Đập thủy lợi tiền tỉ nhưng không có tác dụng

17/02/2022 05:46 GMT+7

Được đầu tư hơn 6,4 tỉ đồng và đã vận hành từ khoảng 6 năm qua, nhưng đập thủy lợi ở xã Thanh Khê (H.Thanh Chương, Nghệ An) vẫn không thể nghiệm thu, bàn giao vì khả năng tích nước quá kém do bị rò rỉ nhiều nơi.

Có cũng như không

Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án nâng cấp hồ chứa nước Hống Vàng (xã Thanh Khê, H.Thanh Chương) và giao cho UBND H.Thanh Chương làm chủ đầu tư. Tháng 6.2011, công trình này được khởi công xây dựng, nhà thầu thi công là Công ty CP xây dựng và tư vấn giám sát Duy Hưng (đóng tại TP.Vinh, Nghệ An). Công trình này có cao trình mực nước 24,3 m với sức chứa 436.000 m3 kinh phí đầu tư tốn 6,44 tỉ đồng. Mục tiêu của đập thủy lợi là cung cấp nước tưới cho khoảng 50 ha đất nông nghiệp của xã Thanh Khê.

Thân đập chứa nước đã hoàn thành nhưng bị rò rỉ nhiều điểm

KHÁNH HOAN

Ông Phan Hữu Bảy (ngụ xóm Thịnh Lương, xã Thanh Khê) cho biết trước khi nâng cấp, con đập có bờ giữ nước bằng đất, mức chứa nước ít, chỉ cung cấp được nước để sản xuất vụ lúa đông xuân. Do đó, khi đập được đầu tư nâng cấp, người dân rất mừng vì hy vọng sẽ có nước để sản xuất 2 vụ lúa/năm. Sau nhiều năm thi công ì ạch vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng, đến năm 2016, đập nước này hoàn thành. Theo thiết kế, nước được tích lại để dự trữ ở đập, vào mùa sản xuất, nước sẽ được xả chảy theo 2 mương dẫn (dài gần 2 km) xuống cánh đồng hơn 50 ha phía dưới. Thế nhưng, hiệu quả của con đập này không như kỳ vọng của người dân. “Sau khi hoàn thành được thời gian ngắn, đập bắt đầu rò rỉ nước và nước cứ chảy liên tục khiến khả năng tích nước rất kém, chỉ đủ nước để làm vụ đông xuân, vụ lúa còn lại thì không thể vì không còn nước”, ông Bảy nói.

Ông Bảy cũng cho biết, do bị rò rỉ, không thể điều tiết được nước nên người dân cũng rất khổ. “Thời điểm gieo sạ, chúng tôi cần ruộng ráo nước để gieo nhưng nước vẫn cứ chảy tràn xuống ruộng nên không thể gieo được”, ông Bảy nói. Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ xóm Thịnh Lương) nhận khoán 6 sào ruộng và đây là nguồn sống chính của gia đình ông. Nhưng, do nước chỉ cung cấp đủ 1 vụ lúa nên vụ còn lại vẫn phải bỏ hoang như hồi chưa nâng cấp đập nước. “Mương dẫn nước chỉ sau ít tháng cũng bị rò rỉ do chất lượng kém nên ở cuối mương, nước rất ít. Ruộng chúng tôi toàn bị thiếu nước. Đập thủy lợi này không mang lợi gì cho chúng tôi, có cũng như không”, ông Phúc nói.

Một điểm rò rỉ trên thân đập

Nguy hiểm vào mùa lũ

Đập thủy lợi này không biến thành cơ hội tốt cho người dân trong sản xuất nhưng lại thành nguy cơ vào mùa lũ. Ông Trần Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê, cho biết xã cũng rất khổ vì dự án này do kéo dài quá lâu. Đến nay, dù đã cơ bản hoàn thành các hạng mục nhưng dự án vẫn chưa thể nghiệm thu, bàn giao cho xã để vận hành như mục tiêu ban đầu. Thân đập bị rò rỉ, khả năng tích nước kém, nên theo ông Hùng, con đập này còn là mối nguy hiểm cho người dân sống phía dưới vì nguy cơ bị vỡ vào mùa mưa lũ. Năm 2020, mưa lũ đã khiến nước tràn qua cửa xả tràn làm đất đá trên thân đập bị cuốn trôi, bồi lấp nhiều thửa ruộng ở phía dưới đập.

Đến nay, khu vực xói lở này vẫn chưa được khắc phục vì đơn vị thi công vẫn “mất hút”. Ông Hùng cũng cho biết, sau vụ lở, xã phải tự đi tìm kinh phí để hỗ trợ cho người dân bị bồi lấp, còn thân đập thì không thể can thiệp vì đập chưa được bàn giao cho xã. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị huyện có biện pháp buộc nhà thầu sửa chữa để đảm bảo an toàn chao đập nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Hùng nói.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng H.Thanh Chương, đến nay công trình này đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, chưa thể nghiệm thu vì bị rò rỉ quá mức. Ông Bùi Tôn Khiêm, Phó ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng H.Thanh Chương, cho biết do công trình kéo dài quá lâu nên hiện nay đã nảy sinh nhiều tình huống rất khó xử lý. UBND H.Thanh Chương đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công khắc phục hiện tượng rò rỉ, xói lở để nghiệm thu, bàn giao nhưng vẫn chưa thành. Ông Khiêm cũng cho biết, mới đây, chủ doanh nghiệp này đã đến làm việc với huyện và hứa tháng 3 tới sẽ khắc phục. “Nếu đến thời hạn trên, doanh nghiệp này vẫn không thực hiện, huyện sẽ báo cáo với tỉnh để có biện pháp xử lý”, ông Khiêm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.