Vở nhạc kịch Những người khốn khổ được Trần Minh Tuấn thực hiện vào năm 2017, khi anh đang là sinh viên năm cuối Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM |
NVCC |
Vở này sau đó tạo được tiếng vang trong giới, dù nhạc kịch được xem là kén và ít người làm. Anh cho rằng có những thời điểm bản thân cần quyết đoán và liều lĩnh, để có được những trải nghiệm. Vì nếu không như vậy, có những việc, cả cuộc đời, không có cơ hội làm lại, dù chỉ một lần.
Trong những ngày Sài Gòn đối mặt với dịch Covid-19, Trần Minh Tuấn ngay lập tức quyết định đi tình nguyện, hỗ trợ điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm... Biết nhiều tài lẻ, từ chế biến, buôn bán trà sữa, hát hò, đến hớt tóc… Và khi hỗ trợ công tác chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 12, anh cùng với đội tình nguyện văn nghệ sĩ của mình tham gia hớt tóc cho hơn 100 y bác sĩ nơi đây.
Hớt tóc là tài lẻ của đạo diễn Trần Minh Tuấn. Anh cùng các tình nguyện viên hớt tóc cho hơn 100 y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 12 NVCC |
“Người đầu tiên mình hớt tóc là một nam bác sĩ. Khi mình mở cái nón y tế ra, đẩy những đường tông đơ đầu tiên, ghẻ và nấm hiện lên. Mình ám ảnh, không thể tưởng tượng được vì sao lại như vậy”, đạo diễn Trần Minh Tuấn nói.
Cũng theo nam đạo diễn, mỗi ngày các bác sĩ mặc đồ bảo hộ để điều trị cho bệnh nhân F0 từ 6 đến 12 tiếng, thậm chí có hôm mặc suốt 18, 20 tiếng, rất vất vả… Ban đầu anh dự định làm tình nguyện một tháng rồi ngưng. Nhưng từ giây phút đó, “mình tự nhủ, phải tiếp tục”. Và từ đó đến nay, anh vẫn miệt mài với công việc tình nguyện, với nhiều cung bậc cảm xúc.
Trần Minh Tuấn chia sẻ trong những ngày dịch có biết bao câu chuyện sinh ly tử biệt, mà anh đã chứng kiến, nó như những thước phim trầm buồn, trôi chậm qua lối suy tư, mà anh không thể nào tưởng tượng được. “Khu vực chung cư Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM, nơi mình có nhiều thời gian gắn bó, làm tình nguyện, có hàng trăm ca tử vong. Mình rớt nước mắt khi nghĩ tới những ngày này năm sau, ngày giáp năm của những số phận không may, sẽ buồn và ảm đạm lắm”, đạo diễn Trần Minh Tuấn xúc động.
Từ những ngày đầu, anh đi tình nguyện trong lo lắng, sợ nhiễm bệnh rồi lây cho người thân, người xung quanh; rồi cũng có những lúc phân vân, nên dừng lại hay tiếp tục… Nhưng càng đi, anh càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm, càng không thể bỏ cuộc. Tháng 6, 7 vừa qua có hôm anh đi làm tình nguyện từ sáng sớm đến tận 2, 3 giờ sáng hôm sau mới về nhà.
Dấn thân vào những điểm nóng để làm công việc tình nguyện như vận chuyển thực phẩm, hỗ trợ điểm tiêm vắc-xin... NVCC |
Có những hôm, anh cũng đảm nhận luôn việc chở thực phẩm tiếp tế cho sinh viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, không may gặp khó khăn khi bị kẹt lại Sài Gòn. Với anh, câu chuyện từ cuộc sống có rất nhiều điều thiêng liêng mình cần chiêm nghiệm. “Những gì mình đã làm không đáng để tự hào, hoặc quá nhỏ bé so với những anh chị nghệ sĩ, nhà hảo tâm, tình nguyện viên khác thực hiện”, đạo diễn Trần Minh Tuấn nói. Sau thành công của vở nhạc kịch Những người khốn khổ, anh mong muốn một ngày nào đó có thể dựng vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức Bà. Với anh, nhạc kịch là tất cả. Anh thường suy tư về nghề, trăn trở về cái đẹp, cái hồn của nhạc kịch.
Đêm Sài Gòn mưa! Tôi nhớ câu thoại của một diễn viên trong bộ phim vừa xem: Con người ta già đi không vì những con số trên năm tháng, họ già đi vì không còn can đảm với lý tưởng của mình… Thời gian làm nhăn nheo làn da, còn không lý tưởng làm nhăn nheo tâm hồn…
Bình luận (0)