Về phía Việt Nam, tham dự lễ đón tàu có đại diện Bộ đội biên phòng TP.HCM, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Ban Chỉ huy biên phòng Cửa khẩu cảng TP.HCM và Sở Ngoại vụ TP.HCM. Dẫn đầu đoàn ngoại giao Đức là TS Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam.
Tàu chiến Bayern của Đức vào cảng Nhà Rồng |
Độc Lập |
Chuyến thăm của tàu Bayern sẽ kéo dài đến ngày 9.1. Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến Đức đến Việt Nam kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ. Sau khi rời cảng theo kế hoạch, khinh hạm Bayern dự kiến sẽ diễn tập chung với Hải quân Việt Nam.
Chia sẻ với Thanh Niên nhân dịp này, Đại sứ Hildner cho rằng chuyến thăm thể hiện chất lượng rất cao trong quan hệ đối tác Đức - Việt Nam, và là tầm quan hệ đối tác mà cả hai nước đều đang muốn tiếp tục phát triển trong tương lai. Chuyến thăm cảng TP.HCM và điểm đến trước đó Singapore cũng là 2 điểm đến duy nhất tại ASEAN trong sứ mệnh của tàu Bayern.
Mặt khác, sự kiện tàu Bayern đến TP.HCM thể hiện nỗ lực và sự quan tâm của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đại sứ Hildner cho biết một trong những cơ sở rất quan trọng là hai bên đều thống nhất ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Trong đó, Đức khẳng định Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 là khung pháp lý bao trùm và có hiệu lực quốc tế đối với tất cả hoạt động tại các biển và đại dương.
Đại sứ Hildner |
Trên cơ sở này, chuyến hải trình của tàu Bayern đi qua Biển Đông là một trong những động thái rất quan trọng, cho thấy việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và rộng hơn nữa là Indo-Pacific không chỉ là công việc riêng lẻ của những quốc gia tại khu vực. “Chuyến thăm lần này thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của Đức đối với các nguyên tắc liên quan đến tự do hàng hải và trật tự dựa trên UNCLOS 1982”, theo TS Hildner.
Trước câu hỏi của Thanh Niên về việc liệu sứ mệnh của tàu Bayern có đại diện cho sự chuyển biến trong chiến lược an ninh chung của EU về khu vực Indo-Pacific hay không, Đại sứ Hildner cho biết: “Câu trả lời của chúng tôi là có”. Ông cho hay, tháng 9.2020, chính phủ Liên bang Đức thông qua Định hướng Indo-Pacific, đóng vai trò chiến lược trong chính sách an ninh của Đức.
“Chúng tôi luôn hiểu rằng chiến lược của chúng tôi vào tháng 9.2020 là cú hích, mở đường cho chiến lược chung của EU. Đến tháng 10.2020, EU công bố chiến lược của khối, cụ thể là Định hướng Indo-Pacific”, theo TS Hildner. Và chuyến thăm của tàu Bayern cũng nằm trong khuôn khổ chiến lược chung của cả khối.
Bình luận (0)