Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Khi làm phim, tôi tin 99% thành công”

01/10/2005 17:58 GMT+7

Tốt nghiệp đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 2000, Nguyễn Quang Dũng đã có một khởi đầu khá thuận lợi: bộ phim truyền hình Con gà trống đoạt giải Văn học nghệ thuật TP.HCM, Giải B Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 2003, đoạt giải đạo diễn của Chương trình VTV Bài hát tôi yêu 2005 và là một người dàn dựng, đạo diễn có tiếng trong làng làm phim quảng cáo, sản xuất chương trình, sân khấu ca nhạc...

Với niềm đam mê cháy bỏng, Quang Dũng tiếp tục cuộc hành trình qua bộ phim truyện nhựa đầu tay Hồn Trương Ba da hàng thịt (Hãng phim HK, Hãng phim Việt và Hãng phim Phước Sang sản xuất) do anh chuyển thể từ kịch bản cùng tên của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, vừa được khởi quay trong tuần qua.

- Ham mê đọc sách bởi ảnh hưởng từ cha - nhà văn Nguyễn Quang Sáng, những con chữ cứ "ăn" vào đầu để đến 7 tuổi Dũng đã biết làm thơ và có thơ đăng trên các báo dành cho lứa tuổi nhi đồng... Lớn lên một chút, Dũng bắt đầu tiếp cận với âm nhạc... ngay dưới gốc cây mận trước hiên nhà qua những người bạn của ba là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Bảo Phúc... Sau khi thi đỗ vào Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, anh bắt đầu bước vào con đường dài của tương lai với nhiều dự án đã hình thành. Đầu tiên là bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt. Với anh, sự thành công hay không của bộ phim này có tính quyết định cho những dự án tiếp theo.

* Là một đạo diễn trẻ, làm thế nào để nhà sản xuất chọn mình để đầu tư cho một dự án?

- Khó nhất là thuyết phục người ta đầu tư cho mình trong khi mình chưa có được tác phẩm nào. Theo tôi, điều quan trọng là anh hãy làm việc một cách chuyên nghiệp tuyệt đối. Sự chuyên nghiệp đó thể hiện ngay bước đầu: kịch bản chuyên nghiệp với một câu chuyện hấp dẫn thật sự. Thứ hai, hãy tạo cho nhà đầu tư biết rằng mình sẽ làm được điều mà người ta đang trông chờ. Nếu dự án ban đầu hoàn thành trong... thất bại thì xem như đường đi của anh sẽ rất khó khăn.

* Với kinh phí trên 3 tỉ đồng do hãng sản xuất đầu tư và phải làm thế nào để con số doanh thu là 8 tỉ? Anh có bị áp lực vì điều đó?

-  Tất nhiên, tôi rất quan tâm đến điều này bởi nếu anh không biết đến "sự sống" của hãng phim thì anh không thể tồn tại. Một bộ phim thành công nhờ hai yếu tố: phương thức phát hành đi đôi với chất lượng. Phát hành phải nhờ tài của nhà sản xuất và chất lượng nhờ “chiêu” của đạo diễn. Với tôi, khi bắt tay làm phim, tôi hiểu được rằng làm phim cần có cái cho người ta coi. Bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt sẽ mới về tiết tấu, câu chuyện, cách thể hiện và mới về tính cách nhân vật. Đặc biệt, trong phim sẽ không sử dụng kỹ xảo dù một số cảnh có sự biến hóa, nhưng sẽ có hiệu quả đặc biệt nhờ thiết kế, kết hợp quay phim, âm thanh và dựng phim. Ngoài ra, tôi rất tin tưởng về khâu âm thanh vì đã mời được cha con nhà Viết Tân tham gia làm âm thanh cho phim.

* Nhưng trên hết vẫn là yếu tố kịch bản?

- Kịch bản hấp dẫn từ đầu cho tới khi kết thúc, diễn viên khi đọc rất thích thú và tỏ ra hào hứng. Thứ nhất, tôi tin vào dàn diễn viên với những gương mặt như: Minh Trí, đang ở Mỹ và hiện là một cascadeur có tiếng ở Mỹ, từng nổi tiếng ở Thái Lan qua phim Tomyumgoong (Ông Bak), Anh Thư, Phước Sang, Minh Thuận, Phương Thanh, Mạnh Hải...

*  Phim của anh có thể "đụng hàng" khi các phim chiếu Tết 2006 đều có ca sĩ tham gia? 

- Có nhiều người nghĩ cứ mời ca sĩ đóng phim thì phim sẽ ăn khách, không phải vậy, fan của ca sĩ rất ít, không so được với lượng người xem mà một bộ phim cần có. Quan trọng là khả năng diễn xuất, thể hiện nhân vật. Với ngôi sao của lĩnh vực khác, họ chỉ cần có năng khiếu diễn xuất sẽ vượt qua rất nhiều người vì khả năng tưởng tượng giỏi của chính họ.

* Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt một thời đã rất thành công, anh có nghĩ rằng một cái tên xưa sẽ không gây chú ý nơi khán giả?

- Bản thân cốt truyện gốc đã rất hấp dẫn, và tôi khai thác chi tiết hấp dẫn nhất: hai tính cách trái ngược nhau đổi hồn cho nhau, sinh ra những tình tiết hấp dẫn. Với kịch bản phim, tôi chọn tính hấp dẫn của câu chuyện hơn là tính triết lý của kịch bản sân khấu. Qua đó, tôi sẽ nói chuyện về xã hội mà tôi đang sống, vì vậy sẽ không có áp lực nào cả.

* Nói chuyện về thời mình, anh sẽ nói điều gì?

-  Kịch bản phim của tôi đặt ra vấn đề “hồn người này xác người kia” là không ổn. Xã hội của những người trẻ, có người có phương hướng cho tương lai, có người mất phương hướng và những ước mơ. Khi những người đó đổi cho nhau, họ luôn tìm về chính bản thân mình để giải phóng chuyện của họ. Cái nhìn của tôi khác với kịch bản sân khấu, tôi chỉ mượn tứ để đặt ra câu chuyện ước mơ trở thành một người khác, ước mơ rất đẹp, ước mơ chân chính. Nhân vật của tôi rất đặc biệt, không giống ai, hành động những điều đặc biệt dẫn đến những chi tiết làm người xem thú vị, bất ngờ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

* Làm phim để chiếu Tết 2006, tất anh sẽ phải "điều nghiên" những phim còn lại, theo anh, Hồn Trương Ba da hàng thịt sẽ đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng?

- Tôi rất tự tin, phim sẽ hấp dẫn thật sự, câu chuyện của tôi lắm trò với kết cấu câu chuyện chặt chẽ, nhiều trò để khán giả sẽ cười, sẽ khóc. Nói về xác suất, tôi tự tin đến 99% là thành công, chỉ 1% thất bại là do yếu tố hoang tưởng.

* Theo anh, khán giả đang cần gì ở các đạo diễn?

- Khán giả đang cần phim hay do chính người Việt Nam làm. Đạo diễn phải luôn luôn biết khán giả cần gì mới, và tới đây sẽ có rất nhiều đạo diễn làm được cái mới so với trước khi ngày càng có nhiều phim được sản xuất. Với riêng mình, tôi biết mình đang làm gì và người ta cần gì.

* Và, để làm phim ăn khách có khó hay không?

-  Ở Mỹ, một năm làm ra cả ngàn bộ phim, rồi có mấy phim ăn khách, quả thật quá khó. Hollywood cũng gặp khó khăn, dù khó nhưng họ vẫn làm được. Vì thế tôi nghĩ rằng: nếu khán giả ủng hộ phim Việt Nam, thì giai đoạn khó khăn rồi cũng sẽ đi qua. Chẳng hạn, sau một thời gian đóng băng, qua phim Gái nhảy đạo diễn Lê Hoàng đã làm được điều rất có ý nghĩa và quan trọng: sự quan tâm đến phim Việt của khán giả. Từ đó, đã tạo ra động lực cho nhiều người bước vào sản xuất phim, và ngày càng hiện rõ nhu cầu xem phim Việt của khán giả là rất lớn.

* Nhu cầu lớn, tất sẽ có sự cạnh tranh, để sự cạnh tranh đó được lành mạnh thì theo anh, đứng ở góc độ đạo diễn, anh có cái nhìn thế nào?

- Nếu khán giả càng quan tâm thì họ sẽ càng đòi hỏi, càng khó tính với tác phẩm và nhà sản xuất buộc đạo diễn phải cố gắng hơn. Không gì khác hơn là thuyết phục khán giả bằng một bộ phim hấp dẫn, xuyên suốt với một câu chuyện hay, cách thể hiện "sạch sẽ", kỹ thuật chuyên nghiệp chứ không phải chỉ khai thác những cảnh "nóng bỏng" hoặc chỉ gây ấn tượng ban đầu. Nếu khán giả đến xem một phim hay, họ sẽ xem tiếp phim còn lại, còn nếu xem trước một phim mà thấy dở họ sẽ mất niềm tin. Nếu tất cả phim đều làm dở, thất bại sẽ rất nguy hiểm cho một loạt phim sau này và cả cho đường dài của phim Việt. Tôi mong là không phim nào ảnh hưởng đến mình, mình không muốn ảnh hưởng đến ai.

* Xin cảm ơn anh!

Trâm Anh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.