* Ông đã từng vướng phải ồn ào vì những thông tin sai lệch, vu khống bản thân chưa?
- Đạo diễn Lê Hoàng: Ngày xưa, tôi làm phim Lọ lem hè phố, bộ phim khiến nhiều người thích và cả không thích. Đấy là chuyện bình thường. Nhưng mà sau đó, một số người đưa lên (mạng xã hội) là ăn cắp. Họ lấy "bằng chứng" từ bộ phim Pretty Woman (Người đàn bà đẹp). Trong phim này, một anh triệu phú vô tình quen một cô gái điếm. Sau bao nhiêu va chạm, hai người yêu nhau. Còn Lọ lem hè phố của tôi là câu chuyện về một anh ca sĩ (Quang Dũng đóng) vô tình gặp một cô gái điếm trong đêm (Mỹ Duyên đảm nhận). Cả hai trải qua nhiều chuyện, sau đó yêu nhau. Thế thì mọi người cho rằng tôi ăn cắp. Những người thuộc phe này cực kỳ đông. Thứ nhất là họ ghét tôi, thứ hai là họ thấy cốt truyện có vẻ giống: một giàu, một nghèo yêu nhau, thứ ba là những người không nằm trong lĩnh vực điện ảnh nên chỉ thấy vấn đề đến mức đó là đủ kết luận. Rất nhiều người nói về tôi bằng lời lẽ rất nặng nề.
|
* Trong trường hợp đó, ông đã xử trí như thế nào?
- Chính vì phim Mỹ quá nổi tiếng nên người ta càng tin tôi ăn cắp. Người ta thường nghĩ ăn cắp những gì nổi tiếng và những gì cả xã hội biết. Tôi chả có gì để chứng minh cả. Điều duy nhất tôi có thể làm là chỉ ra tiền sử của tôi. Tôi làm bao nhiêu phim rồi và chưa bao giờ ăn cắp ở đâu cả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi đành im lặng. Nếu tôi nói tôi không ăn cắp thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Tôi chỉ để những người bạn của mình nói thôi. Cho đến giờ phút này, vẫn có người nói tôi ăn cắp.
Trở lại vấn đề âm nhạc hiện nay, bao nhiêu nghệ sĩ nổi tiếng ra mắt ca khúc vẫn bị nói là lấy cái này, cái kia của Hàn Quốc… Giờ phút này, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ, chả ai xử lý cả.
* Đứng trước những thị phi, không ít nghệ sĩ chọn im lặng. Thậm chí, bản thân ông cũng từng ứng xử như vậy. Đây có phải cách giải quyết hiệu quả?
- Theo tôi, vấn đề làm tiếp những gì tiếp theo. Nếu gặp vấn đề ở bộ phim này, tôi sẽ tiếp tục làm những phim khác chứ hơi đâu mà dừng lại và cãi nhau. Nhiều người lầm tưởng giữa việc “im lặng” và “làm tiếp”. Ví dụ như Sơn Tùng, ca sĩ này từng bị nghi ngờ đạo nhạc Hàn Quốc. Cách tốt nhất của anh ta là làm tiếp và không hề dừng lại để cãi nhau như một cách ngã ngũ vấn đề.
- Trái ngược với sự im lặng, hàng loạt nghệ sĩ đã vào cuộc như Nhật Kim Anh đến tận nhà kẻ vu khống, Trấn Thành nhờ cơ quan chức năng tìm đối tượng xúc phạm Hari Won… nhưng sự việc vẫn chưa có dấu hiệu giảm thiểu. Lý do gì khiến những trường hợp này tái diễn?
- Đó là cách mà họ lựa chọn thôi. Cách của tôi có thể không là tốt nhất. Có một sự thật rằng việc vu khống và trục lợi sẽ mãi mãi tiếp diễn. Chừng nào còn nghệ sĩ, chừng nào còn nghệ thuật thì chuyện đó vẫn tiếp tục. Nó chẳng bao giờ chấm dứt cả.
|
* Khi vướng phải scandal ngụy tạo, nghệ sĩ nên làm gì?
- Thứ nhất, tốt nhất là xem như không có chuyện gì. Thứ hai là hãy làm tốt những công việc tiếp theo, bởi vì những công việc sau này sẽ thanh minh cho việc trước của bạn.
* Là một người bộc trực, thẳng thắn với các phát ngôn gây sốc, không được lòng số đông, ông có nghĩ rằng mình là đối tượng tiềm năng cho nạn vu khống, trục lợi?
- Tôi không biết! Có chỉ trích hay không phụ thuộc vào hành động của mỗi người, tức là mình làm cái gì đã. Còn tôi không làm gì thì chẳng ai có thể chỉ trích cả. Gần đây, tôi ra hơi ít tác phẩm, chắc sẽ không bị chỉ trích đâu! (cười).
* Những kẻ vu khống, trục lợi luôn đánh vào sự hiếu kỳ và giận dữ của công chúng trên các phương tiện truyền thông. Phải chăng, người Việt đang thiếu kỹ năng thẩm định thông tin trước những "cái bẫy" trên mạng xã hội?
- Chắc chắn! Thật ra, chúng ta thiếu kỹ năng về rất nhiều vấn đề, không chỉ riêng việc thẩm định thông tin.
Nghệ sĩ thì cũng có người này, người kia. Có nhiều người cũng lợi dụng chuyện scandal. Không phải nghệ sĩ nào cũng đáng bảo vệ đâuĐạo diễn Lê Hoàng |
* Pháp luật đóng vai trò như thế nào trước thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, đặc biệt là đảm bảo sự an toàn của nghệ sĩ trên mạng xã hội, thưa anh?
- Chưa! Thật sự mà nói, vấn đề của nghệ sĩ rất phức tạp, chứ không phải về xâm phạm tài sản hay xâm phạm cơ thể gì cả. Mà nó là những vấn đề về tư tưởng, tác quyền, thậm chí là nhận thức. Những điều này rất khó phân định. Cho nên, pháp luật có cố gắng đến mấy cũng chưa đủ.
Hàng trăm năm trước, người ta có câu: “Không thể ăn trứng mà không đập vỡ vỏ”. Các bạn có mạng xã hội, các bạn phải chấp nhận những hệ quả của nó. Mỗi người chúng ta dù trông chờ vào pháp luật đến đâu, tin tưởng cơ quan quản lý nhà nước như thế nào thì các bạn phải có bản lĩnh của mình. Mọi người phải tự xây dựng bản lĩnh chịu đựng.
Việc tranh luận trên mạng xã hội rất nhiều và không hề đơn giản. Muốn thay đổi môi trường mạng xã hội thì phải nâng cao văn hóa. Khi nâng cao văn hóa, mỗi con người chúng ta sẽ tự thẩm định được, tự bản lĩnh được mọi thứ chứ không trông chờ vào ai khác. Dù cho có bao nhiêu tòa án, cơ quan quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông thì cũng không quản lý được... Chúng ta không thể trông chờ vào ai khác ngoài bản thân mình.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Tình trạng nghệ sĩ bị vu khống và xúc phạm trên mạng xã hội không còn quá xa lạ với công chúng. Gần đây, hàng loạt vụ việc xảy ra, gây ảnh hưởng đến tên tuổi của nhiều nghệ sĩ. Cụ thể, sau khi nghe thông tin tố cáo của một chủ tài khoản facebook tên M.P, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đã kêu gọi cư dân mạng làm rõ về việc "Lâm Khánh Chi lừa đảo, chiếm đoạt 150 triệu đồng" từ người này. Sự việc sáng tỏ khi nữ ca sĩ trình báo công an về hành vi vu khống. Sau quá trình điều tra và làm rõ cho thấy hành vi lừa đảo do một đối tượng giả mạo nữ ca sĩ Lâm Khánh Chi gây ra. Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải công khai xin lỗi Lâm Khánh Chi.
Ngoài ra, MC Quyền Linh cũng từng bị cuốn vào làn sóng chỉ trích vô căn cứ khi hàng loạt người dùng mạng xã hội cáo buộc anh là người ham tiền và danh vọng. Diễn viên Nhật Kim Anh cũng một phen khốn đốn khi bị một anti-fan vu khống “dùng hàng cấm, chơi thuốc lắc và ngủ với tất cả đàn ông trong showbiz”…
|
Ngày 22.10, báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội với sự tham dự của ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM; TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia và diễn giả kinh tế; đạo điễn Lê Hoàng; hoa hậu Diễm Hương; luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM; ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh; thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng Bộ môn Báo chí, khoa Báo chí, Đại học KHXH-NV TP.HCM; ông Trịnh Đình Khánh, Giám đốc điều hành Suzu Group; nhà báo, diễn giả Đỗ Hùng; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên... Chương trình còn có sự tham gia của hơn 200 khách mời và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí T.Ư và TP.HCM.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm nhận diện động cơ tiêu biểu của hành vi vu khống, trục lợi của một số người dùng trên mạng xã hội; cảnh tỉnh vấn nạn tin giả; thảo luận giải pháp bảo vệ bản thân khi dùng mạng xã hội…
|
Bình luận (0)