Tốn chi phí
Thông thường, để đặt hàng một trường nào đó đào tạo theo nhu cầu, một doanh nghiệp (DN) phải có dự báo nguồn nhân lực cho mình trong ít nhất 2, 3 năm tới. Đồng thời, số lượng lao động cần đào tạo phải ít nhất từ 30 người trở lên, vì yêu cầu của các trường là phải đủ học sinh mới mở lớp. Trong trường hợp số lượng không đủ thì DN sẽ phải tốn chi phí cho mỗi lao động tương lai của mình cao hơn.
|
Thạc sĩ Trần Hồ Thảo, Phó hiệu trưởng Trường TC Tây Nam Á, cho biết: “Hiện nay hiếm DN đầu tư từ đầu tới cuối theo dạng trả toàn bộ chi phí cho học sinh. Thường họ chỉ đặt hàng một số lượng nào đó theo hình thức sẽ nhận học sinh sau khi tốt nghiệp chứ không bỏ tiền ra cho học sinh”. Ông Trần Kim Tuyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề TP.HCM, nhận định: “Tính trung bình nếu đặt hàng đào tạo, DN sẽ phải chi cho mỗi học sinh - sinh viên từ 10-12 triệu đồng trong 2-3 năm học. Sau đó, khi nhận lao động về, họ vẫn phải đào tạo lại một thời gian ngắn cho phù hợp với quy trình làm việc của DN. Trong khi đó, nếu tự tuyển ở các nguồn khác, họ chỉ mất phần đào tạo thêm, sẽ có lợi hơn là đặt hàng cho trường”.
Có một thực tế là chỉ một số ngành sản xuất dây chuyền mới cần một lượng lao động lớn, thế nhưng lao động này lại không cần tới trình độ TC hay CĐ, do đó DN sẽ tuyển lao động phổ thông về tự đào tạo ngắn hạn là được. Ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nhấn mạnh thêm cái khó cho DN là sau 2, 3 năm, DN sẽ có nhiều biến động khiến số lao động đã đặt hàng rất có thể dư thừa. Đó là chưa kể, với những học sinh không làm theo cam kết mà bỏ đi làm ở chỗ khác lương cao hơn, thì việc ai xử lý và sẽ xử lý thế nào thì vẫn còn lấn cấn.
Hiệu quả thấp
Ông Trần Hồ Thảo thừa nhận, các trường khó đáp ứng nhu cầu của DN vì thực tế xã hội luôn phát triển đa dạng với tốc độ cao. “DN khi đặt hàng trường đào tạo không chỉ đầu tư về tiền bạc mà còn thời gian, chính sách nhưng chưa chắc đã nhận lại đúng với những gì mình mong muốn. Các trường chỉ đáp ứng được những kiến thức cơ bản, còn máy móc, thiết bị không thể thường xuyên sắm mới được”.
Trên thực tế, hiện nay có một số ngành tại các trường CĐ-TC nghề được Tổng cục Dạy nghề yêu cầu phải đạt chuẩn thiết bị, trong khi chuẩn này so với thiết bị thực tế của DN thì lạc hậu hơn nhiều. Do đó, ông Trần Kim Tuyền cho rằng giữa nhà trường với DN vẫn còn có độ chênh nhất định về kiến thức thực hành, khiến học sinh khi về làm việc tại DN có thể vẫn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với máy móc hiện đại. “Vì lo ngại điều đó nên DN nào đến lúc này còn muốn đặt hàng thì họ yêu cầu giáo viên đến giảng dạy tại DN luôn”, ông Tuyền nói.
Như vậy, sau một thời gian DN với nhà trường chung tay đào tạo nhưng nhận thấy hiệu quả không cao trong khi chi phí tốn kém, các DN bắt đầu tính toán lại.
Trong khi đó, ông Trần Tấn Dũng cho rằng chính vì tâm lý vẫn thích sử dụng lao động miễn phí hơn là phải trả tiền cho nhà nước để đào tạo ra lao động cho mình, nên DN mới ít chịu đầu tư vào quá trình đào tạo tại các trường nhằm giúp quá trình đào tạo đó theo sát với sự phát triển của thực tế hơn. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nếu như DN tới trường tuyển được lao động theo ý mình, thì họ sẽ trả lại chi phí đào tạo cho trường. Tại nhiều quốc gia khác, mối quan hệ giữa nhà trường và DN cũng luôn chặt chẽ, cùng thúc đẩy nhau phát triển.
Mỹ Quyên
>> Còn nhiều khó khăn trong đào tạo năng khiếu
>> Đào tạo cán bộ Đoàn đủ chuẩn chất
>> Doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo về phương pháp giảng dạy
>> Mở rộng quy mô đào tạo nghề đến năm 2020
>> Nhiều trường có thể ngưng đào tạo
>> Bộ GD-ĐT chấn chỉnh đào tạo liên thông, liên kết
>> Không đào tạo vì thiếu người học
>> 14 cơ sở được đào tạo liên thông
>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài - Kỳ 3: Rắc rối liên kết đào tạo ở trường nghề
>> Tự tin lựa chọn bậc đào tạo 2 năm
>> Đào tạo tiếp viên hàng không “chui”
>> Việt Nam hợp tác với nước ngoài trong đào tạo nghề
Bình luận (0)