Khi học sinh lái xe điện trở thành hình ảnh phổ biến mỗi lúc tan trường thì ngược lại, chị tôi chọn cho con một chiếc xe đạp chạy bằng sức người. Chị bảo, đạp xe sẽ giúp con tăng cường sức khỏe nhờ chăm vận động, lại có thể tiết kiệm được khoản tiền điện mỗi lúc sạc bình. Nhà cách trường chỉ chừng mấy trăm mét, đường quốc lộ dễ đi, nên để con tự đạp xe là lựa chọn hợp lý.
Trong khi đó, nhiều nhà làm nông như chị tại quê chẳng dư dả mấy đồng, cũng cắn răng vay mượn mười mấy, hai chục triệu để sắm xe điện cho con. Những chiếc xe điện dựng trong căn nhà chật hẹp, cạnh những vật liệu dễ cháy như bàn ghế gỗ hay củi khô nhóm lửa, thường được cắm sạc cả đêm, không những lãng phí điện năng mà còn dễ xảy ra nhiều vụ cháy nổ. Đã từng có vụ cháy nhà nửa đêm chỉ vì cắm sạc bình xe điện. Nhiều nhà hục hặc cãi nhau chỉ vì tiền điện tăng nhiều lên từ khi con dùng xe điện mọi lúc, do lười đi bộ. Mỗi lần thấy cảnh đó, chị tôi chỉ biết thở dài.
Mấy đứa trẻ như chị em tôi đều lớn lên từ những khoanh lúa, vì vậy ở trong một giới hạn nhất định, chị muốn con mình học được cách tự lập, tự chủ trong cuộc đời, nhưng để thuyết phục thằng bé tự đạp xe chẳng phải chuyện dễ dàng, bởi hầu như bạn bè của bé đều đi xe đạp điện tới lớp.
Đầu tiên, chị mua một chiếc xe đạp để tập cho con cách lái. Những buổi chiều đạp xe cùng con ở khu đất trống gần nhà trở thành thời gian gắn kết tình thân của hai mẹ con chị. Sau thời gian tự đạp xe tới trường, thằng bé khỏe ra trông thấy.
Chị thường dạy thằng bé, cái gì tự làm được bằng sức mình sẽ không ỷ lại vào người khác. Học thêm nhiều kỹ năng, bớt thụ động vào các thiết bị điện sẵn có, bởi lỡ đâu cúp điện hoặc thiếu điện do hạn hán, bão lụt, con cũng có thể ứng phó, hoặc đơn giản là tự nấu cho mình một nồi cơm từ củi khô sau vườn.
Những ngày nghỉ hè, thay vì cắm mặt vào mấy trò chơi điện tử trên di động hay máy tính, chị dẫn con đi đạp xe, thả diều,.. Mùa nắng nóng vừa rồi cần dùng nhiều máy quạt, tiền điện nhà chị cũng không tăng cao, chính là nhờ lối sống tối giản và hòa hợp thiên nhiên của cả nhà.
Khí hậu ngày một biến đổi thất thường. Những cơn bão mặt trời gây hạn hán, những cơn mưa kèm dông lốc khiến nguồn điện trở thành một tài nguyên cần được tiết kiệm và giữ gìn. Vì vậy, việc sống thuận tự nhiên, bớt ỷ lại các thiết bị điện trở thành một kim chỉ nam để hành động. Đạp xe cùng con, một quyết định có vẻ giản đơn, nhưng tôi thấy kết quả mà nó đem lại sẽ vô cùng to lớn từ câu chuyện của mẹ con chị tôi.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)