Không thành công thì không trở về
Học sư phạm văn, ra trường, Tuấn Anh đi dạy lớp 10 ở một trường THPT tại TP.HCM. Anh dạy văn với tiêu chí là điều gì sách vở nói rồi nên cho học trò đọc trước. Ở trên lớp, anh khơi gợi sự yêu thương, mở rộng sự liên tưởng đến tác phẩm qua từng bài giảng. Điều này giúp học sinh nhớ nội dung tác phẩm lâu hơn. Với anh, chúng ta không thể bắt học trò học vẹt được và đó chỉ là lối trả bài. Anh cho rằng nên để học trò liên tưởng với các tác phẩm khác và đó là cách mở rộng tâm hồn, kiến thức cho học trò.
Sau 6 tháng đi dạy, anh cảm thấy bản thân không thuộc về công việc này. Anh nói: “Lúc trước, tôi chỉ nghĩ rằng học sư phạm ra trường sẽ không thất nghiệp. Khi học tại trường, tôi có máu nghệ thuật, tham gia nhóm văn nghệ xung kích tại trường và các hoạt động xã hội. Những lúc đó, tôi biết bản thân mình còn có niềm hạnh phúc khác...”.
|
Từ bỏ công việc ở thành phố, anh trở về quê Hà Tiên (Kiên Giang) làm việc ở trung tâm văn hóa với mức lương của cộng tác viên. Thời điểm đó, cả nhà la mắng anh rất nhiều vì đi chọn một công việc cực nhọc so với đi dạy. Dù lương thấp, nhưng anh được thỏa sức thực hiện các tiết mục văn nghệ, dàn dựng sân khấu. Đó là bước ngoặt để anh nhận ra mình thích ngành đạo diễn.
Với 80.000 đồng trong túi, Tuấn Anh trở lại thành phố để thi vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ để anh mua bộ hồ sơ nộp vào trường dự thi. Anh tìm sự giúp đỡ từ những người bạn cũ ở trường sư phạm. “Khi chọn học tiếp ngành đạo diễn, ba tôi không nhìn mặt tôi. Hai cha con lạnh nhạt với nhau rất nhiều năm. Nhưng tính tôi lì lắm. Tôi nói với ba rằng, không thành công thì tôi không trở về. Năm thi đó, tôi đạt á khoa”, Tuấn Anh chia sẻ.
Ba là người thầy lớn trong đời
|
“Kiến thức về văn học giúp tôi có nền tảng để xây dựng câu chuyện phim có chiều sâu và giàu tính nhân văn hơn. Chiều sâu là điều ở lại trong lòng khán giả nhiều nhất. Suốt 4 năm học sư phạm, tôi đọc nhiều sách. Những tháng ngày đó đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm diễn giải về kịch bản. Kỹ năng về đạo diễn là do tôi học được từ phương pháp sư phạm”, chàng đạo diễn trẻ bày tỏ.
Trong 4 năm theo học ngành đạo diễn, Tuấn Anh không được gia đình ủng hộ. Với tính cách cương quyết, dù gặp nhiều khó khăn trên thành phố, anh tự mình vượt qua và không muốn nhờ gia đình. Anh muốn chứng minh cho gia đình thấy, không dám hy sinh vì giấc mơ của mình thì bản thân anh không đủ tư cách để thành công. Anh làm đủ nghề để “nuôi” việc học như: dạy kèm, giữ xe, phục vụ quán cà phê...
|
Khi làm phim Lô tô, Tuấn Anh dẫn cả đoàn phim về quê anh để quay. Chính lúc ấy, Tuấn Anh đã gặp ba mình và anh vô cùng xúc động trước những lời tâm sự từ ba: “Vấn đề quan trọng không phải là sự nổi tiếng mà là ba nhìn thấy con trưởng thành. Ba mừng là con đã chứng minh sự trưởng thành với một công việc rất khó. Con nổi tiếng với ai ba không quan trọng. Về nhà, con vẫn là con của gia đình thôi".
Chia sẻ với chúng tôi về ba mình, Tuấn Anh cho biết với anh "ba là người thầy lớn nhất trong cuộc đời”.
Bình luận (0)