A. bất chợt đề xuất với anh, khi họ đang ngồi ở một quán cà phê cóc vỉa hè. Anh không bất ngờ khi A. nói về Y, nhưng đi thăm lại là chuyện khác.
Tuấn Anh |
- Có xa không?
- Với dân đất đai tụi mình, dọc ngang miền Đông trong ngày để kịp chốt giá, mấy trăm cây số có gì là xa. Miễn có muốn đi không thôi!
Anh đã muốn từ lâu rồi, nhưng cứ ngần ngừ mãi. Vậy thì đi! Ba giờ rưỡi sáng, hai đứa lọ mọ dậy, sửa soạn lên đường.
- Đến tuổi “tri thiên mệnh” rồi, ngủ làm gì cho lắm! - A. phân trần chuyện đánh thức anh dậy sớm, trong khi lục va li lấy bộ quần áo A. nói đùa là đẹp nhất để đi thăm cô bạn gái cùng lớp, mà hơn 32 năm chưa gặp lại lần nào.
A. lái xe đưa anh băng qua những cánh rừng bạt ngàn của miền Đông còn ngái ngủ trong sương sớm. Loang loáng trước mặt anh, trôi theo những dòng ký ức chảy dài trong câu chuyện của A, là những hình dung về cô bạn gái học cùng lớp thật xinh và ngoan hiền. Anh, A. và Y. trở thành bộ ba - vừa âm thầm cạnh tranh nhau vị thứ nhất nhì trong lớp, nhưng lại khá ăn ý nhau trong đội thi “Đố vui để học” ở cấp trường cũng như “chiến” với các trường bạn. Người thì mạnh dạn, hăng hái; kẻ thâm trầm nhưng kiến thức chắc…, gộp lại thành đội, thi đâu thắng đó.
- Ông nhớ bữa đi thi về, trời mưa tầm tã, ba đứa cuốc bộ ướt run không?
Sao không nhớ, dù chuyện đã gần 40 năm rồi. Lúc đó, nhà anh và A. đều nghèo, đâu có nổi chiếc xe đạp; còn nhà Y. thuộc loại khá giả trong vùng, nhờ tài buôn bán và nấu rượu rất ngon của mẹ Y. Thi xong, người nhà Y. đạp xe đi đón, nhưng mưa trắng đất trắng trời, nên không thấy ba đứa nhỏ lúp xúp đội mưa cuốc bộ về. Chỉ tội Y. cứ khép nép đi thụt lại sau, tay siết chặt chồng sách vở bọc ni lông ngang ngực… Đi một đoạn đường từ thuở ấu thơ như vậy, nhưng cả anh và A. không bao giờ quên, bởi trong suốt mười hai năm học cùng nhau, họ chỉ đi chung có một đoạn trong buổi chiều mưa như vậy. Rồi thôi!
- Ông tin có những khoảnh khắc kỳ lạ, cứ theo đuổi, ám ảnh, ăn sâu trong lằn rãnh ký ức, không dứt ra được, vì nó đã làm thay đổi cả cuộc đời mình không?
Anh ậm ừ trước câu hỏi của A.
- Nếu không có Y. thì mình đã không được như ngày hôm nay rồi. - A. tiếp tục câu chuyện, bỏ qua thái độ ậm ờ của anh.
Đó là lúc cả đám học trò chông chênh trong việc lựa chọn con đường đi tiếp sau khi học xong phổ thông. A. ôn thi đại học, với mong mỏi vào ngành sư phạm để có việc làm ngay khi ra trường, đỡ đần chuyện cơm áo cho gia đình. Một buổi chiều, khi A. đang cặm cụi bên chồng sách vở trong căn nhà quây bằng tôn nóng bức dưới cái nắng mùa hè miền Trung, một cô gái trong tấm áo bông hiện ngay trước cửa. Định thần một lúc, A. mới nhận ra Y. Bởi mười hai năm học cùng nhau, chưa bao giờ Y. đến nhà ai trong đám bạn, lại đi một mình. Một lẽ nữa, Y. lớn hẳn sau một năm đi ôn thi ở thành phố.
Tuấn Anh |
- Mình không hiểu sao một năm ở thành phố lại biến Y. thành một cô gái xinh xắn và mạnh dạn như vậy. Nhưng điều mình không tin được là Y. khuyên mình nên thi vào trường kinh tế. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà mình làm theo. Nếu Y. không ghé nhà chiều hôm đó, thì đời mình đã ở một hướng khác, không được như bây giờ! - A. không còn giữ giọng sôi nổi như lúc trước.
Anh định hỏi, với một người có ảnh hưởng đến cuộc đời mình như vậy, mà sao hơn 30 năm qua, A. không tìm cách liên lạc. Nhưng anh kịp giữ câu hỏi lại trong đầu, bởi cái thời lao đao khốn khó mấy chục năm ấy, dễ gì có được thông tin. Lại thêm Y. là người kín tiếng, phải khăn gói theo gia đình đi cả ngàn cây số từ miền Trung vào miền Đông lập nghiệp giữa vùng đất hẻo lánh, ít khi về thăm quê. Cái bôn ba kiếm sống đã xô dạt những mảnh đời ngày một xa ngái, biền biệt. Làm sao trách được? Nhưng cả anh và A. đều nhớ về Y. với những kỷ niệm thật đẹp, để đến hôm nay, hai đứa mới đủ thông tin và cơ hội đi tìm thăm bạn…
Thông tin định vị trên chiếc điện thoại thông minh báo đã đến điểm cần tìm. A. cho xe chạy chầm chậm và dừng trước ngôi nhà mái thấp, tường vàng, xây theo kiểu Pháp, có hai cây tùng vươn cao…, như Y. mô tả. Anh nghe tim mình giật nhẹ, và chắc A. cũng vậy. Hai vợ chồng Y. tươi cười bước ra tận cổng. “Xa lắc mà cũng tìm ra đúng nhà, giỏi thiệt!”, Y. bâng quơ, rồi mời khách ngồi quanh chiếc bàn gỗ lũa đặt trước hiên nhà. Nhìn Y. rót nước, anh thấy chạnh lòng và tự trách mình, sao lại cất công đi tìm chi vậy. Anh hụt hẫng bởi đâu còn bóng dáng một thiếu nữ trắng trẻo, xinh đẹp, dịu dàng thuở xưa. Mà đâu phải do nghèo khó. Bỗng anh chợt tỉnh: Ủa, mình cũng từng soi gương hằng ngày, tận thấy những sợi tóc trắng dần trên mái đầu, những vết chân chim hằn sâu trên mặt khi cười và bọng mắt dày lên; thì sao lại trằn trọc day dứt mãi với hình ảnh ngày xưa của Y. Ai rồi cũng bị những nhát roi rát bỏng của thời gian quật cho tơi tả, tàn lụi… Tự nhủ lòng vậy, nhưng anh vẫn thấy như bước hụt trong tiềm thức của mình. Ước chi!
Hai vợ chồng Y. dẫn khách đi lòng vòng trong rẫy vườn nhà. Khu vườn mênh mông, xanh mướt mát với những bơ, chôm chôm… được trồng ngay ngắn, chớm những chùm quả xanh lấp ló đầu mùa. Loanh quanh trong câu chuyện, anh mới biết vợ chồng Y. bươn chải vất vả với vườn rẫy mấy chục năm, để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn và làm vốn sau này… Giờ các con đi xa, lâu lâu mới về thăm nhà, đôi vợ chồng lại líu ríu bên nhau. Cả ngày quần quật ngoài vườn ngoài rẫy. Tối, chồng làm vài ly rượu với bạn bè rồi đi ngủ. Vợ chèo queo trên ghế với mấy chương trình trò chơi truyền hình hay hồi hộp dõi theo những tình tiết gay cấn của mấy bộ phim dài lê thê ở tận xứ Hàn, xứ Ấn… Cuộc sống bình yên nhẹ nhàng trôi, qua ngày qua tháng…
- Đang có một dự án lên quy hoạch với con đường đi ngang qua mảnh đất nhà mình. Nhà nước chuẩn bị đền bù! - Chồng của Y. lên tiếng sau khi cả bọn cùng nhau trở lại ngồi quanh chiếc bàn gỗ lũa; trên đó đã bày mấy món đồ ăn trưa, chừng như chủ nhà chuẩn bị sẵn để đãi khách quý lâu lắm mới gặp lại.
- Đất ở đây lên giá dữ lắm? - A. buông câu hỏi, như một thói quen.
- Lên giá từ khi có thông tin quy hoạch mấy năm trước kia. Dọc ngang miền Đông này, bữa nay giá đất nóng phừng phừng đó chớ! - Chồng của Y. đáp, giọng lên cao như để khẳng định thêm giá trị mấy héc ta đất rẫy của mình.
- Quanh đây còn miếng nào rộng rộng không? Không cần ở mặt tiền đường lớn, miễn có đường vô? - A. hào hứng với câu chuyện.
- Để mình gọi đứa em trai coi thử nghe! - Y. tiếp lời, rồi cầm máy gọi.
Lát sau, một trung niên xuất hiện cùng tiếng pô xe giảm dần. Em của Y. Cậu rụt rè ngồi ghé bên ghế khi thấy hai người khách lạ.
- Cậu không nhớ ai à? Bạn của chị hồi xưa ở quê đó! - Y. gỡ sự bỡ ngỡ trong người đàn ông.
Chồng Y. rót rượu ra mấy chiếc ly thủy tinh nhỏ nhắn:
- Nhân bữa trưa, có mấy bạn đến thăm, mình nâng ly chúc mừng hội ngộ chút! Cậu đi đâu mà lâu qua vậy?
- Em chờ vợ nấu cháo mang qua cho mẹ rồi mới sang đây luôn! - Em của Y. đáp lời, chưa vội cầm ly rượu anh rể chuyền qua.
- Mẹ của Y. cũng ở gần đây luôn à? - Anh ngạc nhiên.
- Cha mẹ mình cũng ở gần đây. Mẹ mới ở bệnh viện về, nên còn ăn cháo. - Y. nhỏ nhẹ.
Anh quên mất chuyện cả nhà Y. cùng vô miền Đông từ mấy chục năm trước, cứ nghĩ họ tản mát mỗi người một ngả, đâu biết…
- Lúc nãy bạn chị có hỏi cậu về mấy miếng đất, cậu dẫn đi coi được không? - Y. chuyển câu chuyện một cách đột ngột.
Nghe nói đến đất đai, em của Y. hào hứng lột thành một người khác:
- Chỉ còn hai miếng, nhưng hơi xa một chút. Mình đi xem luôn nghe!
Em của Y. đề nghị và xỏ chân vô dép. A. cũng lật đật đứng lên. Anh vẫn còn trôi theo câu chuyện về cha mẹ Y., nên ngập ngừng:
- Có đi ngang qua nhà cha mẹ Y. không, mình ghé thăm với?
- Qua ngả khác nên để xem đất xong lát về mình ăn trưa rồi đi thăm luôn! - Em của Y. đề nghị.
- Đợi ăn trưa luôn rồi đi xem đất được không cậu? - Trong giọng của chồng Y. có chút phật ý, vì mấy ly rượu rót ra vẫn nằm ngơ ngác trên bàn.
- Đất đang nóng mình đi coi liền rồi chốt, đồ ăn để đó không ai lấy đâu! - A. đùa, vừa quày quả ra mở cửa xe.
Y. với lấy chiếc nón rồi chạy theo cậu em, vói lại với chồng:
- Miếng đất ni em nghe nói hôm trước mà chưa kịp xem, em đi chút xíu về nghe. Anh ngồi lai rai với bạn em trước!
Một cơn choáng nhẹ thoảng qua đầu. Anh không kịp hình dung câu chuyện xoay chuyển nhanh như vậy.
- Anh em mình lai rai chút đi, chờ biết khi nào về! - Chồng Y. phá vỡ khoảng không yên lặng của buổi trưa, nâng ly rượu lên mời anh - Rượu nếp này do mẹ Y. nấu đó, để lâu rồi, uống có hậu lắm!
Vậy là đến xứ người, mẹ Y. vẫn giữ nghề nấu rượu, như bà từng làm để nuôi bầy con ăn học. Anh không hình dung nổi gương mặt bà qua năm tháng, nhưng bỗng nhớ cậu bé ngày xưa trong chiếc áo rách bươm ướt đẫm cùng với chiếc quần xà lỏn, rụt rè ngấp nghé sau giếng nhà Y. bán mấy lon lúa mà cậu mót được trong cả mùa gặt trên cánh đồng hợp tác xã, để mẹ Y. nấu rượu. Những đồng bạc lẻ bà hay cho thêm khi mua lúa, cũng đủ để cậu mua vở hay mấy ngòi bút lá tre. Cậu chỉ sợ nhất là Y. bắt gặp cậu trong bộ dạng đó, khi thoáng về nhà. Bây giờ, anh muốn gặp bà, trong dáng vẻ của một người đàn ông trung niên chững chạc, như một sự hàm ơn. Vậy mà…
Anh vô thức nâng ly rượu lên, ngửa mặt nuốt. Rượu nóng rẫy tê môi, chảy rần rật qua cuống họng rồi lan dần trong cơ thể đang rã rời, vỡ vụn từng mảnh giữa cái nóng ngột ngạt của trưa miền Đông.
Bất chợt, những hạt mưa to nặng ồ ạt trút xuống, gõ ầm ầm trên mái tôn và xô những vòm lá xanh nghiêng ngả. Đất bazan hun khô cả mùa nắng, gặp mưa đầu mùa, bốc những làn hơi nước lên cao, khét lẹt…
Bình luận (0)