Bên cạnh đó, trong cuộc sống hội nhập có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít cám dỗ, những hoạt động của Đoàn cần tập trung tăng cường “sức đề kháng” cho thanh niên bao gồm cả trí tuệ, thể chất, lý tưởng…
Đó là những góp ý đầy tâm huyết của các nguyên Bí thư T.Ư Đoàn tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII được tổ chức tại TP.HCM sáng 22.1.
Các đại biểu góp ý kiến để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII |
Nữ Vương |
Thanh niên đang thiếu sân chơi
Mở đầu hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, thông tin trong nhiệm kỳ tới dự kiến vẫn duy trì 3 phong trào lớn là tình nguyện, sáng tạo và xung kích bảo vệ Tổ quốc. Ngoài 3 phong trào lớn để phát huy thanh niên và 3 chương trình đồng hành với thanh niên, T.Ư Đoàn xác định tiếp tục duy trì các phong trào nhánh để phù hợp với từng đối tượng thanh niên khác nhau. Trong dự thảo cũng đã xác định dự kiến nhiệm kỳ tới sẽ có 10 đề án trọng điểm, trong đó có 7 đề án thuộc chiến lược phát triển thanh niên do Thủ tướng ban hành và có thêm 3 đề án mới.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng đặc điểm tình hình của thời kỳ mới cần phải chú ý nhiều hơn đối với thanh niên thế hệ Z. Phải tìm cách nắm thêm, hiểu thêm về thanh niên thế hệ này, những mặt mạnh, mặt yếu của thế hệ Z như thế nào…
“Có những phụ huynh kể với tôi là con họ đi đá bóng lúc 1 giờ đêm, vì giờ đó các cháu đã học xong và sân mới trống nên chọn đi đá bóng. Nhưng cũng từ đây đặt ra một vấn đề là sân chơi cho thanh thiếu niên hiện nay có thiếu không mà các em phải đi đá bóng lúc nửa đêm?”, bà Thảo đặt vấn đề.
Bà Thảo đề xuất nên có thêm sân chơi, thể thao, những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật cho thanh niên, vì hiện nay còn thiếu nhiều”.
Phải nhạy cảm với thực tiễn
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Đoàn và phong trào thanh niên cần xung kích để xây dựng phát triển kinh tế xanh và vận động phong trào thanh niên thực hiện lối sống xanh. Cũng theo ông Trực, nội dung phong trào thanh niên phải dựa trên những đòi hỏi của cuộc sống. Điều quan trọng là tổ chức Đoàn phải nhạy cảm với thực tiễn, phân tích tìm ra những bức xúc mang tính phổ biến của số đông thanh niên...
Còn ông Trần Hoàng Thám, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nhìn nhận trong giai đoạn hội nhập thế giới sâu rộng, cũng có mặt tốt và mặt trái, đòi hỏi thời gian tới vai trò của Đoàn thanh niên là rất lớn, để phát huy cái tốt, hạn chế những mặt chưa tốt từ đó đảm bảo sức vươn lên của thanh niên.
Anh Bùi Quang Huy tiếp thu những ý kiến đóng góp và cho rằng tất cả những đóng góp của các anh chị đều thể hiện tình cảm rất đáng quý, là tình yêu thiết tha dành cho tổ chức Đoàn.
Anh Bùi Quang Huy cũng thông tin việc nắm tình hình tư tưởng thanh niên hiện nay có nhiều cách, trong đó suy nghĩ rất nhiều đến đặc điểm của thanh niên. Những đặc điểm của thế hệ Z là một thách thức cho hoạt động Đoàn. Vai trò của Đoàn là phải định hướng và tạo ra xu thế, nên trong phương thức hoạt động của Đoàn lâu nay, luôn cố gắng làm sao để khi mình định hướng phải tạo cho thanh niên là người tự xây dựng.
Cũng theo anh Huy, những hiện tượng tiêu cực trong thanh niên là có, nhưng hiện nay cũng cần tin tưởng vào thanh niên. Như qua dịch bệnh vừa rồi, nhiều tổ chức chính trị xã hội rất tự hào với thanh niên, màu áo xanh tình nguyện. Tất cả những vấn đề chúng ta đặt ra hôm nay, có những cảnh báo sớm, cảnh báo xa để có những giải pháp cụ thể, đó là những điều rất cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần phải đặt niềm tin vào thế hệ Z hiện nay.
Thủ lĩnh thanh niên phải là thần tượng của người trẻ
Chiều cùng ngày, nhiều cựu cán bộ Đoàn cũng có những chia sẻ ý kiến hết sức tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, cựu cán bộ Đoàn, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta dự báo về thế hệ Z, vậy ta hiểu về thế hệ này như thế nào? Những đặc điểm của thế hệ này là thách thức hay thuận lợi cho các hoạt động Đoàn. Chúng ta nhìn nhận người trẻ bây giờ không chỉ dẫn đầu xu hướng mà tạo ra xu hướng. Nếu những xu hướng tốt thì không nói, nhưng cũng có những xu hướng mang tính tiêu cực và nếu chúng ta không can thiệp vào sẽ như thế nào? Như xu hướng làm giàu bằng mọi cách, không lập gia đình, không sinh con, xu hướng hưởng thụ…
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản trẻ, Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn phía nam, góp ý: “Đoàn phải tạo thương hiệu của Đoàn, tạo ra xu hướng và dẫn dắt xu hướng chứ không phải đu theo xu hướng. Đoàn hiện nay có tất cả phương tiện, công cụ để làm được những điều này. Và đã đến lúc phải đặt ra vấn đề thủ lĩnh của Đoàn phải là thần tượng của giới trẻ để thu hút người trẻ, từ đó sẽ kết nối được nội dung giáo dục của Đoàn rất dễ dàng”.
Bình luận (0)