Khoảng mười mấy năm trước, trong các cuộc thi giải Trần Hữu Trang, Liên hoan Cải lương toàn quốc xuất hiện nhiều diễn viên trẻ có năng lực ca - diễn rất tốt và những gương mặt đó sau này đã trở thành đào - kép chính cho các đoàn cải lương tỉnh thành, hoặc trở thành những diễn viên vững vàng. Có được điều này, theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, phần lớn là nhờ công cuộc đãi cát tìm vàng của các đoàn hát, khi họ đi về địa phương tìm kiếm những năng khiếu trẻ đưa về huấn luyện, chỉ dạy thêm, nâng cao mọi mặt. Thực tế, viên ngọc nguyên sơ vẫn cần sự trau chuốt, mài giũa để chất ngọc sáng lên, chứ không phải để thô mộc mà sử dụng được.
Nhưng sau này chính sách thay đổi. Theo đó, một nhân sự muốn hưởng biên chế của đoàn phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), trong khi đa số các em ở vùng nông thôn xa, nhà có khi nghèo, học hành dở dang, khó đáp ứng được tiêu chuẩn bằng cấp. Trước kia, cứ nhận vào đoàn cho các em có lương mà sống, rồi được học thêm về văn hóa, về nghề, như vậy vừa là con đường thoát nghèo vừa được làm nghề, các em mới sống chết với nghề, tài năng phát sáng. Thế hệ nghệ sĩ ngày xưa như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Sang, Ngọc Giàu… đều được các ông bà bầu phát hiện từ khi còn rất nhỏ, chưa học hành bao nhiêu, được đưa về chăm chút, mài giũa để thành "ngôi sao". Nhiều năm qua các đoàn cải lương tỉnh không tuyển được người trẻ do vướng chính sách, rồi đến khi các đoàn bị giải thể (sáp nhập vào trung tâm văn hóa tỉnh) tình hình lại càng khó hơn.
Ngay cả Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng vì vướng chính sách nên khó tuyển người cho cải lương. Hệ trung học đã bỏ, chỉ còn hệ đại học, lại cần bằng tốt nghiệp THPT mới thi vào được. Rất nhiều khóa không có ai thi vào khoa nhạc, bởi hầu hết người có khả năng đờn cho cải lương đều từ quần chúng đi lên, mấy người tốt nghiệp tú tài. Khoa diễn viên cũng ít ỏi học viên vì kẹt tiêu chuẩn bằng cấp. Thậm chí đã rộ lên tin đồn là có thể khoa Kịch hát dân tộc của trường phải đóng cửa do không tuyển được người học.
Gần đây, khi trở thành Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đạo diễn Nguyên Đạt đưa ra một chủ trương mới. Anh cho biết từ năm 2023 trường sẽ tuyển song song hai hệ chính quy và ngắn hạn, dành cho hai lĩnh vực nhạc công và diễn viên cải lương. Hệ chính quy thì học viên phải có bằng tú tài, học trong 3 năm. Hệ ngắn hạn cũng học 3 năm nhưng không cần bằng tú tài, chỉ cần học viên thi vào đủ điểm năng khiếu. "Sở dĩ chúng tôi quyết định điều này bởi biết đặc trưng của nghệ thuật là có khi không đi đôi với học vấn, nếu mình cứ khăng khăng đòi hỏi học vấn cao thì dễ bỏ sót những tài năng. Các bạn học lớp mấy cũng được, nếu thấy bản thân có năng khiếu, có lòng say mê nghề nghiệp thì cứ mạnh dạn thi vào. Đặc biệt là trường không giới hạn tuổi, để khai thác tối đa tài năng trong dân gian", đạo diễn Nguyên Đạt nói. Theo đó, hệ chính quy ra trường có bằng của Bộ VH-TT-DL, hệ ngắn hạn ra trường chỉ có giấy chứng nhận nhưng cũng do Bộ VH-TT-DL cấp. Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết thêm: "Chất lượng đào tạo của hai hệ không chênh lệch bao nhiêu, kể cả học phí hai hệ đều được Bộ hỗ trợ, cũng không chênh lệch lắm. Trung bình mỗi học kỳ (3-4 tháng) chỉ đóng 4 triệu đồng, có thể nói là thấp nhất trong hệ thống các trường đại học".
Hiện Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã lên kế hoạch để đón nhận các tài năng trẻ vào mùa tuyển sinh năm nay. NSƯT Hải Yến, Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu (Hội Văn nghệ Đồng Tháp) bày tỏ: "Tôi là người theo sát thực tế, biết có nhiều bạn trẻ năng khiếu nhưng không có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn, nên chỉ có thể làm theo kiểu hợp đồng tạm thời với các đơn vị chứ không vào diện chính thức được. Hoặc người có năng khiếu muốn học nâng cao hơn nữa cũng không vào được trường lớp. Nếu chủ trương tuyển sinh mở ra thoáng như vậy thì chúng ta không bỏ sót tài năng. Cải lương đang rất cần đội ngũ kế thừa, cần tạo điều kiện cho lực lượng trẻ làm nghề".
Bình luận (0)