí mà có tính thiết yếu, tính thẩm mỹ, tính văn hoá thì đúng là không nhiều. Tôi vẫn tin rằng, sản phẩm tốt sẽ có ý nghĩa với khán giả, và khán giả sẽ không quay lưng.
Trạng nguyên nhí hay SV đều là chương trình có format “thuần Việt”. Sự quan tâm của khán giả với chương trình có khiến cho ê kíp tự tin để tiếp tục sản xuất những gameshow, chương trình “thuần Việt” mới cho đối tượng thanh thiếu niên, thiếu nhi?
Đúng là làm chương trình format thuần Việt khó lắm! Cá nhân tôi không đặt nặng vấn đề format phải thuần Việt hay không. Quan trọng nhất là mình đủ dũng cảm nghĩ, viết ra và bảo vệ ý tưởng của mình, hay lựa chọn đầu tư một format quốc tế để “Việt hoá”.
|
Thành công hay không là ở sự đón nhận của khán giả. Tôi cũng chưa làm gì mà tự tin chương trình mình đạt điểm 9 cả. Luôn có cảm xúc thấp thỏm khi chương trình đến với công chúng, nhưng mơ ước thì rất lớn.
Tôi có tham gia sản xuất một chương trình cho thiếu nhi là Nhà hát Những giấc mơ; rồi tới đây VTV3 sẽ kỷ niệm 25 năm bằng một chương trình có tên gần giống là Quảng trường Những giấc mơ. Lý do mà chị Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí, muốn giữ cái tên Những giấc mơ là vì VTV3 được xây dựng từ những giấc mơ đẹp, và dù ở giai đoạn nào của sự phát triển, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp, có ý nghĩa.
"Hai ba con thực ra "truyền lửa" cho nhau suốt"
Từ SV 96 cho đến SV 2020, nhà báo Lại Văn Sâm vẫn giống như một người “truyền lửa” trong chương trình. Bản thân anh được bố mình “truyền lửa” như thế nào khi thực hiện chương trình, cũng như những chương trình dành cho người trẻ?
Tôi yêu SV 96 khi còn là một học sinh cấp 3. Mọi tình yêu với SV đều qua những lần đi bduyệt chương trình, tham gia xem các anh chị xây dựng kịch bản và trình diễn.
Vẫn biết hiện tại, khán giả không quá chú trọng tới các kênh sóng, các bạn sinh viên cũng ít xem truyền hình, nhưng tạo ra một diễn đàn để người trẻ được thoả sức thể hiện tài năng và tiếng nói xã hội, vốn đó chính là cảm hứng mà tôi tin là ba tôi luôn là người “máu” nhất. Hai ba con thực ra “truyền lửa” cho nhau suốt. Và chắc chắn một điều, không chỉ có SV, chúng tôi đang tạo cảm hứng cho nhau ở rất nhiều chương trình khác nữa.
|
Trong thời đại công nghệ, YouTube, TikTok… trở nên phổ biến. Không thể phủ nhận những chương trình truyền hình đang gặp phải sự cạnh tranh lớn với những nền tảng này, nhất là thanh thiếu niên và thiếu nhi đang là những đối tượng chủ yếu tìm đến những chương trình giải trí, vlog, clip... trên nền tảng mạng xã hội?
Chúng ta không cần phải phân biệt nền tảng tivi hay nền tảng số nữa, mà giờ sẽ chỉ là nội dung. Một bộ phim hay, dù dài hàng trăm tiếng, khán giả vẫn tìm xem bằng được.
Thế nên, nói các nền tảng số ảnh hưởng các chương trình truyền hình là không đúng, mà là vì nội dung chúng tôi làm có vẻ chưa kịp với nhu cầu xem của khán giả, chưa bắt nhịp được với sự phát triển của thế giới. Nhưng cũng phải khẳng định: VTV3 không trực tiếp sản xuất những nội dung giải trí vô nghĩa. Và đó sẽ là cách thức duy nhất để cạnh tranh nền tảng phát sóng khác.
Có ý kiến cho rằng do truyền hình hiện nay đang quá ít những chương trình hấp dẫn để thanh thiếu niên, thiếu nhi giải trí khiến cho đối tượng khán giả này tại Việt Nam càng ngày càng tìm đến nhiều hơn những hình thức giải trí trên nền tảng mạng xã hội, và dễ hấp thụ phải những nội dung thiếu lành mạnh.
Những clip của YouTuber Thơ Nguyễn bị nhiều bậc cha mẹ vừa phản ánh vừa qua là một ví dụ. Anh nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Đúng là những nền tảng chính thống như tivi, app của VTV cũng như các đài lớn khác cần phải làm được nội dung tốt, có giá trị cho xã hội. Còn việc các mạng xã hội, nền tảng số khác hình thành nên các "ngôi sao" là tất yếu khách quan. Các ngôi sao ấy làm có tốt không, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân! Thơ Nguyễn này dừng, sẽ có Thơ Nguyễn khác. Họ có thay đổi nhận thức hay không mới là yêu tố tiên quyết.
Anh đồng hành cùng các con mình trong việc xem những chương trình giải trí như thế nào? Anh có hay “bắt” con xem những chương trình mình làm không?
Được cái hai bạn nhà tôi khá tự do, có cá tính và độc lập. Thích thì các bạn mới xem thôi. Chúng tôi xem phim cùng nhau, đá bóng, chạy thể dục, cầu lông... Tôi đang coi hai bạn ấy và cả “đồng chí” vợ là bạn thân của mình trong mọi hình thức vui chơi, giải trí (cười).
Bình luận (0)