Thực tế gần đây tại TP.HCM, liên tục xảy ra những sự vụ liên quan đòi nợ thuê gây bức xúc dư luận, như vụ cô giáo phải viết đơn xin “xã hội đen” xảy ra tại Q.Bình Tân, hay hàng loạt vụ đe dọa rạch mặt, khủng bố, đánh người tại Q.10 và Q.Tân Phú. Tuy nhiên, qua thực tế trong các vụ việc trên thì những diễn biến đòi nợ phức tạp ở TP.HCM không hề liên quan việc cấm hay không cấm đòi nợ thuê. Bởi luật pháp nào cho phép các chủ nợ ngang nhiên ép buộc người thân, thậm chí không phải thân nhân, phải gánh nợ thay!?
Tất cả những cách thức đe dọa, khủng bố tinh thần… đều là vi phạm pháp luật và có quy định xử lý cụ thể theo luật định. Đây không còn là quản lý dịch vụ đòi nợ mà là quản lý trị an, đấu tranh với tội phạm.
Vì thế, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tại sao lực lượng chức năng lại để những hành vi thách thức pháp luật như thế vẫn tồn tại? Tại sao người dân liên tục cầu cứu mà lực lượng không thể xử lý triệt để các hành vi côn đồ, khủng bố tinh thần, thậm chí phá hoại tài sản người dân khi các nhóm đòi nợ ngang nhiên ra tay? Hay đâu là trách nhiệm của một cán bộ khi gợi ý hướng giải quyết: “một là bán nhà rồi trốn đi hoặc bán nhà trả nợ cho bọn chúng”, dù nạn nhân không phải người mượn nợ? Chính quyền địa phương ở đâu khi mà một cô giáo phải viết thư “xin các anh xã hội đen” cho phép được đi dạy?
Tất cả chỉ có thể trả lời rằng đó là sự thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng. Những người có chức trách chưa đặt mình vào vị trí của những người dân đang gánh chịu các hành vi thách thức pháp luật. Đây cũng chính là ý kiến của rất nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 12.10 đăng bài Đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền.
Thực tế, sự lơi lỏng đó sẽ dung dưỡng cho những hành vi phạm tội, dẫn đến tiềm ẩn các nguy cơ lớn hơn về trật tự trị an xã hội. Cứ thế, còn đâu là một thành phố văn minh, nghĩa tình như các cấp chính quyền của TP.HCM đang dày công xây dựng!
Bình luận (0)