Theo thông tin đăng trên một tài khoản weibo, blogger “Kim Ngư Cơ đợi gió” chỉ trích ê-kíp Phượng khấu đã đạo nhái từ trang phục, bối cảnh… của phim cung đấu Trung Quốc là Diên Hi công lược. Một số tài khoản sau đó còn cho rằng Phượng khấu là Như Ý truyện phiên bản Việt và thậm chí so sánh với Chân Hoàn truyện. Vụ việc gây chú ý cộng đồng mạng Việt Nam. Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự bức xúc khi một tác phẩm mang văn hóa, lịch sử Việt Nam lại bị đem ra chế giễu, mỉa mai…
|
Liên lạc với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, anh tỏ ra rất bàng quan vì cho rằng những gì blogger Trung Quốc viết hoàn toàn sai, không khoa học thì không có gì phải tranh cãi cả.
“Một khán giả biết tiếng Hoa đã gửi link đó cho tôi đọc rồi. Riêng tôi điều đó đang thể hiện một tín hiệu tích cực là nền phim cổ trang của Việt Nam từ trước đến Phượng khấu đã tạo ra một sức hút, dấu ấn nhất định. Nói về phim cổ trang, cung đấu thì Trung Quốc là hàng đầu rồi, sau đó đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Nên hỏi tôi có học hỏi gì từ Diên Hi công lược không thì tôi nói có, không có gì xấu hổ hết. Nhưng thực chất Phượng khấu đang đi những bước đi hơn cả một bộ phim. Tôi quan niệm phim hay sân khấu, bất cứ thể loại nào tôi làm đều dùng nó là phương tiện để giữ gìn, truyền tải, phát huy cái đẹp, văn hóa Việt Nam. Có thể về trình độ sản xuất, kinh nghiệm, điều kiện của mình không bằng nhưng Phượng khấu đã đạt được sự riêng biệt, đặc sắc, thẩm mỹ từ thời ông cha mình về trang phục và khơi gợi cho giới trẻ về niềm tự hào lịch sử, văn hóa Việt. Mục tiêu cuối cùng của tôi là đưa cái hay, cái đẹp của Việt Nam lên màn ảnh", nam đạo diễn khẳng định.
Riêng về vấn đề trang phục bị “gắn mác” giống phim cung đấu Trung Quốc từ màu sắc, hoa văn đến cách phục sức… đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tự tin phân tích: “Về phục trang trong Phượng khấu đã chứng minh rằng thẩm mỹ, gu thời trang của người Việt có cái riêng, đặc sắc và gợi niềm tự hào về trang phục, quốc phục Việt Nam. Đầu tiên phải nói chính xác là trang phục, màu sắc, hoa văn, họa tiết của các nước đồng văn châu Á đều ảnh hưởng nhau. Nếu có kiến thức thì sẽ biết kiểu dáng trang phục thời Mãn Thanh, họ mặc Trường Sam còn trang phục “ngũ thân tay chẽn" được ra đời vào nửa cuối thế kỷ thứ 18 trong đợt cải cách trang phục Đàng trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Hơn nữa về trang phục người Việt không chuộng gắn quá nhiều trang sức trên đầu vì tóc của người Việt rất đẹp, chỉ phục sức ở phần cổ và tay. Và áo Nhật Bình là đặc trưng không tìm ở đâu ra trong bất cứ triều đại nào của Trung Quốc. Đó là sự khác biệt và vì sao Phượng khấu chọn trang phục chiếc áo Nhật Bình của nhà Nguyễn. Mọi người đang xem trailer, cũng có người chê màu sắc sến sẩm giống cải lương nhưng tôi nói thật nếu giống cải lương thời hoàng kim của cô Thanh Nga hay cô Kim Cương thì đó là niềm hãnh diện cho chúng tôi đấy”.
|
Nói thêm về làm phim cung đấu ở Việt Nam, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thừa nhận những khó khăn nhất định trong đó khó nhất liên quan đến trang phục chính là không đủ khả năng tạo ra vải để may trang phục dù ê-kíp của anh đã đi từ Nam ra Bắc để tìm hiểu, đặt hàng nhưng vẫn không có sự lựa chọn phù hợp nên đành phải đặt vải từ Hàn Quốc: “Các nơi sản xuất lụa ở Việt Nam thì không sản xuất để cung cấp cho phim và giá thành cao nữa nên chúng tôi phải bỏ cuộc. Khả năng, điều kiện của mình có hạn nên phải đặt vải từ Hàn Quốc, một số ít thì mua của Trung Quốc và còn có lụa Vạn Phúc của Việt Nam”. Tuy nhiên đạo diễn Phượng khấu tự tin khẳng định màu sắc của trang phục thuộc về thẩm mỹ và ý đồ của đạo diễn nên khi chưa xem một tác phẩm hoàn chỉnh mà nhận xét như vậy thì không chính xác: “Trong cách nhìn của tôi thì trang phục của nhà Nguyễn rất rực rỡ, xa hoa chứ không u tối, cũ kỹ. Đặc trưng kiến trúc của triều Nguyễn là màu sắc của khảm trai, gỗ xà cừ… nên không thể nhìn vào nói là giống Tàu được. Tôi đã xử lý màu sắc trang phục tông rực rỡ để nổi trên nền kiến trúc ấy chứ. Còn về bối cảnh mà nói giống thì càng không chính xác vì phim trường Trung Quốc rất chuyên nghiệp còn mình là phim trường dã chiến”.
|
Theo chia sẻ thêm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì trong trailer sắp tới có một câu nói của nhân vật mà anh rất tâm huyết là cái gì sự thật thì sẽ là sự thật, không thể nói khác được. Nên những ồn ào trên không ảnh hưởng gì đến Phượng khấu vì anh tự tin rằng mình đúng: “Thật ra fan của Phượng khấu rất nhiều là người trẻ. Nói thế để thấy rằng các bạn trẻ rất yêu lịch sử Việt Nam, hiểu lịch sử, văn hóa Việt chứ họ không hề thờ ơ. Qua những sự việc trên và đọc nhiều bình luận của bạn trẻ nói về Phượng khấu tôi thấy niềm tự tôn dân tộc luôn có sẵn trong mỗi con người Việt Nam. Còn mạng xã hội thì có vô số vấn đề được “mổ xẻ” trên đó nên tôi không quá bận tâm”.
Bình luận (0)