Chất lượng đào tạo đại học ngành y hiện không chỉ cách xa chuẩn mực quốc tế mà còn không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Điều này sẽ rất khó khăn khi VN bước vào Cộng đồng kinh tế ASEAN.
SV y của một trường ĐH ở TP.HCM thực tập tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đầu vào không chuẩn
Hiện tại những trường ĐH chuyên ngành y dược lấy điểm chuẩn đầu vào cao nhưng nhiều trường ĐH đa ngành có khoa y định điểm xét tuyển ngành này vẫn khá thấp, chỉ nhỉnh hơn điểm sàn chút ít. Thậm chí có năm, có trường còn tuyển dưới mức sàn. Một số trường CĐ còn “mời” thí sinh vào học chỉ cần có học bạ THPT…
|
“Mỹ, Canada và các nước phát triển, đa số các trường y khoa đào tạo bác sĩ sau cử nhân, có nghĩa là bắt buộc phải hoàn thành xong bằng cử nhân các ngành học liên quan đến hóa, sinh... Sau đó tham gia kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) không chỉ nhằm khảo sát kiến thức các khoa học liên quan đến ngành y mà đặc biệt chú trọng đến các năng lực khác của người thầy thuốc tương lai”, chuyên gia tư vấn của một công ty du học cho biết.
Tiến sĩ Hồ Kim Thanh, Trường ĐH Y Hà Nội (người vừa được trường này cử sang Úc nghiên cứu mô hình đào tạo ĐH y), thông tin tuổi bình quân của sinh viên năm 1 của Trường ĐH Y Sydney là 24.
Người học phải trải qua một quá trình học rất gian nan mới được trở thành bác sĩ: sau 4 năm học ở trường ĐH, phải thực tập thêm 3 năm (trong đó 1 năm học lâm sàng tại bệnh viện) thì mới được thành bác sĩ gia đình. Muốn thành bác sĩ chuyên khoa để được làm việc trong các bệnh viện, họ phải học thêm từ 2 đến 4 năm nữa.
Còn GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết ĐH Paris 7 của Pháp cũng không trực tiếp lấy học sinh tốt nghiệp THPT vào học ngành y đa khoa ngay mà phải qua một bước đệm. “Bước đầu họ tuyển học sinh phổ thông căn cứ vào học bạ. Tất cả những em trúng tuyển vào trường sẽ học 8 môn chung. Sau năm thứ nhất, tất cả các em phải trải qua một kỳ thi 8 môn này để trường chọn khoảng 1/6 vào học tiếp ngành y đa khoa. Số còn lại phải chuyển sang các ngành khác hoặc bị loại”, GS Tú nói.
Điều kiện mở trường thấp
Theo các chuyên gia, ở các nước, một trong những điều kiện để mở trường/khoa y là trường đó phải có bệnh viện thực hành. Còn ở VN hiện nay, trừ một vài trường ĐH lớn có bệnh viện riêng, còn lại hầu hết phải đi nhờ. BS Vũ Huy Lượng, nghiên cứu sinh ĐH Y Fukui, Nhật Bản cho biết: “Ở Nhật chẳng hạn, trường ĐH y nào cũng đều có bệnh viện riêng và đó đều là những bệnh viện tiêu chuẩn về mặt chuyên môn cho toàn bộ các bệnh viện khác trong khu vực”.
Còn GS-TS Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, so sánh: “Một trong những nguyên tắc ở nước ngoài đối với đào tạo y là cơ sở đào tạo phải có bệnh viện của riêng mình, cho dù chỉ đào tạo trình độ trung cấp hay cao đẳng. Ở nước mình, chỉ cần trường ký hợp đồng với một bệnh viện là đủ điều kiện về cơ sở thực hành để mở ngành. Điều này sẽ khó đảm bảo chất lượng thực hành bởi số lượng, chất lượng đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở thực hành và năng lực tiếp nhận sinh viên (SV) của bệnh viện không được kiểm soát”.
Vì vậy, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện chương trình đào tạo ngành y - dược còn quá nặng về lý thuyết. Trong một hội thảo trước đây, PGS-TS Nguyễn Ngọc Sáng, Trường ĐH Y Hải Phòng, cho biết: “Việc đào tạo lâm sàng là phải đào tạo thực hành nhiều nhưng hiện nay bệnh viện thực hành quá ít, trong khi các trường lại đào tạo quá nhiều. Nhà trường đều phải dựa vào các bệnh viện nhưng nếu ban giám đốc bệnh viện không phải người của trường thì không muốn cho các em đến thực tập”.
Trước thông tin có một trường ĐH đa ngành chưa từng có hoạt động nào liên quan tới ngành y, có trong tay chưa đến 50 giảng viên cơ hữu, mà vẫn đủ điều kiện mở ngành y đa khoa, nhiều cán bộ ngành y cho rằng điều đó là chỉ xảy ra ở... VN. Trên trang cá nhân của mình, BS Vũ Huy Lượng cho rằng ở VN cũng như ở các nước như: Thái Lan, Nhật Bản, SV ngành y đa khoa phải học hơn 10 bộ môn y học cơ sở và khoảng hơn 20 môn y học lâm sàng. “Để một bộ môn có thể hoạt động đầy đủ chức năng cần tối thiểu một nhóm gồm 3 cán bộ. Với hơn 30 bộ môn, chúng ta cần tối thiểu 100 cán bộ giảng dạy để có thể vận hành các bộ môn một cách ổn định và đảm bảo chất lượng”, BS Lượng phân tích.
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, chuyên gia bộ môn tim mạch, Trường ĐH Y Hà Nội, phân tích. “Tôi không tưởng tượng được một trường có chưa đến 50 giảng viên cơ hữu chuyên ngành mà vẫn dám mở đào tạo ĐH ngành y đa khoa, vì con số đó quá nhỏ nhoi so với yêu cầu”.
Thêm một thực tế nữa, theo GS-TS Nguyễn Hữu Tú, ngay trong chuẩn đầu ra của từng trường ĐH, nước ta cũng đã lạc hậu nhiều không chỉ so với thế giới mà với cả nhu cầu phát triển của đời sống xã hội trong nước. Ngay ĐH Y Hà Nội, một trường đã có lịch sử 113 năm phát triển, chuẩn đầu ra hiện tại chỉ là bác sĩ đa khoa cấp huyện. “Ngay trong chúng ta, khi có người nhà ốm đau, tất cả đều lựa chọn bác sĩ chuyên khoa để khám chứ không ai lại đưa đến bác sĩ đa khoa”, ông Tú nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia cho rằng từ trước đến nay, do quy mô đào tạo ngành y còn hạn chế, chỉ tiêu tuyển sinh ít nên cơ chế sàng lọc gắt gao trong tuyển sinh tự nhiên được hình thành. Điều này lại ngẫu nhiên phù hợp với một ngành đặc thù, đòi hỏi trình độ năng lực cũng như ý thức trách nhiệm cao của người học như ngành y. Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu phải mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu đủ nhân lực ngành y của xã hội, việc chuẩn hóa những quy định nghiêm ngặt về tuyển sinh cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành y là điều phải nghĩ tới.
Thách thức lớn cho ngành y
TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng, Liên hiệp Các hội khoa học VN, cho biết trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt sắp tới khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, có 3 ngành liên quan tới y tế là y tá, bác sĩ, nha sĩ được dịch chuyển tự do trong khu vực. Đây là một thách thức lớn cho đào tạo ngành y. “Nếu chúng ta không nhắm tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người dân về mặt chất lượng, chúng ta sẽ mất ngay thị trường, bởi riêng về sức khỏe, người dân không chấp nhận sản phẩm giá rẻ. Chắc chắn họ sẽ lựa chọn sản phẩm tốt hơn, dù chi phí mà họ phải trả cao hơn”, bác sĩ Tuấn lo ngại.
Cũng theo BS Tuấn, muốn có sự thay đổi cơ bản về chất lượng sản phẩm ngành y cần phải có sự bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, trong đó các điều kiện để đảm bảo SV được thực hành là khâu then chốt. “Chừng nào đào tạo ngành y mà thầy vẫn cứ lên bục đọc ra rả bài giảng, trong khi các bài giảng đó SV tự đọc được hết, thì SV ngành y vẫn sẽ tiếp tục lơ ngơ khi đứng trước người bệnh. Cốt lõi trong đào tạo ngành y là cho SV học lâm sàng. Phải đẩy SV vào thực tế, hướng dẫn họ đứng trước một ca bệnh thì phải xử lý thế nào”, BS Tuấn nói.
|
Ý KIẾN
Phải có chuẩn chung
“Vấn đề không phải là không cho nơi này nơi kia đào tạo ngành y đa khoa, mà làm sao có chuẩn chung để đảm bảo đúng yêu cầu, đủ điều kiện. Ở ta hiện nay các trường tự quyết định chất lượng đầu ra, trong khi đó ở Mỹ chẳng hạn, họ có một kỳ thi quốc gia khi cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ”.
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng
(Trường ĐH Y Hà Nội) Lo ngại về chất lượng đào tạo từ lâu nay
“Đã từ lâu lãnh đạo Bộ Y tế rất lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như sự mở rộng quy mô thiếu kiểm soát trong đào đạo ngành y thời gian qua. Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh nội dung Thông tư 08 (quy định về điều kiện mở ngành đào tạo ĐH, CĐ) đồng thời điều chỉnh Thông tư 57 về việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, nhằm kiểm soát chỉ tiêu ngành y dược trong những trường ĐH đa ngành. Cho đến nay, cả hai đề nghị này đều chưa được thực hiện.
Nguyễn Minh Lợi
(Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế) |
Bình luận (0)