Dấu ấn của Thống đốc dân sự Nam kỳ đầu tiên

20/08/2016 07:38 GMT+7

Từ năm 1878, chức Thống đốc dân sự Nam kỳ được trao cho dân sự, không còn thuộc quân sự bổ nhiệm nữa. Ông thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers, nhiệm kỳ 1879 - 1883.

Thời gian Charles Le Myre de Vilers giữ chức Thống đốc Nam kỳ tuy ngắn nhưng ông đã thiết lập kế hoạch đô thị và để lại nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Sài Gòn. Có thể nói Charles Le Myre de Vilers có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển đô thị Sài Gòn trong giai đoạn ông nắm quyền và cả sau này.
Ông được bổ nhiệm với chỉ thị rất rõ: gia tăng xây các tòa nhà công cộng, mang lại cho không gian đô thị sức sống và phát triển hoạt động kinh tế. Trong vòng 4 năm Charles Le Myre de Vilers nhận trách nhiệm, nhịp độ xây cất mới ở Sài Gòn gia tăng nhanh chóng. Sự đầu cơ địa ốc và sự phát triển các hoạt động thương mại của các thương gia đã làm giá đất bán đấu giá tăng cao độ. Kế hoạch phát triển đô thị khu vực trung tâm thành phố được hình thành. Ông Charles Le Myre de Vilers sau đó lập ra một ủy ban nghiên cứu về giao thông đường biển, đường bộ. Ủy ban này được đặt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ quân y hải quân Lapeyrère, trong đó có đề án và kế hoạch làm đường xe lửa Sài Gòn - Phnom Penh.
Charles Le Myre de Vilers tách quyền hạn rõ ràng giữa dân sự và quân sự, làm rõ và cải tổ luật hình sự, thiết lập hội đồng thành phố và các hội đồng quận. Ông cũng là người sáng lập tập san Excursions et reconnaissances đăng các bài nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của các dân tộc ở Nam kỳ.
Le Myre de Vilers chống lại ý định của Pháp xâm chiếm Bắc kỳ (Tonkin) để làm địa bàn mở rộng buôn bán thương mại thông thương với thị trường nam Trung Quốc qua ngả Vân Nam và Quảng Châu. Vì thế, ông bị bãi nhiệm vào tháng 5.1882. Ông trở về Pháp năm 1883 mang theo nhiều hình ảnh quý giá về những công trình được xây dựng trong nhiệm kỳ của ông, trong đó có nhà thờ Đức Bà (xây từ 1877 đến 1880). Các hình ảnh này nằm trong kho lưu trữ Quai d’Orsay hơn 120 năm đến khi Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn công bố năm 2002.
Sau khi Le Myre de Vilers rời Sài Gòn, cơ sở hạ tầng Sài Gòn dưới thời Thị trưởng Sài Gòn Paul Blanchy được tiếp tục xây dựng. Đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho được hoàn tất và khánh thành năm 1885 do kỹ sư Thévenet thực hiện. Tháng 3.1891, bác sĩ Calmette thành lập Viện Pasteur ở Sài Gòn và cũng cùng năm 1891, Bưu điện thành phố được hoàn thành. Chính tại Viện Pasteur ở Sài Gòn, bác sĩ Calmette đã tìm được thuốc trị nọc rắn, cứu sống nhiều người.
Đời sống thị dân
Trong sách La Cochinchine française: la vie à Saigon, notes de voyage (xuất bản năm 1883), tác giả người Pháp Anatole Petiton đã viết về đời sống, sinh hoạt thành phố Sài Gòn giai đoạn cuối thế kỷ 19 sau khi ông đến thăm thành phố này như sau:
“Khi đi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy hai nhà nổi bật là Nhà Rồng và nhà của ông Vương Thái, xây hầu như ở giữa góc điểm của rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn. Tất cả Sài Gòn đều biết ông Vương Thái. Nhà của ông rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên, có thể nói nhà ông được coi như là trung tâm Sài Gòn”.
Đời sống thị dân Sài Gòn hiện ra rõ nét dưới mô tả của ông Petiton: “Khoảng 6 giờ sáng là Sài Gòn bắt đầu cuộc sống thành thị. Đến 10 giờ sáng là lúc nhân viên từ công sở đi ăn trưa cho đến 2 giờ chiều. Một số đọc sách báo, còn lại đa số ngủ trưa. Thành phố từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều rất vắng người vì mặt trời nắng. Lúc 2 giờ mọi người trở lại làm việc. Vào lúc 5 giờ chiều khi tiếng trống kẻng nổi lên, mọi người đủ loại giới, trí thức, thông ngôn Việt, hay Hoa vui vẻ hối hả ra khỏi nơi làm. Những người thông ngôn hay các trò học thông ngôn rất hãnh diện với vẻ quan trọng. Họ lãnh 100 franc mỗi tháng, đó là một số tiền lớn đối với công chức VN.
Lúc 5 giờ rưỡi là lúc cảnh sát ra về. Lúc này cũng là lúc có nhiều xe ngựa riêng của các chủ xe đi dạo đến vùng Chợ Lớn và Cầu Ông Lãnh. Khoảng 5 giờ rưỡi hay 6 giờ chiều là lúc giải trí đi dạo bằng ngựa hay xe ngựa. Đường đi dạo bằng xe ngựa thông thường nhất là đường đi Chợ Lớn cách Sài Gòn 5 km.
6 giờ chiều, những công nhân người Việt và Hoa chấm dứt giờ làm việc trong ngày, từng nhóm lớn đi về những ngoại ô đông dân, trải dài ở Cầu Ông Lãnh và Gò Vấp. Tôi nghe vài tiếng súng bắn báo hiệu cho tôi biết là các tàu chiến trong vũng mà tàu đang đậu bắt đầu kéo cờ xuống.
7 giờ rưỡi tối, kèn hiệu đi nghỉ được gióng lên: tất cả những người lính tốt đều đi ngủ.
Lúc 8 giờ tối, tiếng súng đại bác nói lên điều gì tôi cũng không biết; có thể là giờ cảng sông Sài Gòn đóng cửa.
Ban đêm ở Sài Gòn, không giống chút nào với Sài Gòn lúc ban ngày. Người Hoa với các loại lồng đèn đủ màu, các tiệm may, tiệm sửa giày... Các nhà chơi bài, các người bán hàng ăn rong lưu động làm cho thành phố có một dấu ấn đặc biệt đập vào mắt người ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.