img
Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 1.

Tại cuộc gặp đầu xuân năm mới giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp (DN) ngày 10.2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đất nước gặp vô vàn khó khăn: cạnh tranh chiến lược, xung đột ở một số nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất làm ảnh hưởng toàn bộ kinh tế thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, DN VN, nhất là khối DN tư nhân thể hiện vai trò khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Các DN, doanh nhân vươn mình, cống hiến, khắc phục hậu quả, đưa nền kinh tế VN vươn lên đứng thứ 34 trên thế giới theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB). Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nằm trong nhóm cao nhất khu vực. Xuất nhập khẩu đạt 786 tỉ USD, đưa VN vào top 20 nền kinh tế thương mại lớn của thế giới. Đặc biệt, khu vực DN tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động trên cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, VN cần đạt mức tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm 2025 và tiến tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Mục tiêu đặt ra như vậy, nhưng nếu từ địa phương tới bộ, ngành, các DN nhà nước, DN tư nhân trên mọi lĩnh vực cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được. Do đó, cần hiện thực hóa mục tiêu bằng các nhiệm vụ cụ thể, trên từng dự án cụ thể. Các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, khai thác không gian biển và vũ trụ cũng đang được triển khai mạnh mẽ, xác định là những công trình thế kỷ mở ra kỷ nguyên mới của đất nước. Đồng thời, cũng mở ra cơ hội lớn cho DN tư nhân tham gia.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 2.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp

Ảnh: VGP

Không giao nhiệm vụ chung chung, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ "chọn mặt gửi vàng" cụ thể đến từng DN, với từng dự án. Trong khi Tập đoàn Trường Hải (THACO) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn Hòa Phát được Thủ tướng giao đảm nhận việc sản xuất ray đường sắt, đóng góp vào các dự án hạ tầng giao thông chiến lược để đưa VN tiến vào kỷ nguyên đường sắt. Trước khi chính thức "đặt hàng" THACO và Hòa Phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và khảo sát đại bản doanh của 2 DN này. Thủ tướng chỉ rõ THACO có thế mạnh về cơ khí, tất nhiên phải chuyển giao công nghệ, nhưng để đóng các toa tàu cho đường sắt cao tốc thì về mặt nguyên lý là giống nhau, THACO đảm nhận được.

Bên cạnh đó, đã gọi là đường sắt thì dù tốc độ thấp hay cao, sắt thép vẫn phải chiếm tỷ trọng lớn. VN xác định đầu tư tới 250 tỉ USD cho đường sắt trong 10 - 15 năm tới, tạo ra thị trường cực lớn cho các DN ngành vật liệu xây dựng. Thế nên, Thủ tướng đã đề nghị Tập đoàn chiếm tỉ trọng lớn nhất về sắt, thép của VN là Hòa Phát "lo" số thép làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc, cũng như các tuyến đường sắt đô thị. Với kế hoạch mở rộng đầu tư mạnh vào các khu liên hợp sản xuất gang thép lớn của Hòa Phát, DN này còn được giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 3.

Thủ tướng thăm và làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát ở Quảng Ngãi

ẢNH: H.P

Trước đó, làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết đã trao đổi với tỉ phú Phạm Nhật Vượng, khuyến khích Tập đoàn Vingroup xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ. Từ việc này, Thủ tướng gợi ý lãnh đạo TP.HCM: "Mình phải giao nhiều việc cho các DN lớn. Tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch". Với lĩnh vực công nghệ số, Tập đoàn FPT được giao trọng trách đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế và phát triển chip bán dẫn, tạo nền móng cho ngành công nghiệp công nghệ cao của VN.

Không ngần ngại dùng "ngưỡng mộ, khâm phục" để nói về các doanh nhân lớn của đất nước - những người "từ hai bàn tay trắng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể" với lòng đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công cuộc đổi mới của đất nước sẽ an tâm, chủ động hơn về mặt chiến lược khi có các DN Việt mạnh. Chủ trương của Chính phủ là chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, cùng với các DN lớn tiên phong xác định và cùng thực thi các dự án mang tầm quốc gia, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 4.

Bức ảnh "tỉ USD" hội tụ nhiều lãnh đạo các DN lớn như Vingroup, Hòa Phát, BRG, T&T, FPT, Thaco, Geleximco, TTC... tại buổi gặp giữa Thường trực Chính phủ và DN ngày 10.2

ẢNH: VGP

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 5.

Trước những "đơn đặt hàng" chưa từng có tiền lệ, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu VN bày tỏ sự phấn khởi và hào hứng. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, khẳng định THACO đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra. Trong lĩnh vực cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, THACO đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất; đặc biệt đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. Cùng với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trần Bá Dương cam kết tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Ông bày tỏ: "Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các DN VN, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm".

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng khẳng định các dự án đường sắt trị giá tới 250 tỉ USD là thời cơ rất lớn cho các DN. Việc phát triển ngành thép nội địa sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Chủ tịch Hòa Phát dẫn chứng: "Như Hàn Quốc thời ông Park Chung Hee, họ mạnh dạn giao cho DN trong nước làm các dự án đường sắt tốc độ cao. Nhờ vậy, từ những năm 1960 - 1970 đến nay, GDP đầu người của Hàn Quốc là 36.000 USD, vượt qua cả Nhật Bản".

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 6.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực

"Rút ruột" chia sẻ với Thủ tướng về những tâm tư mà DN trong ngành đang mang, ông Trần Đình Long cho biết tại rất nhiều diễn đàn, các lãnh đạo Chính phủ đã phát biểu thể hiện chủ trương ủng hộ DN trong nước tham gia vào các dự án đường sắt trọng điểm. Hòa Phát kiến nghị Chính phủ nghị quyết hóa bằng văn bản thể hiện rõ chủ trương này để tạo nguồn động viên to lớn cho các DN, nhà sản xuất vật liệu, nhà thầu thi công đang trong nước đang mong chờ. "VN có thể học theo bài học từ Hàn Quốc, có nghị quyết mạnh dạn giao cho các đơn vị trong nước là các DN sản xuất, nhà thầu thi công như chúng tôi. Như thế giải quyết 2 vấn đề, một là chúng tôi mạnh dạn đầu tư và quan trọng khi đầu tư thì có sản phẩm đầu ra. Thời gian tới, Hòa Phát có thể khởi công nhà máy sản xuất đường ray với vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Do đó, chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án", ông Trần Đình Long kiến nghị với Thủ tướng.

Là tập đoàn hàng đầu VN đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ, Vingroup kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng từ dự án Vinfast. Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết, Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh. Tập đoàn Vingroup xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, Vinfast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của VN, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 7.

Vingroup xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững

Ảnh: NHẬT THỊNH

"Để phát triển bền vững, kích cầu tiêu dùng nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với Vinfast, Tập đoàn Vingroup đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này. Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện môi trường. Chúng tôi tin rằng có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải của quốc gia", CEO Vingroup nêu ý kiến.

Năng lượng là một trong những nhu cầu quan trọng để tăng trưởng, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh REE, cho rằng chúng ta đang có chương trình điện hạt nhân để chạy nền thay cho điện than và điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như vậy năng lượng tái tạo phải góp phần quan trọng để quốc gia tiến tới Net Zero vào năm 2050. Từ đó, bà Mai Thanh "đặt hàng" chính phủ sửa đổi Quy hoạch điện 8 theo hướng không giới hạn năng lượng tái tạo. Cụ thể là điện gió trên bờ, điện mặt trời trên hồ… cần được tháo bung, không giới hạn… Song song đó, cần ban hành giá điện cho từng loại hình năng lượng và bỏ quy định đàm phán giá mất quá nhiều thời gian cho nhà đầu tư.

Không chỉ các DN lớn, tại Hội nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính, rất nhiều lãnh đạo DN vừa và nhỏ thuộc mọi lĩnh vực từ giao thông tới du lịch, sản xuất… đều đã mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt tháo gỡ các điểm nghẽn để cùng chung tay thực hiện mục tiêu lớn của dân tộc.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 8.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 9.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), nhận xét việc Chính phủ đặt hàng DN tăng tốc đổi mới sáng tạo, đột phá hạ tầng công nghệ… và một số DN đầu ngành cũng khẳng định sẽ quyết tâm cùng Chính phủ đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng bằng những chiến lược, hành động cụ thể, kể cả "đặt hàng" lại Chính phủ, cho thấy có sự cởi mở, thẳng thắn giữa 2 bên, Chính phủ - DN. Đây là điều xưa nay hiếm vì dù có các "hội nghị Diên Hồng" giữa Chính phủ với DN được diễn ra hằng năm, song thông thường Chính phủ khuyến khích, khẳng định đổi mới, cải cách; còn DN cũng chỉ dừng lại mức kiến nghị Chính phủ nên đổi mới thế nào, tháo gỡ vướng mắc ra làm sao. Nay "sân chơi" rõ ràng hơn, từng dự án cụ thể, từng vấn đề cụ thể, DN với tâm thế xác định có nền tảng vững mạnh nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh và Chính phủ cũng ở tâm thế quyết liệt "bàn làm, không bàn lùi". Thế nên "Tôi tin là những đơn đặt hàng này sẽ có hiệu quả "tiền tươi thóc thật" chứ không còn dừng lại như mong muốn, kỳ vọng nữa", TS Nguyễn Minh Thảo nói.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 10.

Cao Tốc Bến Lức Long Thành chụp tháng 10 năm 2024

Dạ Thảo

TS Nguyễn Minh Thảo phân tích: "Các DN lớn tham gia "đặt hàng" với Chính phủ đại diện cho các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng: ô tô, cơ khí, hàng không, công nghệ, bán lẻ… Họ chỉ nằm trong số khiêm tốn chiếm 2% trên tổng số DN Việt, song có vai trò cực kỳ quan trọng, là những con sếu đầu đàn, có thể dẫn dắt cả ngành, cùng liên kết dẫn dắt nền kinh tế, tạo cơ hội lớn mạnh cho các DN vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị. Vấn đề này không mới, nhưng khi đã thẳng thắn "đặt hàng", chúng ta hãy mạnh dạn xây dựng ngay cơ chế đặc biệt cho những con sếu đầu đàn này. Phải tạo không gian mới, có thể là một khung thể chế thử nghiệm cho các DN lớn. Chẳng hạn, thay vì phải qua các bước đấu thầu cho các dự án đầu tư công, có thể áp dụng luôn chỉ định thầu tùy vào năng lực và đơn đặt hàng của Chính phủ có được không? Cắt bỏ luôn các quy định đấu thầu cho dự án cụ thể mà Chính phủ đặt hàng đó, để DN bắt tay vào làm luôn. Như hiện tại, chúng ta đang xây dựng chính sách đặc thù, chỉ định đầu tư với dự án điện hạt nhân vậy. Sau các dự án hạ tầng, có thể mở rộng thêm các ngành hàng dịch vụ, y tế, giáo dục…".

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển DN, đề nghị nên có ngay cơ chế xé rào, có khung thể chế đột phá cho những ngành đang có "đại bàng" trong nước, có sự lớn mạnh nổi trội. Ông bày tỏ sự kỳ vọng lớn, tâm đắc trước những ý tưởng của DN chia sẻ. "Chúng ta hay nói lực lượng DN tư nhân là nòng cốt, xương sống của nền kinh tế. Vậy muốn cho cột sống đó vững chãi, cần có chế độ dinh dưỡng đủ tốt để giúp cột sống đủ canxi lớn mạnh, dẻo dai. Lúc này, các đơn đặt hàng từ Chính phủ đã có, rất cụ thể, vậy phải bắt tay làm ngay", ông Quân nhấn mạnh.

Đặt "đại bàng nội" những đơn hàng lịch sử- Ảnh 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.