Đạo đức nghề nghiệp

14/01/2016 05:15 GMT+7

Cảnh hướng dẫn viên du lịch trốn vé, bị các lực lượng chức năng đuổi bắt, hai bên đôi co, ăn vạ... ở phố cổ Hội An như một vệt đen trong bối cảnh ngành du lịch đang tổng kết.

Cảnh hướng dẫn viên du lịch trốn vé, bị các lực lượng chức năng đuổi bắt, hai bên đôi co, ăn vạ... ở phố cổ Hội An như một vệt đen trong bối cảnh ngành du lịch đang tổng kết.

Clip phổ biến trên mạng với tốc độ lan truyền chóng mặt, tạo nên hiệu ứng bức xúc, phê phán hành vi vô văn hóa của một nghề đáng lẽ phải rất văn hóa.
Có người chống chế là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không ai vơ đũa cả nắm nhưng rõ ràng những hành vi tương tự của hướng dẫn viên (HDV) khá phổ biến và diễn ra hết sức tinh vi. Từ việc trốn vé tham quan, cắt bớt dịch vụ cho đến chuyện trấn lột khách thông qua các shop, quán tù và các dịch vụ. Chỉ rất ít trường hợp bị đưa lên báo chí như vụ “buộc du khách nước ngoài quên máy ảnh phải trả tiền chuộc” ở Quảng Bình. Những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật của HDV đã báo động về phẩm chất của nghề “làm dâu trăm họ”.
Lâu nay, trong chương trình đào tạo HDV không có môn đạo đức nghề nghiệp. Một số nghề khác cũng vậy. Đây là sự khác thường bởi đó là bài học nhập môn nghề nghiệp của các nước. Nhiệm vụ của HDV là thực hiện tour với cả chục chức năng quan trọng. HDV không chỉ là người cung cấp kiến thức tuyến điểm, văn hóa phong tục, tập quán; thổi hồn vào danh thắng và cùng du khách trải nghiệm mà còn là “quyền giám đốc công ty” và là “nhân viên ngành ngoại giao” trên tour. Đó là một phần bộ mặt của công ty và của đất nước. Du khách sẽ cảm nhận về đất nước mình đang ghé thăm thông qua hành vi của HDV.
Rất tiếc là nhiều HDV và không ít công ty còn xem nhẹ vai trò này. Rất ít công ty dám nuôi HDV mà chủ yếu là hợp đồng thời vụ theo tour nên rất khó kiểm soát. Thậm chí còn khoán thu chi cho các HDV tự do, chỉ cần đảm bảo lợi nhuận của công ty. Cần phải có những chế tài nghiêm khắc các HDV vi phạm đạo đức nghề nghiệp (hiện vẫn chưa có chuẩn từ Tổng cục Du lịch). Cũng cần phải xử lý trách nhiệm liên đới các công ty sử dụng HDV, chứ không thể vô can như hiện nay vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Việc hành xử của Hội An cũng còn chưa chuẩn, khi rượt đuổi, đôi co... rất phản cảm. Vô tình, tự hạ thấp với chuẩn di sản văn hóa của Hội An thanh lịch. Mềm mỏng nhưng kiên quyết, thấu tình đạt lý chứ không “đồng vai phải lứa” với người vi phạm. Nhân đây thiết nghĩ cũng nên đề nghị: Hội An chỉ bán vé các điểm tham quan, không bán vé cả thành phố như hiện nay. Các nước đều làm như vậy. Nếu khách chỉ ghé ăn cơm, mua ít hàng lưu niệm hoặc dạo chơi mà phải mua vé tham quan cả thành phố thì phi lý, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân VN lẫn du khách nước ngoài.
Nhà nào trong phố cổ cũng kinh doanh, không trực tiếp thì gián tiếp. Tôi tin là nếu thay đổi cách bán vé, khách đến Hội An có thể tăng gấp đôi, gấp ba nhờ lượng khách thường xuyên trở lại. Càng không thể lấy lý do bán vé đại trà để tu sửa. Tất cả nhà cửa trong phố cổ là của tư nhân, đình chùa thì của hội đoàn. Nếu xuống cấp không sửa được thì nhà nước hoặc tư nhân (có tiềm lực tài chính) sẽ bỏ tiền sửa như một cách hùn vốn hoặc mua lại; hà cớ gì Hội An bao cấp ngược đời.
Hội An đã có công văn cấm cửa sắp tới với HDV vi phạm, nếu không có phản hồi tích cực. Đó là việc làm bình thường và cần thiết. Nên có cả công văn khuyến cáo công ty tổ chức, để những hành vi phi văn hóa này không thể xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.