Sau “cơn sốt” Tiếng sét trong mưa 2 năm trước, một tác phẩm nữa thuộc dòng phim xưa của anh - Lưới trời - đang được quan tâm. Và được biết anh đang chuẩn bị Thời mở cửa, cũng trong dòng chảy “ngược thời gian” ấy. Vì sao anh hứng thú với thể loại khó nhằn này?

Đúng là khó nhằn thật, khó sản xuất, dễ bị soi. Khán giả xem phim thường soi các yếu tố liên quan lịch sử, thời gian, bối cảnh, đạo cụ, hình tượng nhân vật, phong cách diễn xuất đúng thời điểm chưa… Nhưng kinh phí thì không ai soi giùm tôi (cười). Có bao nhiêu tiền để tái tạo, thực hiện bối cảnh của thời kỳ đó?

Nói vậy thôi chứ khi dấn thân với dòng phim xưa, chúng tôi chấp nhận bị soi, không than vãn về kinh phí. Khi chấp nhận đương đầu như thế, chúng tôi cũng mong khán giả lượng thứ những thiếu sót không đáng xảy ra mà đoàn phim không thể kiểm soát hết hay trong điều kiện bất khả kháng, đoàn phim không thể thực hiện được.

Sau thành công Tiếng sét trong mưa hay Lưới trời (đang phát), tôi có nhiều kinh nghiệm hơn cho thể loại này. Tôi cũng đo được sự yêu mến của người xem dành cho dòng phim xưa, thêm được sự tín nhiệm của ban giám đốc đài, nên tôi được giao thực hiện tiếp phim Thời mở cửa…

Chỉ đạo diễn xuất trong phim Tiếng sét trong mưa (Ảnh: Mega GS)

Từ Cải ơi đến khi anh thực hiện Lưới trời đã 15 năm, làm phim xưa bây giờ khó và dễ hơn thời đó ra sao, thưa anh?

Phim xưa phải cải tạo, tái tạo bối cảnh, nên dù có 15 hay bao nhiêu năm đi nữa, làm dạng phim này đều rất mất thời gian. Vấn đề nào khó thì vẫn khó, còn chuyện gì dễ thì có dễ hơn một tí. Theo tôi, thuận tiện hơn là ở sự vận chuyển, kinh nghiệm cũng như có nhiều lựa chọn hơn cho đề tài. Bởi càng về sau, đạo cụ mình có nhiều hơn, bối cảnh cũng biết nhiều hơn, thiết kế rành nghề hơn, trang phục qua nhiều thời kỳ có sự tích lũy, có thể tính toán để tái sử dụng… Và quan trọng là có kinh nghiệm hơn trong chỉ đạo diễn xuất, lựa chọn nhân sự làm việc cùng. Ngay cả giá cả, xưa mình mày mò tìm hiểu thì nay có thể biết chính xác hơn để đưa ra giá thành hợp lý, tốt hơn cho nhà sản xuất.

Một số hình ảnh về bối cảnh được dàn dựng công phu trong Lưới trời (Ảnh: Mia)

Anh thường tốn thời gian nhiều nhất cho khâu nào khi thực hiện một bộ phim xưa/có yếu tố lịch sử?

Mất thời gian, tâm sức nhất là khâu chọn cảnh. Mình phải đi rất nhiều nơi, xem xét từng bối cảnh để tính bối cảnh đó còn được bao nhiêu phần trăm để sử dụng, tốn bao nhiêu tiền để tái tạo như ý. Rồi trên nền bối cảnh đó, phải tính toán chi li cho sự di chuyển và ăn uống, ngủ nghỉ của đoàn phim, vận chuyển đạo cụ ra sao, cả diễn viên quần chúng nữa… Từ đó xem lại kịch bản, cân đong đo đếm xem nên cải tạo gì, thuê mướn gì, đóng mới gì hay mượn ở đâu đắp vá vô, sao cho đúng nhất, trong điều kiện khả dĩ nhất, theo kịch bản quy định.

Nhiều nhà sản xuất rất ngại đầu tư cho kịch bản có đề tài xưa. Họ thường bảo, à chỉ có bao nhiêu kinh phí đó; nhưng đặt nhiều câu hỏi: Có làm được hay không với số tiền này, đảm bảo bao nhiêu độ chân thật của lịch sử, công chúng đón nhận thế nào với phim này?… Nên chỉ có những nhà sản xuất cùng chí hướng mới đồng hành với mình thôi. Hầu hết nhà sản xuất tìm đến tôi rất cần những kinh nghiệm của tôi trong sản xuất phim về đề tài này.

Anh “bỏ túi” những bí kíp nào khi gắn bó với dòng phim ấy?

Bí kíp của tôi? Chỉ là không ù lì hay bị động! Vì sao tôi nói vậy? Do với thể loại này, đạo diễn là tôi phải chủ động trong mọi việc, trong mọi suy nghĩ, sắp xếp… Ngay từ khi đọc kịch bản, phải liên tưởng được hình ảnh, tưởng tượng được câu chuyện mình kể sẽ như thế nào, cả việc phải đưa ra nhiều phương án cho nhà sản xuất: nên quay ở đâu, bối cảnh nào phù hợp, đạo cụ mình có được những gì, thuê mướn hay mượn ở đâu, diễn viên nào phù hợp, hầu như tư vấn mọi hạng mục mình có kinh nghiệm cho nhà sản xuất để tạo sự yên tâm, tự tin hơn cho họ khi đồng hành với mình.

Chỉ đạo diễn xuất trong Lưới trời (Ảnh: Mia)

Các đạo cụ, bối cảnh của những phim mà anh kỳ công đầu tư, dàn dựng được bảo quản thế nào để có thể tái sử dụng?

Thường thì xong phim phải trả nguyên vẹn hiện trạng ban đầu. Chúng tôi cũng không có nhiều đạo cụ đến mức có kho lưu giữ, vì Phương Điền “nổi tiếng” là “đạo diễn đi mượn” mà! (cười). Có trường hợp đặc biệt, trong Lưới trời, chúng tôi dựng lại khu phố xưa cho cảnh quay Sài Gòn những năm 1940 (ở An Giang). Sau khi chọn khu phố vốn đã có màu thời gian được 60%, mình cải tạo thêm 40%. Dựng xong, chính quyền địa phương đến tham quan và có lời khen ngợi. Khi phim hoàn thành, địa phương có xin giữ lại để làm khu phố xưa, tổ chức tết cổ truyền cho bà con chụp ảnh lưu niệm. Cũng là kỷ niệm đáng nhớ của đoàn phim!

Thực sự tôi rất ao ước và luôn có suy nghĩ về một phim trường - một miếng đất đủ rộng để có thể thực hiện đề tài xưa, dựng lại cảnh làng quê, khu phố hay tập trung đạo cụ theo từng cụm chủ đề… qua các phim đã quay để khi cần cho phim khác, chúng ta không tốn quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi cũng ao ước về phim trường cho khán giả cũng như người quan tâm đến tham quan, vì ngoài câu chuyện văn hóa, còn là vấn đề lịch sử, giáo dục…, nhất là với các em nhỏ. Nhưng hơi bất khả thi, vì miếng đất như thế hơi quá tay với tôi (cười).

2. Đạo diễn Phương Điền (bìa trái) trong chuyến tham quan và học về công nghệ làm phim truyền hình tại Hàn Quốc năm 2010 (Ảnh: NVCC)

Nhiều diễn viên truyền nhau: đạo diễn Phương Điền kỹ tính, tinh tế, rất có nghề, khi giao vai đến ai thì như đo ni đóng giày cho người ấy…

Thực sự tôi rất cảm ơn các diễn viên đã tin tưởng và dành cho tôi những mỹ từ trên. Nói chung là hơi nở mũi (cười). Còn gì vui bằng khi sản phẩm của mình được công chúng đón nhận, được sự quan tâm của anh em đồng nghiệp, sự ủng hộ của đài, sự tin tưởng của nhà sản xuất. Tôi vui khi thấy mình làm được những điều như “truyền miệng”: giao vai nào cho ai gần như đều tạo được dấu ấn, giao cho diễn viên trẻ thì tạo cơ hội cho họ có chỗ đứng trong lòng công chúng, giúp họ tự tin phát huy khả năng hơn.

Trong quá trình làm việc, tôi quan sát kỹ từng diễn viên, cả vai diễn trong các phim khác của họ tôi cũng xem (à, tôi cũng hay xem phim đồng nghiệp lắm) để nhận ra lợi thế, khiếm khuyết, từ đó đưa ra phương án tốt nhất khi giao vai. Nên khi đọc kịch bản nào tôi cũng đã hình thành tính cách nhân vật và nhìn ra diễn viên nào sẽ phù hợp nhân vật ấy. Đến lúc mời thì coi như đo ni đóng giày vậy.

Thực ra, sự tinh tế khi giao vai còn là vì tôi từng làm diễn viên nên hiểu rất nhiều công việc của họ, khi “nhìn” ai thì hầu như “đóng giày” cho họ. Đó cũng là lợi thế khi đạo diễn từng đóng phim.

Với mỗi dự án, anh dành khoảng bao nhiêu phần trăm cơ hội cho diễn viên trẻ?

Cụ thể thì khó nói, nhưng tôi dành nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Thường tôi đi tìm nhân vật chứ không tìm diễn viên. Lớp diễn viên trung niên, lớn tuổi nếu không phù hợp đóng chính thì sẽ làm tuyến nhân vật chủ chốt, làm dàn bao vững chắc cho phim. Còn diễn viên chính, tôi thường casting để tìm gương mặt mới, nên cơ hội dành cho các bạn trẻ là rất cao. Khán giả có thể thấy qua các phim Con gái bố già, Cha rơi hay Vua bánh mì, hầu như dung hòa 50 - 50 cho các diễn viên trẻ, mới và gương mặt thân quen.

Cùng Ngọc Lan với HCV cho Cha rơi tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 2014 (Ảnh: NSCC)
Cùng các diễn viên Quốc Thái, Cao Minh Đạt khi ra mắt Vua bánh mì (Ảnh: NVCC)

Gắn bó với trường quay hơn 20 năm, từ khi còn là diễn viên, rồi trợ lý, phó đạo diễn, đạo diễn, điều gì khiến anh trăn trở nhất với nghề hiện nay?

Với mỗi giai đoạn phát triển, phim ảnh hay lĩnh vực nào cũng vậy, đều có sự điều chỉnh, sàng lọc, thay đổi cho phù hợp. Tôi quan niệm, mình làm sao cho tốt công việc của mình, làm bằng cái tâm và phải có tầm, cố gắng giữ chân khán giả với tác phẩm của mình, đó là điều tôi trăn trở nhất (cười).

Báo Thanh Niên
28.11.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.