Đào tạo tài năng vật lý: đi học được ‘trả tiền’, nhưng sinh viên vẫn thờ ơ

27/10/2022 20:36 GMT+7

Đào tạo nguồn lực cho ngành vật lý nói riêng và các ngành khoa học cơ bản nói chung hiện nay rất khó khăn, bởi không chỉ thiếu nguồn lực mà còn vì không có… người học.

Hôm nay, 27.10, tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo về vấn đề dạy học và đào tạo vật lý ở phổ thông và đại học. Đây là một hoạt động trong chương trình Olympic vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 24 (diễn ra từ ngày 26 đến 29.10).

Sinh viên Trường ĐH Mỏ địa chất tham dự Olympic vật lý sinh viên toàn quốc lần 24

cẩm lệ

Mỗi năm chỉ tuyển được 4 - 5 sinh viên

Tại hội thảo, GS Phùng Văn Đồng, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh "Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học", Trường ĐH Phenikaa, chia sẻ một số thông tin về chương trình đào tạo vật lý tài năng mà trường này đã tuyển sinh được khoá thứ 2. Đây là chương trình được thiết kế đặc biệt, với 3 định hướng nghiên cứu: vật lý năng lượng cao và hạt nhân, vũ trụ học và thiên văn, vật lý thực nghiệm và khoa học vật liệu.

GS Phùng Văn Đồng chia sẻ sự cần thiết của đào tạo, nghiên cứu vật lý

QUý Hiên

Cả 3 chuyên ngành này đều là những chuyên ngành mạnh của trường, với đội ngũ nhà khoa học hùng hậu, đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu đỉnh cao. Không chỉ vậy, trường còn mời các chuyên gia đầu ngành ở các trường ĐH trong và ngoài nước đến giảng dạy cho SV chương trình này.

Ngay từ khi bước chân vào trường, sinh viên đã được chọn nhóm nghiên cứu, để được nhận vào làm trợ lý nghiên cứu cho nhóm. Các em được hưởng tất cả các hoạt động của nhóm, như đi dự hội thảo, được trao đổi khoa học với các thầy trong nhóm, cũng như hỗ trợ tài chính từ phía nhóm. Các em được miễn học phí suốt 4 năm học và được trợ cấp kinh phí sinh hoạt mỗi tháng 1,5 triệu đồng.

Đầu ra của chương trình là đào tạo được những sinh viên xuất sắc, đủ năng lực được chuyển tiếp đi làm nghiên cứu sinh (học tiến sĩ). Điều kiện tốt nghiệp là các em có được công trình mới (chứ không phải làm khoá luận trình bày lại một vấn đề gì đó như sinh viên chương trình bình thường). Nếu công bố quốc tế được thì tốt, nhưng tối thiểu là phải được hội đồng khoa học của trường đánh giá là công trình của các em đạt yêu cầu về tính mới.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh sinh viên cho cho chương trình là hết sức khó khăn. Năm ngoái, trường tuyển được 7 em, nhưng có 2 em thôi học sau vài tháng, giờ chỉ còn lại 5 em. Năm nay trường tuyển được 4 em. Nhưng nhà trường vẫn quyết tâm duy trì chương trình, với phương châm “1 sinh viên cũng đào tạo”.

GS Đồng chia sẻ: “Anh em trong cộng đồng vật lý làm việc tại Trường ĐH Phenikaa khá đông, toàn những người được đào tạo ở nước ngoài về, trưởng thành lên nhờ các nguồn học bổng của nhà nước và xã hội. Vì thế chúng tôi thấy cần phải có trách nhiệm trở lại với cộng đồng, tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành vật lý”.

Chương trình tài năng nhưng chưa có người tài năng theo học

Theo GS Đồng, mặc dù các em sinh viên rất cố gắng, các thầy tâm huyết, nhưng với chất lượng đầu vào như hiện nay, những người tham gia xây dựng chương trình đang cân nhắc về tên gọi “tài năng” của chương trình.

“Hiện nay chúng tôi thấy có thể đào tạo được các em trở thành những nhà vật lý tương lai. Nhưng thật ra các em chỉ mới là những người giỏi, chưa có em nào xuất sắc để có thể gọi là tài năng”, GS Đồng nói.

Học viên Học viện kỹ thuật quân sự tham gia Olympic vật lý sinh viên toàn quốc lần 24

Cẩm lệ

GS Đồng cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta có những học sinh tài năng, chẳng hạn như kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2022 Việt Nam có 4 em đạt huy chương vàng. Đó là những tài năng, nhưng các em lại ra nước ngoài học chứ không học ĐH trong nước, hoặc có học trong nước thì không theo học khoa học cơ bản”.

TS Lê Công Tường, khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ với những nỗ lực của các nhà vật lý ở Trường ĐH Phenikaa, nhưng vẫn bày tỏ hoài nghi về sự bền vững của chương trình khi mỗi năm chỉ tuyển được 4 - 5 sinh viên.

TS Lê Công Tường trao đổi tại hội thảo

Quý Hiên

TS Tường nói: “Không chỉ Trường ĐH Phenikaa mà các trường khác rất khó khăn trong việc tạo nguồn đội ngũ nghiên cứu khoa học cơ bản. Các em tài năng và có đam mê thì đi ra nước ngoài. Các em tài vừa vừa thì ưa chuộng các ngành kỹ thuật, vì triển vọng nghề nghiệp sau này tốt hơn nhiều so với nghiên cứu cơ bản.

Cho nên tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học cơ bản đang là vấn đề lớn. Trường của thầy Đồng làm được điều này khoảng chục năm thôi thì cũng đã rất tốt, nhưng nguồn lực ở đâu? Liệu rồi trường thầy có làm được không, chứ tôi tin chắc trường khác là không thể làm được!”.

Theo GS Đồng, với riêng Trường ĐH Phenikaa, vấn đề không phải là nguồn lực. Hiện tại Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh khá tốt (năm nay tuyển được hơn 5.000 chỉ tiêu), với đà này chỉ vài ba năm nữa là trường tự lo được, không phải phụ thuộc và nhà đầu tư.

Nhưng trong trường hợp trường lo được tài chính để “nuôi” chương trình tài năng thì khó khăn của chương trình là nguồn tuyển có chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là kiến thức (thể hiện qua điểm số), mà là tố chất và đam mê. Học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT từ 24 - 25 trở lên là đã có thể có nền tảng kiến thức đủ để học chương trình đào tạo nguồn lực cho khoa học vật lý.

Nhưng các yếu tố quan trọng là có tư duy phản biện, khả năng thích ứng với các vấn đề vật lý. “Thời tôi đi học, có nhiều anh chị học trên lớp bình thường thôi, nhưng sau đó làm nghiên cứu thì rất tốt, vì họ không bao giờ học chay, và họ có tư duy phản biện”, GS Đồng cho biết.

Theo TS Tường, ông đồng cảm với nỗi lo lắng trên vì ngành sư phạm vật lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là nơi có nguồn tuyển khá tốt (điểm chuẩn cao), nhưng điều này không đồng nghĩa là chất lượng đầu vào tốt. Điểm thi các em cao, nhưng năng lực tư duy của các em thể hiện trong quá trình học là yếu.

Đây là do lỗi của giáo dục phổ thông, các em không được rèn giũa khả năng tư duy, do cách học “ăn sẵn” và tư duy một chiều. “Các thầy đang làm rất tốt. Nhưng được bao nhiêu lâu, khi mà nghiên cứu cơ bản không có sức hút với học sinh tài năng?”, TS Tường đặt câu hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.