Tôi nói: “Cơ quan bộ tham mưu chiến dịch đang chuẩn bị quyết tâm và kế hoạch tới theo hướng này, vậy thì điều chỉnh như thế nào?”.
Kể từ hôm đó, tôi cứ băn khoăn mãi về cách đánh. Làm sao diệt được địch đánh chiếm xong, vẫn giữ được thế trận làm chủ trên tuyến biên giới. Chứ như hiện nay, do khó khăn về địa hình, thời tiết, khả năng có hạn của ta và bạn ở biên giới, ta, bạn tiến công địch bỏ chạy, rồi sau đó quay lại, hình thái gần trở lại như cũ!
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh làm việc với chỉ huy Sư đoàn 5 (năm 1990). Từ trái sang: Bộ trưởng Lê Đức Anh, Lưu Phước Lượng (thứ 3) |
ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ |
Tháng 10 năm 1984, Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng trực tiếp về Phnôm Pênh, báo cáo Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh về quyết tâm và kế hoạch tác chiến mùa khô 1984 - 1985 trên hướng Bátđomboong. Ngồi trên máy bay trực thăng từ Bátđomboong về Phnôm Pênh, chỉ có hai thầy trò, đồng chí trao đổi với tôi đầy vẻ tự tin “quyết tâm sẽ được ông Sáu thông qua”, vì đồng chí Tư lệnh chiến dịch đã hiểu được phần nào ý định của cấp trên qua diễn tập vừa rồi.
Xuống máy bay, về ngay Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 719, tôi treo bản đồ chuẩn bị tài liệu để làm việc. Tư lệnh 719 và cơ quan có mặt đầy đủ. Mọi người vui vẻ và phấn khởi. Đồng chí Nguyễn Thới Bưng báo cáo và trình bày trên bản đồ đúng như nội dung đã làm việc và thống nhất với Tư lệnh Quân khu. Sau đó đồng chí Trần Văn Nghiêm – Tư lệnh Quân khu phát biểu bổ sung một số điểm, chủ yếu là đối phó của địch khi bị tiến công, hình thái bố trí các lực lượng của ta nhất là các chốt, các điểm tựa tạo lợi thế khi tiến công. Sau đó cơ quan tham mưu tác chiến của Mặt trận 719 hỏi thêm một số nội dung cần thiết.
Trong suốt hơn một giờ, tôi thấy đồng chí Tư lệnh 719 không ngồi, mà cứ đi lại chăm chú xem nhiều điểm trên bản đồ, trầm ngâm, tôi có cảm giác ông đang suy nghĩ một điều gì. Thỉnh thoảng cứ kéo lưng quần lên cao. Nhiều đồng chí ở các Mặt trận thường nói “động tác” kéo lưng quần lên cao của Tư lệnh thể hiện điều gì đó không hài lòng.
Quả đúng như vậy! Sau khi hỏi mọi người còn ý kiến gì không, ông không kết luận mà nêu lên một nhận xét thật bất ngờ! Ông nói: “Đánh như thế này sẽ không thành công”! Sau đó, phân tích kỹ lại âm mưu thủ đoạn của địch, nhất là thủ đoạn cụ thể khi bị tiến công. Ông kết lại diễn biến trên các mặt trận để chứng minh cho những lập luận của mình. Sau đó không nói dài, ông kết luận: Phải chuẩn bị lại! Theo hướng giảm thiểu thương vong của ta và phải diệt được địch, bắt được tù binh, không cho chúng chạy sang bên kia biên giới khi bị ta tiến công. Để đạt được yêu cầu này phải tập trung làm cho được hai việc: 1. Bí mật vô hiệu hóa hệ thống vật cản của địch, bao gồm các bãi mìn trên hướng tiến công, có thể dùng bộc phá mở cửa đánh chiếm đầu cầu, để xung kích nhanh chóng phát triển vào tung thâm. 2. Đây là điều rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thành công cách đánh này: phải bí mật trinh sát, tạo vành đai bao vây bằng mìn ngay phía sau căn cứ của địch, về phía biên giới. Cuối cùng ông khẳng định, phải tổ chức huấn luyện lại bộ đội theo các yêu cầu nêu trên, và cho hoãn thời gian tiến công tiếp tục chuẩn bị, đánh thắng, đạt hiệu quả cao. Mới đầu, nghe Tư lệnh phát biểu mọi người đều lo âu, song đến khi ông chỉ ra hai yêu cầu, cùng các việc phải làm. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm, vững tin. Bản thân tôi vô cùng khâm phục người chỉ huy đầy tính thực tiễn và sáng tạo, nói ngắn gọn, sâu sắc mà dễ làm.
Lễ đón các đơn vị từ Campuchia hoàn thành nhiệm vụ trở về (căn cứ Trảng Lớn, 9.1989). (Lưu Phước Lượng thứ 4, từ phải sang) |
ảnh: tư liệu của tác giả |
Gần nửa tháng bổ sung quyết tâm và kế hoạch tác chiến, chuẩn bị lại chiến trường, tổ chức huấn luyện bổ sung cho bộ đội. Cuối tháng 10 năm 1984 và sang tháng 1 năm 1985 các đơn vị của Sư đoàn 330 và 196 (của bạn) đã lần lượt tiến công, đánh chiếm các mục tiêu được giao, làm chủ hoàn toàn tuyến biên giới từ Ô đa đến Chamkachrâu. Trong đó nổi bật là hai trận đánh lớn, trận đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 11 của địch ở Chamkachrâu, giải phóng được một tuyến biên giới dài, cắt đứt hành lang quan trọng nhất của địch, xóa bỏ cửa khẩu 401, Chămkachrâu, Kravang… Và trận đánh chiếm căn cứ Sóc San của Quân khu Nam Sêrâyka, chiếm cửa khẩu 301, triệt tiêu hoàn toàn địa bàn giáp ranh giữa Pôn Pốt và Sêrâyka, cắt đứt hành lang từ biên giới Tà Sanh đi Mung, vào khu vực đường 5. Đây là trận đánh hiệu quả cao nhất, thực hiện đầy đủ nhất cách đánh mà Tư lệnh 719 đã xác định.
Trong tháng 5 năm 1985, đồng chí Nguyễn Thới Bưng được trên bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu, sau đó tôi được điều động về Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu, giữ chức Phó Chánh văn phòng kiêm Thư ký cho Tư lệnh. Mấy năm làm trợ lý cho đồng chí Nguyễn Thới Bưng trên chiến trường Campuchia, tôi đã phần nào hiểu được “tình ý” của ông. Đặc biệt là cách tiếp cận thực tiễn công việc, với phong thái: chăm chú lắng nghe, chất vấn kỹ những “nút thắt” trong toàn bộ chuỗi công việc. Phong thái này gắn liền với phương pháp: nghe kỹ có hệ thống diễn biến tình hình, rút ra mấu chốt của vấn đề đồng thời xác định những giải pháp và biện pháp cụ thể. (còn tiếp)
Bình luận (0)