img
Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 1.

Anh nói điện ảnh là một thánh đường, nhưng đến tận lúc này sau 25 năm từ lúc tốt nghiệp đạo diễn, anh mới làm phim điện ảnh đầu tay. Vì sao anh không dám bước vào thánh đường ấy sớm hơn?

Khi nói về thánh đường thì nó thiêng liêng lắm, vì tôi là người có đạo. Khi bước vào thánh đường phải ở tâm thế tôn trọng, nên 25 năm qua tôi không dám làm vì điện ảnh có tính toàn cầu, một bộ phim không phải chỉ để giải trí mà còn có những thông điệp, ngôn ngữ toàn cầu.

Ngôn ngữ của điện ảnh chất chứa rất nhiều thứ của cuộc đời. Ngày còn bé, tôi được xem phim Cánh đồng hoang ở bãi đất trống của thị xã, và từ đó tôi nuôi giấc mộng điện ảnh đến giờ. Bộ phim đẹp và mạnh mẽ quá. Trên bầu trời những chiếc trực thăng lượn lờ, uy hiếp con người; và để tồn tại, cặp vợ chồng phải dìm con xuống nước… Hình ảnh đó cho thấy sức mạnh của dân tộc này, họ tồn tại và chống trả kẻ thù trong sự kiên cường. Nên khi chạm tới nó, tôi phải đủ chuyên môn là đương nhiên; nhưng cũng phải đủ vốn sống và sự khao khát cũng như tiềm lực về kinh tế, con người nữa.

Vì vậy khi chạm đến, tôi rón rén lắm, bước rất nhẹ vào thánh đường đó. Và tôi đã dành dụm, tích lũy cả tài chính, kinh nghiệm suốt 25 năm mới dám làm.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 2.

Anh có khi nào lo sợ biết đâu thành quả bộ phim không được như kỳ vọng?

Tôi đã từng "chết đi sống lại", cả cái chết đã đối diện rồi thì mình phải làm được cái gì đó tiếp theo cho đáng sống chứ. Sau thời gian tích lũy, tôi đã dành dụm được số tiền riêng, nên làm phim mà không lo gì cả. Tôi dành phần riêng cho cuộc chơi lớn này mà không ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp. Nếu thành công thì quá tốt, còn không thì tôi có một sản phẩm dành cho riêng mình. Ở tuổi gần 50, tôi thấy xứng đáng khi có một cuộc chơi như thế, không trễ và cũng không sớm.

Vậy đây chỉ là cuộc chơi của riêng anh. Nhưng anh có thấy mình "chơi ngông" kiểu "tự phục vụ" hết luôn, không cần nhà đầu tư trong thời điểm thị trường phim điện ảnh ở Việt Nam là "hên xui" và có nhiều phim ra rạp bị lỗ lớn?

Tôi hơi có niềm tin vào phép lạ, vì khi tôi đối diện với cái chết thì bản thân cũng đã được phép màu cứu vớt. Tôi sống đủ ăn, đủ mặc rồi thì không sợ thất bại. Nếu sợ thì Vũ Thành Vinh không có gì để bước tiếp nữa. Còn nói "chơi ngông" thì tôi thấy ngông mà không ngông, vì tôi quản trị hết cả rồi.

20 năm rồi tôi trải qua bao nhiêu cái mặn, làm việc lao lực, trải qua bao nhiêu khó khăn để có vị mặn đó, nên cuộc chơi này rất an toàn. Có nhiều người làm phim xong giờ vẫn thiếu nợ, còn tôi thì không lo gì cả. Tôi làm phim và trả hết rồi, giờ ra rạp có đồng nào tôi lời đồng đó. Vì đó là tài sản tích lũy, không ảnh hưởng đến đời sống khác hiện tại.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 3.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh cùng diễn viên Quyền Linh và NSND Công Ninh trong phim Hai Muối

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 4.

Là người lăn lộn trong giới nghệ thuật hơn 30 năm, thành công ở nhiều vai trò như CEO, nhà sản xuất, đạo diễn chương trình truyền hình…; vậy anh cũng phải tính toán đến tính thương mại, chứ làm phim mà không cần lời lỗ thì khó tin lắm?

Tôi lại hơi tham đấy. Người ta gọi tôi là doanh sĩ. Một nhà kinh doanh trong cái đầu ông nghệ sĩ. Tôi không ngây thơ kiểu làm phim xong rồi, ai thích thì xem. Nhưng trước tiên phải làm phim tốt đi, rồi đem phim đến cho mọi người biết để khán giả có thể ra rạp xem.

Anh nói về doanh sĩ, nhưng với điện ảnh thì anh là "lính mới", vậy cái chất doanh sĩ của anh chính là mời những gương mặt ăn khách như Quyền Linh, NSND Hồng Vân… để "quản trị rủi ro"?

Khi mình mời, có 2 yếu tố: phải hợp vai và phải có sự quan tâm của khán giả. Tôi phải tính toán chứ. Suốt 20 năm qua tôi đều xem hầu như các phim của Việt Nam và cả thế giới, cũng hiểu tại sao phim đó thành công hay thất bại. Mình phải ngồi mổ xẻ rồi mới lao vào. Tên tuổi của tôi trong điện ảnh là con số 0 thì tôi cũng phải mời ai hơn con số 0 đó mới an toàn được.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 5.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh trong vai trò giám khảo chương trình Gương mặt điện ảnh.

Làm nghệ thuật đơn thuần và một người kinh doanh nghệ thuật rất khác nên phải "quản trị" ra sao để có thể cân bằng?

Tôi có đọc một kịch bản của Mỹ thì người viết kịch bản phải là người có đầu óc kinh doanh. Bạn để ý những phim thành công ở Việt Nam, khi viết kịch bản thì những người đó đều tính là khi phim ra sẽ phục vụ cho ai. Sẽ có 2 kiểu làm đạo diễn: Thứ nhất, có một người viết kịch bản riêng theo nghệ thuật thôi, nhà sản xuất mua và giao cho đạo diễn thực hiện. Thứ hai, kịch bản cũng do đạo diễn viết, hoặc họ chấp bút, chỉ đạo viết như Trấn Thành, Lý Hải. Khi họ viết thì đầu họ đã đọc số rồi, họ tính là phải làm phim ra sao để có thể thắng… Tôi cũng đang làm phim theo hướng này. Làm nghệ thuật với một doanh sĩ phải khác, không phải chỉ vẽ bức tranh đó xong rồi bán được hay không cũng không sao.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 6.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 7.

Nhìn lại những chương trình anh làm đều mang tính thuần Việt, trong khi xu hướng làm show trên truyền hình là mua từ nước ngoài mới "ăn khách". Vậy có phải điều này xuất phát từ câu chuyện anh là nông dân chính hiệu, sinh ra trong gia đình nghèo, từng bươn chải đủ nghề?

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 8.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh chỉ đạo diễn xuất trên trường quay phim Hai Muối

Tôi đau đáu với nơi mình sinh ra, cuộc sống trước đây quá cơ cực. Cha tôi cũng vất vả làm ruộng. Người nông dân ở đây chính là cha, là mẹ… Và rất nhiều người thành công ở VN này được nuôi dưỡng từ người cha, người mẹ nông dân. Vị mặn đó có trong nước mắt, trong máu, mồ hôi. Nên tôi muốn làm chương trình truyền hình, làm phim về người lao động.

Đã từng trải qua ranh giới sống chết. Anh cũng từng bảo giống như được sinh ra một lần nữa. Biến cố đó thay đổi cuộc đời anh như thế nào, đặc biệt về cảm quan nghệ thuật và cách anh đi trong cuộc đời này?

Biến cố đó tôi xem như một ơn phước. Cuộc đời có 3 điều: Sinh ra không ai thay đổi được, cái chết cũng không thể thay đổi vì ai cũng phải chết và cái thay đổi duy nhất là sống. Sống thế nào, sống để làm gì, nên sau biến cố tôi luôn sống tích cực.

Làm phim này với tôi cũng là một sứ mệnh. Nếu không làm nữa thì sắp tới tôi già rồi, cũng khó làm lắm. Vì tuổi của tôi nếu làm 5 - 6 phim nữa là hết rồi. Có sự sống quay trở lại, tôi không còn gay gắt, không còn bực bội hay làm mọi thứ nặng nề nữa. Có một điều tôi không thay đổi được là làm việc nhiều, như kiểu nông dân không thể ở không được. Vợ tôi không cho tôi làm việc nhiều sau biến cố sức khỏe, nhưng tôi lại làm nhiều như viết 2 quyển sách, viết kịch bản phim Hai Muối.

Vậy trước biến cố đó, anh sống có khác nhiều không?

Trước đó tôi sống hơi bất cần, hơi ỷ lại và cũng làm việc quá nhiều. Nên khi sức khỏe xuống thì không cưỡng lại nổi, kiểu như làm việc nhiều mình bị kiệt sức. Còn giờ tôi không còn áp lực nhiều, tâm thế nó khác đi. Trải qua nhiều vị mặn thì tôi mới khai thông được vị ngọt một cách trọn vẹn. Như trong cuốn sách Hạnh phúc từng giây, tôi có nói hạnh phúc ở giây nào thì mình phải trân quý nó.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 9.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 10.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh chỉ đạo diễn xuất trên trường quay phim Hai Muối

Anh làm việc ở nhiều vai trò khác nhau. Vậy ở "mảnh đất" nào anh được là chính mình nhất?

Đó chính là đạo diễn. Đạo diễn chính là người chỉ ra con đường để mọi người đi theo, đạo là đường. Tôi làm rất nhiều chương trình thành công ở vai trò đạo diễn. Có nghĩa là trong con người tôi, những ý tưởng để chỉ đạo, mang lại giá trị là tôi mạnh nhất.

Anh là người chồng, người cha thế nào trong một gia đình có 3 con nhỏ?

Thành công nhất của tôi là "đạo diễn" được gia đình của mình. Tôi có một gia đình rất hạnh phúc. Tôi đã đồng hành cùng các con dù ở thời đại mới làm bạn với con, yêu thương con rất khác ngày xưa. Mình phải thành công cái đạo trong gia đình mình. Hiện tại cuộc sống của tôi cũng không thiếu gì cả, không phải lo gì về vật chất, không cần làm gì cả nếu muốn nghỉ ngơi, nhưng như vậy thì hơi ích kỷ. Mình còn sức thì còn làm để đóng góp, có thể chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, nhưng phải được làm tận tâm, tử tế.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Người ta gọi tôi là doanh sĩ- Ảnh 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.