Dấu ấn cuộc đời: Những điều mắt thấy tai nghe ở Trung Quốc và Triều Tiên

18/03/2022 18:24 GMT+7

Gần cuối năm 2002, tôi được tham gia Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên do đồng chí Lê Văn Dũng (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn đầu.

Đến Trung Quốc, qua làm việc và đi tham quan các đơn vị quân đội, các danh lam thắng cảnh, tôi cảm nhận kinh tế thị trường đã tác động rất sâu rộng vào xã hội Trung Quốc.

Tác giả cùng đoàn lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc năm 2002 (Lưu Phước Lượng thứ nhất, từ phải sang).

ẢNH TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Cái tôi nhìn thấy được rõ nhất, những di tích lịch sử như: Cố cung, Vạn lý trường thành, Thập tam lăng… mà tôi đã đến tham quan năm 1974, giờ đây đã khác đi rất nhiều. “Hàng quán” đầy ắp, bán buôn ở khắp mọi nơi, không trật tự “kín cổng” như trước đây. Từ đó tôi suy nghĩ về đất nước mình, chắc cũng trong hoàn cảnh như vậy! Kinh tế thị trường là tốt, là điều kiện để đất nước phát triển, song phải lường hết những khó khăn để không phải giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Trong làm việc tôi rất chú ý đến thái độ của cán bộ lãnh đạo Trung Quốc về tình hữu nghị với Việt Nam, nói nhiều về sự gắn bó Trung Quốc - Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây. Cái tôi quan tâm là thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Họ nói chung chung, như trên báo chí, các hoạt động đối ngoại của cả hai bên. Còn thực chất như thế nào, diễn biến tình hình trong thời gian dài đã nói lên tất cả! Tôi chỉ ghi nhận mong muốn của cả ta và bạn là mọi việc diễn ra với yêu cầu cao nhất: Trong mối quan hệ, tình hình dịu đi và không căng thẳng. Những gì xảy ra sau đó đã trả lời cho tất cả chúng ta.

Một đất nước "kín đáo"

Rời Trung Quốc đoàn sang thăm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đón đoàn là đồng chí Phó chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên. Trải thảm đỏ từ cầu thang máy bay, duyệt đội danh dự.

Sau đó chúng tôi về nhà khách chính phủ, một nơi kín đáo, phong cảnh đẹp hài hòa giữa thiên nhiên với không gian tĩnh lặng. Điện thoại di động hoàn toàn không sử dụng được. Mọi liên lạc với bên ngoài đều phải qua sự chuyển tiếp của sứ quán Việt Nam. Ngay trong đoàn cũng chỉ liên lạc được qua điện thoại nội bộ ở phòng nghỉ. Bắc Triều Tiên lúc đó kín đáo, “ẩn dật” là như vậy. Tôi rất ngạc nhiên khi được biết, người dân ở ngoài Thủ đô Bình Nhưỡng muốn vào thành phố phải có giấy giới thiệu. Thủ đô với nhiều vọng gác kiểm soát người ra vào một cách nghiêm ngặt. Trên đường phố thủ đô, thanh niên đi xe đạp không được chở phụ nữ. Thủ đô Bình Nhưỡng về đêm chỉ với những ánh đèn leo lét ở từng căn hộ; những tượng đài tôn vinh lãnh tụ và những nơi công cộng được thắp sáng và trang hoàng rực rỡ.

Tác giả (bìa trái hàng thứ nhất ) trong đợt nhận quân hàm cấp Tướng năm 1999

ẢNH TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Còn nhiều vấn đề nữa, song tôi nghĩ một đất nước đang “lo sợ” sự xâm lược tấn công của Mỹ, bảo vệ chế độ, họ phải có những giải pháp đặc thù riêng biệt, thể hiện rõ nhất trong đường lối chính trị. Trong làm việc với đoàn, cán bộ lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên đã khẳng định: “…đường lối chính trị của chúng tôi, là ưu tiên quân sự…” như vậy là rất rõ ràng.

Trong những lúc riêng tư khi dự chiêu đãi, tôi cảm nhận, cán bộ quân đội Triều Tiên cũng rất quan tâm đến đổi mới của Việt Nam. Họ hỏi nhiều về thành quả mà Việt Nam đã đạt được. Mặc dù không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, tôi vẫn có một lời “tư vấn” cởi mở với các bạn chỉ huy Quân đội Triều Tiên: Có điều kiện, các đồng chí nên sang Việt Nam ở đó có nhiều điều thú vị và bổ ích. Chúng tôi thấy còn phải phấn đấu nhiều, nhưng chúng tôi đi đường hướng vì lợi ích của dân tộc.

Chuyến đi nước ngoài cùng lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã bồi dưỡng cho tôi những vấn đề cần nghiên cứu thêm trong quan hệ với Trung Quốc mà lâu nay tôi chỉ đọc được trên sách báo, các công văn chỉ thị, nghị quyết, những lời phát biểu của cấp trên. Còn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một sự thật “mắt thấy tai nghe”, lâu nay không được phổ biến một cách cặn kẽ để hiểu rõ bản chất của vấn đề. (còn tiếp)

(Trích Dấu ấn cuộc đời, NXB Quân đội Nhân dân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.