Thưa đạo diễn Việt Linh, dường như bà rất mê và hiểu trẻ con?
Đạo diễn Việt Linh: Tôi rất mê trẻ con và hiểu trẻ con vì: tôi đã từng là một đứa trẻ và luôn nghĩ về quãng thời gian trẻ con của mình, tôi có con và quan sát, chiêm nghiệm con, tôi có 8 đứa em và có nhiều trải nghiệm đặc biệt với chúng.
Tôi tin có thể khai mở tiềm năng của trẻ, đặc biệt là khả năng diễn xuất. Đó là lý do tôi quyết tâm đưa kịch nghệ vào Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) và mỗi ngày lăn lộn với trẻ, cùng chúng tạo ra những vở kịch gần như chuyên nghiệp trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Trước đó, ít ai tin rằng tôi có thể cùng các em học sinh xây dựng được vở kịch lấy được nước mắt người xem, truyền được thông điệp nhân văn và diễn chuyên nghiệp ở Nhà hát TP.HCM.
|
Trẻ cần hỗ trợ để khơi dậy tài năng như thế nào?
- Trước khi bàn đến tài năng, chúng ta cần chú ý đến khả năng của mỗi đứa trẻ. Kịch nghệ là bộ môn khá khó. Hầu như ai cũng nghĩ, đứa trẻ nào có khiếu mới thể hiện được bộ môn nghệ thuật này.
Thực tế không phải vậy. Có những học sinh rụt rè, thu mình, ngại giao tiếp nhưng tiếp xúc với tôi một thời gian, lại trở nên mạnh dạn và vào vai rất “ngọt”. Chính cha mẹ của học sinh đó cũng bất ngờ khi thấy đứa con sợ đám đông của mình lại có thể tự tin diễn trên sân khấu.
Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có khả năng đặc biệt riêng. Khả năng đó sẽ phát tiết thành tài năng nếu được đào tạo đúng hướng. Tuy nhiên, hầu như mỗi đứa trẻ đều bị bao bọc bởi một cái “vỏ kén”. Cái vỏ ấy che khuất, trùm kín, kìm hãm khiến khả năng của bé không được bộc lộ. Đó có thể là cưng yêu, là cái bọc điều do điều kiện đầy đủ và sự nuông chiều thái quá của cha mẹ. Đụng việc gì cha mẹ cũng làm thay, cha mẹ bận thì thuê người phục vụ tận răng là một kiểu như vậy. Trẻ hầu như không phải làm gì cả, không thiếu gì cả, không cần cố gắng gì cả. Vậy thì trẻ đâu còn động lực để bộc lộ năng lực gì nữa.
Cũng có đứa trẻ bị sang chấn tâm lý, như là cha mẹ ly hôn, bị trêu chọc vì ngoại hình, bị đòn roi chẳng hạn. Lúc đó, trẻ sợ hãi, thu mình và tự tạo nên “vỏ kén” tâm lý, gặp gì cũng sợ, gặp gì cũng ngại, gặp gì cũng né. Vậy làm sao có thể bộc lộ khả năng?
Nhiệm vụ của phụ huynh và nhà trường là nhìn ra những “vỏ kén” đó và tìm cách xé bỏ nó đi.
Cụ thể, việc xé bỏ “vỏ kén” cần được thực hiện thế nào, thưa bà?
- Theo tôi, việc xé bỏ “vỏ kén” của trẻ cần được thực hiện từ những việc nhỏ nhất. Đơn cử, ở lớp học diễn xuất, để đứa trẻ nhút nhát trở thành đứa trẻ làm chủ sân khấu, tôi bắt đầu bằng việc tạo điều kiện để trẻ được nói. Tôi mời đứa trẻ đứng lên và chia sẻ “cái tên của em có nghĩa thế nào?”, rồi “hãy kể về điều mà em đang suy nghĩ, kể chuyện gì cũng được”. Chỉ cần trẻ nói và chịu nói nhiều là mình đã từ từ gỡ được cái “vỏ kén” đó.
Mỗi “vỏ kén” có một nút thắt để mở. Thuở nhỏ, tôi ở với mẹ, điều kiện vật chất đầy đủ nhưng chẳng vui, luôn thu mình, khó chịu với thế giới xung quanh do cứ phải nghe điều tiếng về việc cha mẹ chia tay. Nhưng khi vô rừng với ba, dù thiếu thốn vật chất nhưng tôi vui và tự tin thể hiện nhiều khả năng của mình. Ba tôi là người tâm lý, biết khơi gợi, nâng đỡ tôi và có lẽ, điều đó khiến tôi đi theo con đường nghệ thuật sau này.
|
Vậy theo bà, cha mẹ có thể làm gì để khơi dậy tiềm năng của con?
- Cha mẹ có thể tự tay xé cái “vỏ kén” của con bằng cách gần gũi, chuyện trò, khơi gợi, chia sẻ để kịp thời nắm được vấn đề của con nằm ở đâu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, tự tay cha mẹ không thể xé được cái vỏ đó cho con mà phải “ném” con vào môi trường phù hợp.
Nếu cha mẹ không mạnh dạn làm điều đó, hãy tưởng tượng, điều gì xảy ra nếu đứa trẻ trở thành thanh niên 22 tuổi nhưng gặp gì cũng sợ, gặp gì cũng ngại, gặp gì cũng oải do đang mang cái bọc điều còn nguyên?
Điều gì khiến tài năng bộc lộ nhanh và phát triển tốt?
- Tôi cho rằng, cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất. Tôi luôn giúp các em tạo ra cảm xúc, tôn vinh cảm xúc rồi mới kiếm phương tiện sau.
Một đứa trẻ cần làm giàu cảm xúc, biết vui hân hoan, biết buồn sâu sắc, biết nếm thất bại, biết tự hào với thành công, biết khát khao và biết cố gắng. Tức là muốn làm cái gì thật lớn, thật thành công thì đầu tiên là phải muốn cái đã. Mà phải muốn nhiều, thành ra là khát khao.
Thất bại của một đứa trẻ không phải là em ấy chưa có thành tựu, mà thất bại ở chỗ em ấy không vui, không buồn, thơ ơ với thế giới xung quanh và sống vật vờ.
Như vậy, để trở thành nhân tài, nội tại đứa trẻ đó phải luôn cuồn cuộn cảm xúc lành mạnh.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện thú vị này.
Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS - Ngôi trường liên cấp hiện đại và ưu việt, cung cấp chương trình phổ thông song ngữ và quốc tế từ Lớp 1 đến Lớp 12.
Là thành viên của Hệ thống Giáo dục Văn Lang với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, UTS quan niệm mỗi đứa trẻ đều là một nhân tài sở hữu những tài năng mà một nhà giáo dục tâm huyết luôn tìm thấy.
Và nhà trường theo đuổi sứ mệnh là người đồng hành cùng các em học sinh trên hành trình khai phá tiềm năng của mình.
Thông tin liên hệ:
Website: https://utschool.edu.vn/vi/
Hotline: (028) 710 78887
Email: [email protected]
Facebook: https://www.facebook.com/NamMyUTS/
|
Bình luận (0)