Thảo Đan sinh năm 1995 tại Hà Nội. Cô rất thích vẽ và năm 12, 13 tuổi đã đoạt giải nhì và giải ba tại cuộc thi vẽ Thiếu nhi Hà Nội. Năm 15 tuổi, phim ngắn tài liệu đầu tiên của Thảo Đan với nội dung về lao động trẻ em đã được đài truyền hình TV5 của Pháp chọn để đưa tin trong một chương trình thời sự của đài. Sau khi tốt nghiệp cấp III, Thảo Đan theo học khoa Hoạt hình và Kỹ xảo tại Đại học SVA, New York (Mỹ) - một trong những ĐH nổi tiếng về làm phim hoạt hình. Khi đang là sinh viên, Thảo Đan được nhận thực tập tại Framestore, một studio sáng tạo có tiếng với nhiều giải Bafta và Oscar (đây cũng là studio sản xuất kỹ xảo cho các bộ phim của Hollywood như Gravity, Harry Potter, Avatar, Vệ binh giải ngân hà và gần đây là Avengers....).
Tốt nghiệp ĐH, Thảo Đan tiếp tục làm rất nhiều dự án tại R/GA, một công ty Quảng cáo Quốc tế có trụ sở tại New York và nhiều quốc gia khác, cũng là một trong 4 tập đoàn quảng cáo toàn cầu. Bên cạnh đó, Thảo Đan còn hợp tác với Xưởng phim hoạt hình Hornet để làm phim ngắn Feeling sad – Bỗng thấy buồn, do Uri Lotan đạo diễn (người được đề cử giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất của giải thưởng Annie Award). Hiện nay, Thảo Đan làm việc tại Psyop – một studio có tiếng tại New York. Trong đêm trao giải Cánh diều vàng tháng 4 vừa qua, vì lịch làm việc bận rộn tại Mỹ nên Thảo Đan đã không thể có mặt nhận giải.
|
Vô diện là phim ngắn đầu tiên do Thảo Đan đảm nhận vai trò đạo diễn. Phim được chiếu tại rất nhiều liên hoan phim quốc tế: Green Bay Film Festival, Little Wing Film Festival, Les Films de la Toile, The Cardiff International Film Festival, Thessaloniki Animation Festival, MetroCAF, Palm Springs International Animation Festival. Nhân vật chính của phim là một cậu bé không tên và vô diện, một người trẻ đang đi tìm kiếm khuôn mặt của mình. Đó không chỉ là hành trình của Thảo Đan, người “mới tốt nghiệp và vẫn đang khám phá bản thân, tìm kiếm cái tôi của mình trong cuộc sống riêng và sự nghiệp”, mà còn là cảm xúc, trăn trở của rất nhiều bạn trẻ mới ra trường đang tìm kiếm vị trí, giá trị của mình trong cuộc sống.
Từ Mỹ, Thảo Đan cho biết: “Phim Vô diện là kết quả của sự đam mê trong 4 năm học vất vả của em tại Mỹ. Tuy làm phim ở New York nhưng em muốn được giải ở Việt Nam vì em sinh ra và lớn lên tại đây. Em rất vui khi phim vinh dự được nhận giải ở Việt Nam vì như được mang phim về nhà”.
Không nên tự tạo ra giới hạn cho bản thân
Ước mơ làm phim bắt đầu khi Thảo Đan học lớp 4, “Lúc con mèo tên Miu Ngao của gia đình bị mất và sự mất mát đó làm mấy chị em rất buồn. Lúc đó, bọn em phát hiện ra rằng cách duy nhất làm Miu Ngao sống lại là qua hoạt hình. Từ đó, em và em gái của mình luôn luôn ngồi nghĩ chuyện cùng nhau, tạo ra các nhân vật và câu chuyện rồi vẽ ra…”, cô nhớ lại.
|
Theo Thảo Đan: “Nhiều phim hoạt hình Việt Nam chỉ được viết cho trẻ em nên nội dung đơn giản, như để dạy một bài học, do đó không phải lúc nào cũng mang tính giải trí. Nếu chúng ta có thể viết ra được các tác phẩm dành cho nhiều đối tượng hơn thì phim hoạt hình Việt Nam cũng được biết đến và xem nhiều hơn”. Thảo Đan cũng không ngại khi đưa ý kiến rằng: “Như những trang đầu của một quyển sách, hoạt hình Việt Nam vẫn còn rất nhiều những trang trống để có thể phát triển. Theo em, không phải Việt Nam không làm được mà chỉ vì thiếu người”.
Thảo Đan cho biết, sẽ tiếp tục làm phim về đề tài trong nước, vì “Việt Nam là nơi em sống 18 năm. Em mong rằng, dù làm gì ở đâu thì cũng có thể phát hành những sản phẩm của mình tại quê nhà”.
Thảo Đan chia sẻ, tuy không dự định sống tại Mỹ nhưng em cũng không muốn chỉ ở một nơi. “Em muốn được đóng góp cho điện ảnh Việt và cũng muốn được tham gia vào các dự án lớn ở nước ngoài, vì không nên tự tạo ra giới hạn cho bản thân mình. Người trẻ như em cần phải trải nghiệm thế giới và học thêm những thứ mới lạ. Học là để lấy kiến thức, đi làm là để lấy kinh nhiệm và các mối quan hệ. Nếu chỉ học nước ngoài rồi về Việt Nam liền thì rất phí vì sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để trau dồi. Làm phim cũng như các nghề khác vậy, ví như bác sĩ, nếu chỉ học mà không thực tập thì sao có thể giỏi! Dù làm phim không cứu được sinh mạng như bác sĩ nhưng một bộ phim hay có thể thay đổi được suy nghĩ của khán giả...”. Chính vì vậy, làm phim lúc này, với Thảo Đan, là để có nhiều hơn những trải nghiệm ở nước ngoài, để có thể mang những điều mới lạ hơn về Việt Nam, và cũng là cơ hội đưa văn hóa Việt với một cách nhìn trẻ hơn đến thế giới.
Bình luận (0)