'Đất nước có cường thịnh hay không thì phải nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp'

29/05/2024 10:11 GMT+7

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và cả những khó khăn mà doanh nghiệp ở lại đang phải đối mặt.

Sáng 29.5, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc với phần đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã đạt được; góp phần đưa nền kinh tế của Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra, nhất là với doanh nghiệp, cần giải pháp tháo gỡ kịp thời.

'Đất nước có cường thịnh hay không thì phải nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp'- Ảnh 1.
'Đất nước có cường thịnh hay không thì phải nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (trái) và Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận

GIA HÂN

Lần đầu tiên số doanh nghiệp gia nhập thấp hơn số rút lui

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) dẫn chứng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao: năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; 4 tháng đầu năm 2024 con số này là 86.300, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023.

"Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp", ông Thông nói, và cho rằng, thực trạng như trên là hết sức đáng suy ngẫm.

Vì sao số doanh nghiệp rời thị trường lớn như vậy? Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn đến mức cùng cực sau đại dịch Covid-19. Chưa kể, các chính sách, quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc.

Phân tích thêm về sự khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cho biết, đây là đầu tiên trong 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Qua tiếp xúc và nghiên cứu, kết quả cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đầu ra. Doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng quốc tế, sau dịch Covid-19 dù đã cải thiện nhưng hiện vẫn còn nan giải.

Tình trạng thiếu đơn hàng như đã nêu, cùng với giá cả tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu, dẫn tới doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.

Thậm chí, dù lãi suất ngân hàng liên tục giảm, duy trì ở mức thấp nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn, cho thấy khả năng hấp thụ vốn thấp, khó tăng trưởng cho tín dụng.

'Đất nước có cường thịnh hay không thì phải nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp'- Ảnh 3.

Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận sáng 29.5

GIA HÂN

Giải pháp nào tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp?

Để khắc phục bất cập và gỡ vướng cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục vấn đề thiếu lao động.

Đồng thời nghiên cứu chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí rủi ro cho doanh nghiệp; giải quyết vướng mắc về đất đai, nhất là xác định giá đất cụ thể.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà lưu ý, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách tài khóa nhằm phát huy tối đa nội lực từ thị trường trong nước như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thị nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Góp ý thêm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp phát triển.

Ông Khánh bày tỏ sự đồng tình cao việc Chính phủ đề xuất 3 luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn so với dự kiến. Việc này sẽ góp phần giải quyết cơ bản về nút thắt thể chế.

Đại biểu đoàn Lai Châu kiến nghị thêm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực; đẩy mạnh thực hiện các quy định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Đặc biệt, ông Khánh kiến nghị cơ quan tố tụng cần nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế; qua đó chia sẻ thông điệp không hình sự hóa các hoạt động dân sự, kinh tế, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp.

Đồng thời, sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương để có cơ sở triển khai các chính sách đang lấy lương cơ sở làm mức tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.