Nếu bạn là BN hoặc thân nhân người bệnh ở trên, bạn sẽ nghĩ gì về bệnh viện (BV), về ngành y?
Gần 1 năm trước, các BV báo động hiện tượng hết thuốc. Thời điểm này, ngành y tế trong cơn quay cuồng với các sự vụ hậu Covid-19. Đến quý 4/2022 thì sự việc mới được giải quyết khi Chính phủ tháo gỡ cho gia hạn số đăng ký thuốc. Biết bao BN ra ngoài mua thuốc và chi phí tiền túi của BN để mua thuốc là không ít. Có ai đong đếm, tính toán được ?
Mới đây, các BV tiếp tục kêu về việc không mua sắm, sửa chữa được thiết bị chụp chiếu; không mua sắm được vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Những điều này được lý giải là do vướng luật. Trên thực tế, sự việc này cũng đã diễn ra hồi giữa năm 2022. Và hậu quả của tình trạng này là BN chịu cảnh xếp hàng chờ... mổ, chờ xét nghiệm ở các BV công lập.
Bác sĩ, trong bối cảnh trên, dù tay nghề có giỏi, dù có thương BN bao nhiêu đi nữa thì cũng "bó tay". Việc bác sĩ tư vấn cho BN ra BV tư hoặc kêu BN ra ngoài mua vật tư vào mổ là chuyện chẳng đặng đừng.
Với tình hình như hiện nay, lãnh đạo các BV dù cố gắng đến mấy cũng chỉ đáp ứng việc mổ cấp cứu. Đối với những ca bệnh có thể trì hoãn được, chỉ có cách… trì hoãn. BN khi mắc bệnh đã mệt, đã lo, nay do trì hoãn kéo dài, bệnh tật không chỉ gây đau đớn về thể xác mà tinh thần còn bị ảnh hưởng nặng nề.
Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành tập trung giải quyết các bất cập trong đấu thầu, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế và yêu cầu trong tháng 3 này phải xong. Nếu thật sự thương BN, vì người bệnh thì các bộ ngành hãy vào cuộc ngay, tháo gỡ các bất cập để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Bởi còn chậm ngày nào thì BN bị trì hoãn khám, chữa bệnh càng phải chịu thêm đau đớn ngày đó. Hãy đặt mình vào vị trí người bệnh để thấu hiểu.
Bình luận (0)