Đạo diễn nỗ lực vượt khó

05/12/2020 06:40 GMT+7

Những trăn trở của các đạo diễn trong giai đoạn sân khấu đang gặp nhiều khó khăn vừa được nêu ra trong tọa đàm 'Đạo diễn và hình thức dàn dựng, biểu diễn hiện nay - thực trạng và giải pháp' do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào sáng 4.12.

Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều thành phần sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, đồng thời dung chứa các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc... Nhưng thực ra người biết tổng hòa tất cả các yếu tố đó lại với nhau chính là đạo diễn. Công việc của đạo diễn vô cùng quan trọng. Thế nhưng, trong giai đoạn sân khấu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đạo diễn cũng phải nỗ lực vượt qua biết bao trở ngại.
Điều đầu tiên khiến đạo diễn đau đầu là cơ sở vật chất của sân khấu còn nghèo nàn, lạc hậu. Nghệ sĩ Quốc Thảo tâm sự: “Chúng ta thiếu kinh phí và điều kiện vật chất, kỹ thuật, ảnh hưởng đến ý đồ sáng tạo. Sân khấu chúng ta hoàn toàn thủ công, bưng cảnh chạy ra chạy vô, đèn thì leo lét, có nơi không tìm ra người chuyên nghiệp phụ trách âm thanh, ánh sáng, có nơi lấy cảnh vở này lấp cho cảnh vở kia để đỡ tốn tiền...”. NSƯT Mỹ Uyên bày tỏ: “Thời bây giờ, cái bánh mà còn đổi mới mẫu mã cho bắt mắt, huống gì sân khấu. Vậy mà chúng tôi cứ phải giậm chân tại chỗ, ngồi bán từng chiếc vé, sáng đèn đã là may. Đôi khi tôi thèm những vở hoành tráng, nhưng chịu thôi!”. NSƯT Thành Lộc nói thẳng: “Loay hoay làm khi thiếu tiền, thiếu cơ sở kỹ thuật, thế là đành làm theo kiểu... ước lệ. Cuối cùng thì đạo diễn Việt Nam giỏi nhất ở tư duy, trong cái khó đã cố tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa nghệ thuật”.
Đạo diễn nỗ lực vượt khó1

Yêu là thoát tội là vở được các đạo diễn nỗ lực dàn dựng, gây được tiếng vang

ẢNH: H.K

Quả thật, các đạo diễn tại TP.HCM đã lặng lẽ vượt khó để sân khấu sáng đèn mỗi tuần, đã xem như kỳ tích. Hầu hết các sân khấu xã hội hóa đều phải “liệu cơm gắp mắm” trong khả năng có thể, để các đạo diễn có cơ hội sáng tạo. NSƯT Thành Lộc nhấn mạnh: “Ngồi than hoài cũng không ai cho mình cái gì, tốt nhất xông vô mà làm. Tôi ra nước ngoài thấy có những sân khấu hoành tráng như Broadway, nhưng cũng có sân khấu chỉ 300 - 400 ghế tương đương kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, thậm chí có nơi 70 ghế. Vậy họ cũng như mình, phải mạnh ở “tư duy” sân khấu”.

“Làm theo phong cách gì cũng được, lớn nhỏ gì cũng được, cứ đánh giá trên tác phẩm thực tế mà tìm ra tài năng. Vở nào hấp dẫn khán giả, có nội dung tư tưởng, là đạo diễn thành công”.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM

Vở Tiên Nga do Thành Lộc đạo diễn là một minh chứng khi đẹp lộng lẫy, sang trọng. Hoặc vở Yêu là thoát tội của đạo diễn Xuân Hồng chỉ với những khung sắt ước lệ mà người ta có thể hình dung đó là ngọn núi hoặc sườn đồi, dòng suối..., thế mới hay. Rồi mới đây vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn đã kết hợp màn hình Gauze với những bục gỗ, nhà sàn, xuồng ghe, tạo hình ảnh vùng sông nước mênh mang đẹp vô cùng, mà vẫn không mất đi đặc trưng của sân khấu.
Có thể thấy việc kết hợp sân khấu với điện ảnh, màn hình led hiện đang được các đạo diễn sử dụng để thể hiện những cảnh quá tốn kém, phức tạp hoặc do không có nơi cất giữ cảnh trí. Hoặc có đơn vị như Sân khấu 5B lại xoay trở, cắt sân khấu thành những khoảng không gian nhỏ, độc đáo để tạo cảm giác mới mẻ cho người xem. Tuy nhiên, điều mong mỏi của giới làm sân khấu và các đạo diễn vẫn là nhà nước cần có chiến lược hỗ trợ để nuôi dưỡng tài năng, chứ không thể bỏ mặc họ tự xoay xở. Trong đó, điều họ đang cần nhất sự đầu tư, hỗ trợ về điểm diễn để không còn thuê mướn mặt bằng bấp bênh và gặp trở ngại khi thiết kế cơ sở kỹ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.