Được biết anh đang khởi động thực hiện bộ phim điện ảnh Anh hùng, gợi lại vụ thảm án Lệ Chi Viên có liên quan đến những nhân vật lịch sử tầm cỡ như anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông… Mà trọng tâm được đặt ở thời điểm năm 1464, sau 22 năm xảy ra thảm án, vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi chỉ trong một đêm... Vì sao anh và nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chỉ chọn giai đoạn này để đưa vào điện ảnh?
Tôi là học trò của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh và câu chuyện này là do thầy Minh sáng tác từ lâu rồi. Năm ngoái tôi gặp thầy Minh thì thầy khoe với tôi kịch bản "Anh hùng". Khi nghe thầy nói về kịch bản, tôi thích ngay lập tức bởi vụ án Lệ Chi Viên đã quá nổi tiếng, ai cũng biết nỗi oan khiên này nhưng sau đó ai là người giải oan cho Nguyễn Trãi, vị vua anh minh đã minh oan cho ông bằng cách nào, hành trình ấy cần trí lực và phải lựa chọn giữa xã tắc và người anh hùng gặp nạn ra sao thì nhiều người chưa tỏ tường lắm. Nên việc nhà biên kịch chọn đặt trọng tâm câu chuyện minh oan vào thời điểm khắc nghiệt nhất là vua Lê Thánh Tông chỉ có một đêm để minh oan cho Nguyễn Trãi…; với tôi, đó chính là sự sáng tạo nổi bật của thầy khi chọn thời điểm để kể câu chuyện bi ai này. Và đó cũng là điểm tôi thích nhất.
Việc khơi gợi lại một vụ trọng án đầy bi thương, khắc họa lại lịch sử dân tộc, hình ảnh những vị anh hùng, nhân vật lớn của VN thì điều anh trăn trở và lo lắng nhất là gì?
Cái tôi trăn trở nhất là sự kiện "tru di tam tộc". Nhưng tôi vẫn phải tái hiện những ngày đó một cách chân thực để thấy nỗi oan khiên của Nguyễn Trãi và dòng họ của ông là đau đớn vô tận, vì thế việc minh oan là rất cần thiết. Thách thức là phải dàn dựng những cảnh bi thương đó thế nào để vừa khắc họa được nỗi đau, sự oan ức; vừa mang tính điện ảnh chính là điều tôi trăn trở nhất. Ngoài ra, tôi cũng bị áp lực là xây dựng các nhân vật phải đúng tầm uy nghi của họ và kỳ vĩ về mặt hình ảnh và tâm lý nữa. Tôi muốn bộ phim Anh hùng có thể sánh vai với phim lịch sử của bất cứ quốc gia nào.
Đạo diễn Lương Đình Dũng đang làm việc trên trường quay
Có thể anh tự tin vào sự "chắc tay" của mình và nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, nhưng chắc chắn sẽ tạo nên "sóng gió dư luận" bởi đó không chỉ là câu chuyện của điện ảnh mang tính giải trí mà nó chạm vào khát khao, những nhận thức của người trẻ, nhiều tầng lớp về một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Anh có lường trước những điều này?
Tất nhiên là tôi tin vào sự cao tay của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh trong xử lý kịch bản rồi. Anh hùng là phim lớn, nên "sóng gió dư luận" tôi nghĩ cũng sẽ lớn. Tuy nhiên, điều này không làm tôi sợ hãi, tôi muốn biến nó thành động lực để nhắc nhở mình phải làm thật tốt, phải làm sao cho thấy lịch sử VN ta thật hào hùng, phải làm cho khán giả tự hào vì nước mình có một bộ phim lịch sử như thế. Tôi rất khao khát khi làm thành công thì "sóng gió" sẽ biến thành "cơn bão" khổng lồ về tình yêu dành cho phim và sự tự hào dân tộc. Làm phim lịch sử đúng là rất mạo hiểm và thử thách, nhưng nó cho tôi cơ hội để làm nên một tác phẩm tự hào, bởi ẩn chứa trong lịch sử đó là Tổ quốc.
Điện ảnh và phim truyền hình của VN từng thực hiện những bộ phim về lịch sử dân tộc nhưng đa phần khiến khán giả thất vọng vì sự "nửa vời", làm chưa tới. Anh có dám chắc chắn rằng lần này khán giả sẽ không thất vọng nữa?
Sự kỳ vọng lớn của khán giả khiến tôi cũng áp lực, nhưng nếu không thấy chắc chắn thì tôi không làm. Tôi may mắn được trải nghiệm nhiều từ lý thuyết tới thực tế, đi nhiều liên hoan phim (LHP) lớn trên thế giới, gặp nhiều cây đại thụ điện ảnh để học hỏi. Với phim Anh hùng khi kinh phí đã đáp ứng đủ, tôi được "cởi trói" về điều này thì tôi dám chắc chắn sẽ không làm khán giả thất vọng. Bản thân tôi cũng tự nhận mình là người khó tính và kỹ tính khi làm phim và trong bất cứ bộ phim nào, tôi sẽ không cho phép mình qua loa dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất. Với phim Anh hùng thì càng phải nghiêm khắc với bản thân vì tôi biết khán giả trông chờ vào tôi, vào tác phẩm rất nhiều. Tôi khao khát sẽ tạo ra một bộ phim khiến khán giả tự hào.
Phim của anh cũng được tham gia, đề cử ở những LHP lớn, nhưng đó là những bộ phim hành động, kinh dị; còn Anh hùng là lần đầu tiên anh làm phim về lịch sử dân tộc VN, tức sẽ chạm đến những vấn đề nhạy cảm về một thời kỳ, con người, văn hóa…chắc chắn sẽ có "vùng cấm". Vậy anh làm thế nào để tái hiện chân thật nhất?
Nhiều người bảo tôi rất liều và lì ngay từ khi làm phim Cha cõng con. Còn tôi hiểu mình không phải là người liều lĩnh trong công việc một cách vô lý, thiếu chắc chắn. Trong lĩnh vực điện ảnh có một thứ mấu chốt mà ít ai để ý và coi trọng, đó là quy trình thực hiện một bộ phim bài bản. Điện ảnh muốn phát triển thì phải coi như một ngành sản xuất công nghiệp chứ không phải là những cảm hứng thất thường của cá nhân.
Hơn nữa, tôi không coi các vấn đề "nhạy cảm" là khó mà đó như "một điều tế nhị", bởi không nhất thiết mọi thứ cứ phải phô bày ra. Có những thứ người làm phim dù luật có cho phép hay không thì mình cũng nên cân nhắc có cần thiết cho bộ phim không? (cười).
Một vấn đề nữa mà phim về lịch sử hay gây ra tranh cãi là cách phục dựng trang phục cho nhân vật, bối cảnh xã hội… Với Anh hùng đã có sự đầu tư, chuẩn bị ra sao?
Không ai sống trong thời kỳ đó để chắc chắn 100% cái gì đúng, cái gì chưa đúng. Chúng ta phải đi theo những gì còn ghi chép lại trong sử sách hoặc từ các nguồn tài liệu khác của các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực và thực hiện tốt nhất. Với Anh hùng thì các khâu này chúng tôi coi trọng hàng đầu và mời những chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực đó để thực hiện, vì chúng tôi hiểu những sai sót, dù nhỏ nhất, có thể gây ảnh hưởng đến cả bộ phim.
Anh hùng sẽ là câu chuyện đan xen giữa tâm lý, sự đấu trí và có cả những pha hành động khốc liệt… Nghe thì thấy là "đúng kiểu Lương Đình Dũng" nhưng cũng gây tò mò vì đây là câu chuyện lịch sử?
"Án oan đeo lên một danh thần và mấy trăm con người đã bị chém oan" thì vua Lê phải làm sao để minh oan, và cách minh oan phải thu phục được toàn cõi. Vua Lê Thánh Tông phải đấu trí đến mức kiệt cùng với chính bản thân nhà vua và hàng ngàn con mắt soi mói của một triều đại nhìn vào hành động của ông. Các thế lực rình rập ngăn cản, các cuộc truy sát dẫn đến việc phải dàn dựng nhiều pha hành động phức tạp giúp phim Anh hùng sống động và sự kiện thêm thi vị, oai hùng hơn.
Hậu trường phim Thành phố ngủ gật
Với phim điện ảnh, đặc biệt là phim về lịch sử dân tộc, việc chọn diễn viên vô cùng quan trọng. Hầu như các phim đã thực hiện, anh thường chọn những gương mặt mới, trẻ chứ không ưu tiên diễn viên "bảo chứng phòng vé". Vậy lần này thì sao?
Tôi không đặt nặng vấn đề là ai, có thể là cả gương mặt "bảo chứng phòng vé" và cả gương mặt mới, miễn là hợp vai và có khả năng diễn xuất cực tốt. Tôi hy vọng phim Anh hùng sẽ có dàn diễn viên tham gia với tiêu chí đầu tiên là cùng nhau làm nên một phim lịch sử xứng tầm.
Nghe nói nữ chính sẽ là một gương mặt người đẹp ngoài ngành giải trí? Còn nam chính thì tiêu chí để anh lựa chọn là gì?
Tôi có tiêu chí chọn diễn viên cho phim khá chi tiết rồi. Các gương mặt thì tôi cũng đã thấy xuất hiện nhưng cần thời gian tìm kiếm và thử thách để có thể mời được các vai nam, nữ chính ưng ý nhất. Phim có số lượng diễn viên nam, nữ rất lớn và hiện tại vai Thái hậu chẳng hạn thì tôi đã dự kiến mời một người đẹp đang hoạt động trong ngành báo tham gia.
Phim 578: Phát đạn của kẻ điên
Có vẻ hơi mạo hiểm nếu hình ảnh những vị anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử được tái hiện trên màn ảnh lại do những diễn viên hơi "vô danh" hóa thân? Cảm giác như anh hay thích gây tò mò cho khán giả? Nhưng đây cũng có thể là "điểm yếu" khiến phim không thành công như kỳ vọng?
Tôi chỉ cần diễn xuất của họ tốt và gương mặt họ phù hợp với nhân vật thôi, vì có danh hay vô danh không phải là điều tôi lo ngại. Ai cũng là người VN cả, ai cũng có lòng tự hào dân tộc. Thứ tôi cần nhất và chủ chốt là sự trách nhiệm và tự hào khi tham gia dự án này.
Trên trang cá nhân, anh thường bày tỏ quan điểm, sự trăn trở về việc quảng bá văn hóa - lịch sử - con người VN qua các tác phẩm điện ảnh. Vậy trong Anh hùng, điều này sẽ được thể hiện như thế nào?
Tôi được sinh ra trong một đất nước có lịch sử oai hùng nên luôn tự hào về điều đó. Tôi cũng buồn bởi xem phim lịch sử của nhiều quốc gia thấy họ làm tốt hơn mình. Nhiều khi nó làm khán giả Việt cảm thấy lịch sử nước mình yếu thế hơn qua phim, điều đó là không đúng. Nên từ sâu trong tâm, chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho lịch sử, vì lịch sử của chúng ta cũng oai hùng lắm, không thua kém ai cả, chỉ là chúng ta chưa có cách để thể hiện nó ra thôi. Tôi rất thích tên "Anh hùng" (tựa tiếng Anh là Hero and Hero). Nó có không khí hiện đại và sự kỳ vĩ. Trong phim, vua Lê Thánh Tông cũng là anh hùng và Nguyễn Trãi cũng là anh hùng. Tôi nghĩ câu chuyện phim cũng là một cách thể hiện: "Những người anh hùng thường đối xử với nhau bằng nhân cách vĩ đại...".
Cảnh sắc VN trong phim 578: Phát đạn của kẻ điên
Những bộ phim do anh thực hiện đều luôn đặt mục tiêu "đem chuông đi đánh xứ người". Nhưng với khán giả và thị hiếu xem phim trong nước thì có vẻ họ không mặn mà lắm. Lần này Anh hùng cũng dự kiến công chiếu tại trên 30 quốc gia. Vậy anh nghĩ sẽ có sự "đột phá" thế nào?
Tôi nghĩ khán giả không mặn lắm với những phim đoạt giải lớn là do tâm lý của một số ít người thường nghĩ rằng phim đạt giải nghệ thuật thì thường khó xem, khó giải trí. LHP cũng là phương tiện đánh giá chất lượng thực sự của một bộ phim. Còn với tôi bây giờ thì mục tiêu đầu tiên là phải làm một bộ phim tốt nhất trước đã, để khán giả lúc ra rạp xem thấy xứng đáng, mọi thứ còn lại cái gì đến sẽ đến.
Bình luận (0)