Dập dịch tin giả - Kỳ 3: Loại bỏ những thông tin ‘một nửa sự thật’

02/09/2021 06:04 GMT+7

Khác với những tin giả thuần túy khá dễ nhận biết, những thông tin 'một nửa sự thật' khiến người tiếp nhận hoang mang, vô tình bị kéo theo cái nhìn định kiến, lệch lạc được các đối tượng đưa ra.

Chỉ từ một status khoe khoang về “vắc xin ông ngoại” của một “hoa khôi”, câu chuyện đã được thổi bùng lên thành đặc quyền, đặc lợi; thậm chí gây kích động, phân biệt vùng miền, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống Covid-19.

Đề nghị xử lý hoa khôi Vũ Phương Anh tung tin "tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký"

Lập lờ “một nửa sự thật”

“Một nửa sự thật không bao giờ là sự thật”, điều này đặc biệt đúng với những bài viết trên mạng xã hội cố tình “trộn” một nửa sự thật với những thông tin mang tính định hướng, kích động dư luận. Khác với những tin giả thuần túy khá dễ nhận biết, những thông tin “một nửa sự thật” khiến người tiếp nhận hoang mang, vô tình bị kéo theo cái nhìn định kiến, lệch lạc được các đối tượng đưa ra.
Cuối tháng 7, giữa lúc vắc xin đang khan hiếm, những thông tin khoe khoang về “vắc xin ông ngoại” trên trang cá nhân của một “hoa khôi” tại Hà Nội đã khiến nhiều người dân bức xúc về tình trạng tiêu cực lợi dụng quan hệ để được tiêm vắc xin. Ngay lập tức, Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh lại, người khoe khoang cũng đã chịu mức phạt 12,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật.
Song câu chuyện không dừng ở đó, mà đã được đẩy lên rất xa khỏi bản chất ban đầu. Từ tiêu cực mang tính cá biệt trong việc tiêm vắc xin, những chia sẻ, bình luận ác ý và thiên kiến đã chuyển thành “đặc quyền, đặc lợi” trong tiếp cận vắc xin của người giàu, người có quan hệ. Thậm chí biến thành câu chuyện kích động phân biệt vùng miền, xuyên tạc so sánh “Hà Nội được phân bổ 5,1 triệu liều vắc xin” trong khi TP.HCM tình hình dịch căng hơn vắc xin lại nhỏ giọt.
Trong khi trên thực tế tại thời điểm cuối tháng 7, số lượng vắc xin chính thức đã tiêm của Hà Nội mới chỉ hơn 200.000 liều, phần lớn nguồn lực vắc xin vẫn được Chính phủ, Bộ Y tế tập trung phân bổ cho TP.HCM trong nỗ lực phủ rộng vắc xin tới 70% người dân của thành phố.
Một vụ việc khác là clip ghi lại một số người dân tại TP.HCM bỏ về sau khi biết sẽ tiêm vắc xin Sinopharm. Clip tung ra giữa tháng 8 khác hoàn toàn thông tin “người dân xếp hàng tiêm vắc xin Sinopharm” trên nhiều trang báo chính thống, khiến ngay cả những người tỉnh táo nhất cũng hoang mang: đâu là sự thật? Không chỉ vậy, một cuộc tranh cãi được ngấm ngầm khơi lên mạng xã hội, giữa một bên ủng hộ quan điểm nên tiêm bất kỳ loại vắc xin nào đã được cấp phép để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, và một bên là những nghi ngờ về chất lượng vắc xin Vero Cell của Sinopharm.

Người dân TP.HCM tiêm vắc xin Vero Cell: "Không chích thì chờ đến chừng nào?"

Song trên thực tế, thông tin nào đúng, thông tin nào sai chỉ cần nhìn những con số thống kê sẽ dễ dàng khẳng định được. Theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong 5 ngày (từ ngày 13 - 17.8), đã có gần 400.000 người tại TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm. Và tính đến thời điểm cuối tháng 8, đã có gần 1 triệu người dân TP.HCM đã được tiêm vắc xin Vero Cell.

Kích động, chia rẽ vùng miền

Đầu tháng 7, khi đoàn 300 giảng viên, sinh viên Y Hải Dương xung phong vào TP.HCM chống dịch, chỉ từ một sự cố tổ chức rất nhỏ, đã có hàng loạt bình luận ác ý không chỉ nhằm vào các em sinh viên, mà còn khơi lên sự kích động vùng miền, tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ nguồn lực từ các tỉnh: “SG đâu thiếu bác sĩ giỏi”, “sao không huy động sinh viên ngành y tại chỗ của SG mà lại phải đưa từ Bắc vào”, “đi nghỉ dưỡng cao cấp không tốn tiền hay đi chống dịch?”…
Rất tiếc những thông tin dạng “thuyết âm mưu” lại được nhấn nút share dễ dàng. Không chỉ những bài share vô tội vạ, những dòng bình luận thiên kiến vùng miền bất cần đúng sai, mà nhiều trang còn lợi dụng để kích động người dân tại TP.HCM, gợi lại quá khứ chia cắt của 2 miền, phân biệt chia rẽ Bắc - Nam.
Dù vậy, giữa “cơn bão” thông tin nhiễu loạn ấy, những thông tin từ những người biết và hiểu được sự thật, những dòng tri ân, cảm ơn tới các em sinh viên, tình nguyện viên, các y bác sĩ, các lực lượng đã hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh miền Nam chống dịch đã dần áp đảo.
Tính đến nay, đã có hơn 10.000 y, bác sĩ, sinh viên ngành y và hàng nghìn bộ đội, chiến sĩ công an từ các tỉnh miền Bắc vào TP.HCM và các tỉnh miền Nam chung tay, hỗ trợ cùng người dân chống dịch.

Muốn chống tin giả, tin thật phải hấp dẫn

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê (Le bros), khác với những “tin giả hoàn toàn” dễ bị nghi ngờ, những tin giả dựa trên một nửa sự thật mới dễ đánh vào lòng tin của con người. Điều nguy hiểm là những thông tin dạng này thường dựa trên 1 phần nhỏ của sự thật, nhưng khiến nhiều người đọc không kiểm chứng, tưởng đó là thật.
“Về bản chất những tin giả định hướng thường dựa trên định kiến của 1 nhóm người nào đó. Chẳng hạn một nhóm người luôn có định kiến phân biệt vùng miền, khi có thông tin giả liên quan đến định kiến vùng miền, sẽ ngay lập tức tin và share luôn mà không cần kiểm chứng lại. Bản chất phát tán tin giả đánh vào định kiến của con người. Mỗi người đều có định kiến yêu ghét nhất định, nên khi thông tin đúng như định kiến của bản thân thì sẽ tin luôn mà từ chối kiểm chứng thông tin”, ông Vinh nói.

TP.HCM xử phạt nhiều chủ tài khoản Facebook liên quan tin giả về Covid-19

Cũng theo chuyên gia này, cần phải thực hiện liên hoàn các biện pháp để ngăn chặn mức độ lan truyền của tin giả, tin xấu độc.
Thứ nhất, phải tuyên truyền cho người dân không tin vào thông tin 1 chiều nào, mà cần kiểm chứng thông tin đó bắt nguồn từ nguồn nào, có chính thống và phù hợp không? Ví dụ nguồn tin về y tế thì nguồn đáng tin cậy nhất phải là Bộ Y tế, các cơ quan y tế. Cũng như nguồn phải liên quan đến tính chính danh của người phát ngôn. Ví dụ nói về vắc xin phòng Covid-19 nhưng từ một bác sĩ nha khoa thông tin sẽ không chuẩn xác. Nói cách khác, người dân cần được hướng dẫn về kiểm tra, kiểm chứng lại thông tin (fact-check).
Thứ hai, nguồn tin chính thống phải có sức nặng, nếu tin chính thống cũng không rõ ràng, mập mờ sẽ thiếu niềm tin cho người tiếp nhận. “Muốn chống tin giả thì tin thật phải hấp dẫn, có sức nặng, lôi kéo được người dân”, ông Vinh nói.
Thứ ba là các biện pháp chế tài hành chính và hình sự xứng đáng với các nguồn phát tán tin giả, tin sai. Cần mạnh mẽ, kiên quyết, nếu chỉ làm nửa vời như hiện nay thì người tung tin sẽ không sợ. Tuỳ mức độ ảnh hưởng xã hội của nguồn tin thấp thì phạt thấp, nếu nặng nề thì phải phạt nặng mới đủ sức răn đe.
Cũng theo ông Vinh, nếu việc kiểm chứng thông tin từ phía chủ động của người dân, thì việc cung cấp thông tin chính thống hay xử phạt lại do các cơ quan chức năng hoàn toàn chủ động, cần làm đồng bộ và kiên quyết, mới phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.