Sáng 7.4, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến luật Đất đai sửa đổi.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu tình trạng chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn. Tại các khu vực đô thị, chênh lệch phần lợi tức có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi m2.
Theo ông Minh, phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng. Điều này cũng là lý do hầu hết các "đại gia" tại Việt Nam đều xuất phát từ kinh doanh bất động sản.
"Theo Hiến pháp đất đai là sở hữu toàn dân thì sửa luật Đất đai lần này có thu phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy trong luật", ông Minh nêu.
Ông Minh cũng đặt vấn đề: liệu việc sửa luật Đất đai có giảm được đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?
"Hiện nay Trung Quốc có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể bán nhưng chưa được ở. Đề nghị có đánh giá xem nước ta có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng kinh tế dựa vào bất động sản", ông Minh kiến nghị.
Điều tiết chênh lệch giá trị tăng thêm từ đất cũng là vấn đề đại biểu Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Long An, đề nghị luật Đất đai sửa đổi cần có quy định rõ.
Bà An phân tích, tại các dự án thu hồi đất luôn tạo ra bất bình đẳng giữa người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời. Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án, trong khi giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời lại tăng thêm rất lớn.
Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di dời. Cùng đó, luật Đất đai hiện hành cũng chưa có cách xác định phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, nên nhiều địa phương cũng chưa thực hiện được vấn đề này.
Từ đó, bà An đề nghị luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, tăng tính khả thi trong quy định thực tế.
Xem nhanh 12h ngày 7.4: Xung quanh ồn ào Đàm Vĩnh Hưng - Nguyễn Phương Hằng | Diễn biến vụ rơi trực thăng Bell 505
Nhà nước điều tiết chênh lệch địa tô từ chuyển đổi sử dụng đất
Tại khoản 10, điều 14 dự thảo luật Đất đai sửa đổi tiếp thu, chỉnh lý sau khi lấy ý kiến nhân dân quy định việc điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại là một trong các quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai.
Theo đó, việc điều tiết này được thực hiện "thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi".
Đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đề nghị bổ sung quy định về khoản thu từ điều tiết phần giá trị tăng thêm do Nhà nước đầu tư để có cơ sở thống nhất thực hiện quy định này.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chuyển đổi đất thông qua đấu giá thì Nhà nước thể thu được phần chênh lệch địa tô này. Còn việc chia thế nào để hài hòa là việc của nhà nước.
Ông Hà cho rằng, việc điều tiết này không chỉ phân phối cho người dân tại khu vực có đất thu hồi, mà cả những người dân ở những nơi có đất thu hồi nhưng không phát sinh địa tô chênh lệch như thu hồi cho công trình công cộng, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, ông Hà cho biết, luật Đất đai sửa đổi không quy định việc điều tiết tỷ lệ vì vấn đề này phải được quy định tại các luật Ngân sách, hay luật Thuế.
"Nếu các đại biểu đồng ý thì ngày mai chúng tôi có thể quy định được ngay. Thực tế chia bao nhiêu phần trăm cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm cho người dân khu vực khác có đất bị thu hồi mà không phát sinh địa tô đều đã được tính toán nhưng khi đưa ra thì các bộ, ngành nói như vậy là giẫm chân vào các luật khác. Đó là lý do vì sao chúng tôi không đưa vào đây", ông Hà lý giải.
Bình luận (0)