Đập Sông Tranh 2: Cần xác định nguyên nhân trước khi khắc phục

18/05/2012 18:55 GMT+7

(TNO Ngày 18.5, sau khi thị sát đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), đoàn giám sát Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã làm việc với đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

(TNO Ngày 18.5, sau khi thị sát tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), đoàn giám sát Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội (UBKHCN) do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).


Ngày 18.5, nước vẫn rò rỉ qua thân đập Sông Tranh 2 - Ảnh H.Sơn


Đoàn giám sát của UBKHCN thị sát trong hành lang đập - Ảnh H.Sơn

Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, hồ thủy điện đang ở mực nước 156,8 m. Việc khắc phục kể từ ngày 31.3 đến nay đã giảm dần tổng lưu lượng thấm, ước tính từ khoảng 91,61 lít/giây xuống còn 71,57 lít/giây.

Theo ông Sơn, việc rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2 liên quan đến việc thi công 30 khớp nối trên toàn thân đập.

“So với lực gây đổ đập thì lực thấm của nước trong thân đập hiện nay không là gì cả. Đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, ổn định với vùng hạ du. Tôi sẵn sàng mang cả gia đình mình đến sống dưới chân đập”, ông Sơn khẳng định.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm UBKHCN lo ngại về kiến tạo địa chất tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Huy nói: “Trong quá trình khảo sát để xây dựng đập Sông Tranh 2, việc thăm dò kiến tạo địa chất đã được tính đến chưa. Liệu cấu trúc nền móng Sông Tranh 2 có phải là đá granite toàn bộ hay đá còn non quá?”.

Theo y kiến của các chuyên gia, trước khi khắc phục sự cố rò rỉ nước việc cần làm là phải xác định nguyên nhân rõ ràng.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội khoa học thủy khí Việt Nam nhấn mạnh: sự cố rò rỉ nước qua đập Sông Tranh 2 là rất nguy hiểm. “Áp lực nước có thể cắt kim loại thì bê tông là không nghĩa lý gì”, ông Hùng nói.


Nước thu từ các đường ống dẫn trong thân đập chảy thành dòng - Ảnh H.Sơn

Trước thông tin từ đại diện EVN cho rằng đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam bức xúc: “Ban quản lý dự án thủy điện 3 nói nước thấm qua khe nhiệt là không đúng. Phải đến 20 - 30 năm sau thì nước mới rò rỉ mạnh như thế. Tôi vào trong đường hầm, nhìn thấy xi măng rộp hết cả rồi. Đập đã không còn tác dụng nữa”.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đồng ý với với việc cần có đánh giá khách quan với tình hình đập Sông Tranh 2. Ông cho rằng, nước chảy về hạ lưu đã được gom vào hành lang thân đập. “Rõ ràng lưu lượng nước thấm qua đập vẫn chưa giảm. Bởi vì vẫn chưa triển khai các biện pháp xử lý cụ thể”, ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, trong thời gian tới, hợp đồng xử lý sự cố sẽ được ký kết, 1 - 2 tuần tới nhà thầu sẽ làm việc, cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ khắc phục xong. Trong trường hợp xử lý bằng phương án dán keo mà không giảm được lưu lượng nước thấm thì sẽ có các giải pháp khác, để làm sao giảm triệt để lượng nước.

Trả lời về các phương án trong trường hợp vỡ đập, ông Vượng khẳng định, không riêng gì Sông Tranh 2 mà tất cả các đập thủy điện đều phải có phương án sơ tán dân trong trường hợp vỡ đập.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCN cho biết sự cố Sông Tranh 2 lâu nay được cử tri cả nước quan tâm, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Riêng UBKHCN khi nghe thông tin, đã có công văn gửi tới Bộ Công thương đề nghị có giải pháp và báo cáo kịp thời.

“Sau khắc phục cần có nghiên cứu, đánh giá lại một cách tổng thể, để thấy rằng cách khắc phục đã an tâm chưa, nếu chưa thì cần phương án bổ sung”, ông Dũng nói.

Hoàng Sơn

>> Đập xả lũ hỏng nặng
>> Chi 50 tỉ đồng “vá” đập Sông Tranh 2
>> Đập Sông Tranh 2 gặp sự cố: Phải có phương án trong trường hợp xấu nhất
>> Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2: Phải có kịch bản ứng phó
>> Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2: Chưa thể yên tâm
>> Đập Sông Tranh 2: Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm
>> Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chưa ai nhận trách nhiệm
>> Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
>> Lo lắng về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 thấm nước
>> Vết nứt trên thủy điện sông Tranh: Đang xử lý giảm độ thấm
>> Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.