Đặt hàng đào tạo giáo viên: Đừng dựa vào chỉ tiêu biên chế

30/04/2021 07:51 GMT+7

Đại diện các địa phương đồng loạt nêu khó khăn trong việc xác định nhu cầu giáo viên, vì nếu dựa vào nhu cầu thật thì thiếu nhiều, còn dựa vào nhu cầu tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế thì hầu như không cần đào tạo thêm.

Hôm qua 29.4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định (NĐ) 116/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm (SP).

Mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng và tuyển dụng

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Ninh, việc các trường SP xác định chỉ tiêu căn cứ vào nhu cầu của địa phương đã được làm từ một số năm nay. Qua đó cho thấy, đa số địa phương, trong đó có Bắc Ninh, nhu cầu là nhu cầu tuyển dụng chứ không phải nhu cầu sử dụng, nên thực tế các trường vẫn thiếu rất nhiều giáo viên (GV). Ví dụ Bắc Ninh năm ngoái thiếu khoảng hơn 2.000 đến gần 3.000 GV, nhưng trong nhu cầu theo báo cáo lại rất ít.
“Theo cách làm mấy năm nay, Cục Nhà giáo gửi yêu cầu khảo sát về UBND tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, Sở Nội vụ đưa về phòng nội vụ các huyện, xác định nhu cầu tuyển dụng, mà nhu cầu tuyển dụng lại rất khó khăn. Nhiều tỉnh 10 năm mới mở một đợt tuyển dụng”, ông Tuyến nói và cho biết thêm: “Trước đây, khi việc khảo sát được giao cho Sở GD-ĐT, Sở lại giao cho phòng kế hoạch tài chính của Sở xác định, thì rất sát. Vì họ căn cứ vào thống kê người đi học trong độ tuổi trên địa bàn, hằng năm sẽ tăng hay giảm thế nào; số GV hiện tại ra sao, số sắp nghỉ hưu là bao nhiêu..., từ đó mới ra nhu cầu GV thực tế”.
Ông Tuyến cũng đề nghị, trong công văn hướng dẫn thực hiện NĐ 116 của Bộ GD-ĐT, trong phần khảo sát nhu cầu GV để xác định chỉ tiêu đào tạo, nên ghi rõ là đào tạo GV cho tất cả các trường, gồm trong và ngoài công lập. Ở Bắc Ninh chẳng hạn, khối trường mầm non đa số là ngoài công lập, hiện đang thiếu trầm trọng, tới hàng chục nghìn người, mà không có nguồn để tuyển.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cũng nêu băn khoăn về việc làm thế nào để đảm bảo cân bằng cung - cầu khi mà theo định mức của Bộ GD-ĐT, Thái Nguyên thiếu hơn 5.000 GV nhưng biên chế Chính phủ giao cho thì thấp hơn rất nhiều. Kể cả được phép đăng ký theo nhu cầu thực tế (theo định biên Bộ GD-ĐT quy định), thì lực lượng SV SP ra trường chưa có việc làm trong xã hội còn lớn, giả sử Thái Nguyên được giao thêm 5.000 biên chế thì có thể tuyển ngay được, không cần đào tạo thêm.
Ông Hưng đặt câu hỏi: “Giả sử chúng ta cứ đặt hàng theo nhu cầu thực, nhưng sau khi họ tốt nghiệp 2 năm mà chúng ta không tuyển dụng họ thì làm thế nào? Chẳng lẽ bắt họ bồi hoàn kinh phí như NĐ 116 yêu cầu?”.

Đấu thầu: Đề phòng hệ lụy khôn lường về chất lượng

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo GV theo nhu cầu xã hội được quy định tại NĐ 116, UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng GV mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo GV với các cơ sở đào tạo GV khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng GV của địa phương.

Chưa có chỉ tiêu sư phạm là bất cập

Từ đầu cầu Đà Nẵng, PGS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết ý kiến của các đại biểu ở đầu cầu này cho rằng hội nghị triển khai NĐ 116 diễn ra quá muộn. Hiện nay thí sinh đã bắt đầu đăng ký xét tuyển ĐH mà các trường SP còn chưa ra được chỉ tiêu là rất bất cập. Ngoài ra, đầu cầu Đà Nẵng cũng có thắc mắc tương tự đầu cầu Hà Nội, SV được đào tạo theo đơn đặt hàng nhưng lại không trúng tuyển khi thi viên chức (theo NĐ 115) thì xử lý thế nào?
Đại biểu đại diện đầu cầu TP.HCM cũng truyền đạt 4 băn khoăn của các đại biểu đầu cầu này. Thứ nhất là mong muốn Bộ có một giải pháp để điều phối cung - cầu trong đào tạo - sử dụng GV - đăng ký của SV. Thứ hai, cần có một hướng dẫn chi tiết hơn cả về tài chính và xác định nhu cầu của địa phương. Thứ ba, về vấn đề học phí, cần phải có giải pháp khi mà học phí của các trường khác nhau thì có mức khác nhau, trong khi hỗ trợ học phí chỉ là một mức. Thứ tư, phải có quy định nhằm đảm bảo việc tuyển dụng phải mang tính cạnh tranh.
Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo GV chủ trì và phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo GV của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo NĐ 116.
Với quy định về các đấu thầu và tham gia đấu thầu, theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, có 2 vấn đề cần lưu ý, đó là năng lực của cơ sở đào tạo và giá. Tất nhiên mỗi cơ sở đều đã được kiểm định và đảm bảo các yêu cầu; cơ sở nào cũng tuyên ngôn đào tạo chất lượng cao cả. Như vậy, rất khó nói về năng lực thế nên vấn đề còn lại là giá, tất nhiên giá phải theo trần quy định. “Cạnh tranh về giá có những mặt tích cực, nhưng nếu thiếu thận trọng thì sẽ có những tiêu cực, mà tiêu cực để ra đời những thế hệ nhà giáo chất lượng không cao thì hệ lụy khôn lường”, GS Nguyễn Văn Minh khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.