Đào tạo 25 giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng

26/03/2024 15:29 GMT+7

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, 25 học viên là giảng viên sẽ được tuyển chọn từ các trường ĐH tại Đà Nẵng tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn.

Ngày 26.3, tại Trường đại học (ĐH) Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng diễn ra chuỗi sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn gồm: khai giảng khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn năm 2024 cho sinh viên và giảng viên nguồn của thành phố; khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) của VKU.

Theo thông tin từ VKU, sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP.Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đề án phát triển vi mạch bán dẫn của TP.Đà Nẵng và Việt Nam.

Đào tạo 25 giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng- Ảnh 1.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng và lãnh đạo ĐH Đà Nẵng thực hiện nghi thức khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP.Đà Nẵng

HUY ĐẠT

Năm 2024, TP.Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của VKU, Viện Công nghệ thông tin-ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.

Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường ĐH tại Đà Nẵng gồm: Trường VKU, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đều thuộc ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH FPT.

Chương trình đào tạo sẽ diễn ra trong 6 tháng: 3 tháng (171 giờ) học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án (project-based training) với 4 mô đun về thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao (VLSI design); thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng (SystemVerilog/Verilog/VHDL); thực thi mạch tích hợp số cơ bản; thiết kế mạch tương tự cơ bản.

Đào tạo 25 giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng- Ảnh 2.

Sẽ có 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn

HUY ĐẠT

Điểm nhấn của chương trình là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên. 

Song song đó, VKU cũng triển khai khóa bồi dưỡng ngắn hạn về thiết kế vi mạch bán dẫn cho 20 sinh viên năm 3, năm 4 đang học các ngành gần như công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IoT, công nghệ thông tin và nhân viên đã đi làm có nhu cầu chuyển đổi sang thiết kế vi mạch bán dẫn từ tháng 3 đến 9.2024.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU, cho hay trường là đơn vị tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600-1.000 kỹ sư đến năm 2028. Đồng thời, nhà trường cũng đã điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần, có thêm định hướng vi mạch bán dẫn để đào tạo chuyển đổi sinh viên từ năm 1 (khóa 2023) đến năm 3 (khóa 2021) nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn nhân lực lĩnh vực này.

"Các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn của Đà Nẵng và sinh viên năm 2024 đã thể hiện quyết tâm rất cao, sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Đà Nẵng cùng liên minh các trường ĐH và doanh nghiệp", PGS-TS Huỳnh Công Pháp nói.

Đào tạo 25 giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng- Ảnh 3.

VKU khai trương trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh

HUY ĐẠT

Để chuẩn bị cho đào tạo vi mạch bán dẫn, VKU cũng đã gấp rút hoàn thành đưa vào vận hành và khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) với đầy đủ trang thiết bị phần cứng phần mềm cho đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, VKU cũng đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ, phát triển nhóm nghiên cứu về vi mạch bán dẫn.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực hợp tác của Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với VKU, Tập đoàn Synopsys và Viện Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia Hà Nội để triển khai kịp thời khóa đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch đầu tiên của thành phố.

Đào tạo 25 giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Quảng (thứ 3 từ trái qua), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tham quan Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh

HUY ĐẠT

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng tiếp tục xác định công nghệ cao - trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Để tăng tốc trên hành trình xây dựng hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, thành phố xác định cách tiếp cận dựa trên phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm.

Hiện thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Trong đó, có khoảng 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn với 550 kỹ sư vi mạch bán dẫn. Con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu về nhân lực chip bán dẫn được các cơ quan trung ương và chuyên gia dự đoán trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, để chủ động phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng trong thời gian qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế với các công ty, tổ chức uy tín trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để sớm tiếp cận nguồn lực và thông tin nhu cầu về nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn.

Để triển khai tốt các nội dung về phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Đà Nẵng, bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ thì sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn có vai trò vô cùng quan trọng, theo ông Minh.

Đây là một dấu mốc cụ thể, bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn thành phố. Trên cơ sở kết quả đào tạo cơ bản khóa I này, thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn 10 giảng viên để cử tham gia đào tạo khóa nâng cao tiếp theo trong và ngoài nước, cũng theo ông Minh.

Ông Minh thông tin thêm: "Trong năm 2024, Đà Nẵng đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn của thành phố hoặc cử giảng viên của các trường ĐH trên địa bàn thành phố sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế. Việc hợp tác quốc tế sẽ được mở rộng sang các đối tác uy tín ở các nước khác trong các khóa đào tạo tiếp theo".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.