NSND Đào Trọng Khánh là gương mặt sáng rỡ ràng trong làng điện ảnh - tài liệu của VN. Là người chuyên viết lời bình của những phim tài liệu nghệ thuật nổi tiếng như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, 1/50 giây cuộc đời..., Đào Trọng Khánh với lời bình phim vừa tinh tế vừa sâu xa vừa thẳng thắn của mình đã chinh phục người xem không chỉ ở VN.
Những thành công lớn trong điện ảnh của Đào Trọng Khánh bắt nguồn từ đâu ?
Theo tôi, nó có được chính vì Đào Trọng Khánh "xuất thân" là một nhà thơ, một nhà thơ với những bài thơ đằm thắm, xúc động và khá hiện đại từ những năm chống Mỹ ở Hải Phòng. Bấy giờ, bút danh thơ của anh là Đào Nguyễn. Tôi vẫn còn nhớ sau gần 60 năm, mấy câu thơ rất hay của Đào Nguyễn, trong một bài thơ mà tôi đã quên tên, viết về Hải Phòng, in trên báo Văn Nghệ và sau đó in trong Tuyển tập thơ 3 năm chống Mỹ do NXB Văn học ấn hành, vào khoảng năm 1967:
"…Thượng Lý tiễn người đi mây trắng ngang trời
Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới
Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi…"
Viết về Hải Phòng đúng vào thời điểm bom Mỹ thả ngày đêm xuống thành phố cảng như thế, viết bằng giọng âu yếm yêu thương riêng tư và mơ mộng như thế, giữa lúc thơ miền Bắc vẫn nghiêng về cái chung và những tình cảm công dân chung như thế, thì nhà thơ ấy không phải thường!
Có một bạn họa sĩ lại nhớ đoạn thơ này của Đào Nguyễn:
"Xưa tôi trôi như một cánh buồm
Giờ tôi đã thành bến cũ
Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ
Nay cá đã phơi rồi - lưới rách lua tua
Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô
Ta sẽ thả các người xuống nước
Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất
Nơi đáy sâu im lặng đời đời?"
(Bến đò Tam Bạc - Tự ước một mình)
Tôi cũng không ngờ, sau hòa bình một số năm, lại được đọc "thơ" Đào Nguyễn - bấy giờ đã lấy tên thật Đào Trọng Khánh - qua những thước phim tài liệu, qua lời bình đầy chất thơ, một chất thơ vừa chắt lọc vừa thô ráp của đời sống. Nhà thơ khi chuyển sang sáng tác những thể loại khác, họ có thế mạnh mà những người không phải nhà thơ khó có được. Đó là sự nhạy cảm, chiều sâu của tư duy hình tượng, những bất ngờ của liên tưởng... Mang những thế mạnh của thơ vào phim tài liệu nghệ thuật thì quả là... đắc đạo. Phim của Đào Trọng Khánh, nhất là khi anh đồng tác giả với đạo diễn Trần Văn Thủy, đã vừa sắc sảo lại vừa nhân hậu, vừa thời sự vừa ẩn chứa những thông điệp sâu xa, vừa dành cho tất cả mọi người vừa như nhắn nhủ với những người trí thức về tư cách và trách nhiệm của "kẻ sĩ" thời nay.
Tôi nghĩ Đào Trọng Khánh chính là một kẻ sĩ đất Bắc Hà, một kẻ sĩ hiện đại, một người phát ngôn có thẩm quyền từ chính nghệ thuật phim tài liệu, là người luôn hồn nhiên và uyên bác, luôn hết mình qua từng lời bình, từng thước phim. Và tôi lại thấy, xuyên qua hình ảnh của nhà đạo diễn điện ảnh ấy hình bóng một nhà thơ của "trường phái thơ Hải Phòng" từ những năm chiến tranh đã xa lắc. Nhiều năm qua, Đào Trọng Khánh tuy tuổi đã cao vẫn miệt mài làm việc, miệt mài đi, miệt mài cảm nhận. Dù tận đáy sâu của lòng mình, Đào Trọng Khánh nén một nỗi đau mà những ai đã quen anh, chơi với anh đều xót xa chia sẻ. Cuộc đời, số phận vẫn không công bằng như vậy với người có tâm và có tài.
Có lần, tôi và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha ngồi với anh Đào Trọng Khánh ở một quán ăn nhỏ thuộc phố ẩm thực Cấm Chỉ, anh em còn uống được rượu mạnh, và thật vui. Lại chỉ nói về thơ, dù anh Khánh bấy giờ đã nổi tiếng về phim tài liệu nghệ thuật. Thơ vẫn theo đuổi chúng tôi, hay ngược lại, trong sâu thẳm lòng mình, chúng tôi vẫn theo đuổi thơ, sùng bái thơ, như ngày xưa.
Xin vĩnh biệt anh, người bạn lớn của tôi!
"LÀM BÀI THƠ BẰNG HÌNH ẢNH ĐIỆN ẢNH"
NSƯT Đinh Anh Dũng vẫn nhớ thời kỳ những năm 1980 đi làm phim với NSND Đào Trọng Khánh. Khi đó, ông Dũng là nhà quay phim mới ra trường, còn ông Khánh đã là một nhà làm phim tài liệu có tên tuổi. Ông Dũng đã quay 2 phim của ông Khánh là phim 1/50 giây cuộc đời và Giữ trong tầm mắt. Phim đầu về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và chiếc máy ảnh cổ lỗ với tốc độ ghi hình 1/50 giây. Bộ phim tiếp theo Giữ trong tầm mắt mở rộng những câu chuyện từ cụ Võ An Ninh ra đời sống. "Chúng tôi quay ở Sa Pa cảnh bác Võ An Ninh nằm chờ chụp ảnh ở thảm cỏ. Ông Khánh yêu cầu tôi đi một cú máy làm sao như một tia nắng mặt trời. Nó thành một tia rọi xuống, theo tia nắng đó rồi đến chỗ bác Võ An Ninh đang núp trong cỏ lau để chụp hình. Cú máy không quá dài, nhưng nó gây ấn tượng. Hay lần quay ở hòn Trống Mái (Sầm Sơn, Thanh Hóa), ông ấy đề nghị tôi đi cú máy làm sao như hai hòn này hôn nhau, làm sao để cảm giác hai hòn đó di động, hôn nhau, mặt trời bị kẹp vào giữa", ông Dũng kể.
Với ông Dũng, NSND Đào Trọng Khánh là một người làm phim tài liệu nhạy bén khi gợi ý hình ảnh, và hình ảnh cũng rất thơ. "Tôi đi quay với ông ấy, thấy rõ ông muốn làm một bài thơ bằng hình ảnh điện ảnh. Ông là nhà thơ, là bạn thân của Lưu Quang Vũ, nên lời bình của ông rất là thơ", ông Dũng nói. Phim đầu tiên của ông Dũng làm với ông Khánh sau đó được 2 giải Bông Sen vàng tại liên hoan phim 1985.
Ông Đào Trọng Khánh quay nhiều phim tài liệu. Ông cho rằng điện ảnh tài liệu cần con mắt nhìn lịch sử cũng như nhịp điệu cuộc sống và cả trái tim. Vì thế, ông dấn thân và làm những bộ phim sau này xem lại chính ông vẫn xúc động như Cuộc hủy diệt, Đường ra trận… Sau này ông tâm sự: "Có nhân vật là những người cùng sống hôm qua, cùng trú ẩn chung hầm với mình; thế mà, hôm sau ra trận địa pháo, trong chớp mắt, họ trở thành người ở mãi mãi trong phim! Nhịp điệu cuộc sống của dân tộc có một thời bi hùng như thế!".
Cũng với cách tìm nhịp điệu đời sống như thế, ông Khánh cũng là người làm phim về khoán nông nghiệp sớm. Thậm chí, ông là người đầu tiên làm phim đề tài khoán nông nghiệp. Ông cho biết mình làm phim "khoán chui" vì hiểu biết đời sống những người nông dân sát biển ở Hải Phòng quê hương mình.
Trinh Nguyễn
NSND Đào Trọng Khánh nhận Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm: 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật, Hình bóng tổ tiên; Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người. Mặc dù vậy, có một tác phẩm điện ảnh tài liệu nổi tiếng khác cũng mang bóng dáng của ông là Hà Nội trong mắt ai. Tại phần générique phim này, ông có tên đầu tiên, sau đó là ông Lưu Xuân Thư, tiếp theo mới là đạo diễn Trần Văn Thủy. Ông Dũng cho biết theo thông lệ khi đó, thứ tự ghi tên trong générique phim tài liệu là tác giả kịch bản, đạo diễn.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)