Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại Lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh vào chiều 31.10.2022 |
TTXViệt Nam |
Năm bận rộn trong chính sách đối ngoại
NVCC |
2022 là một năm rất bận rộn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam khi đại dịch dường như đã qua đi. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính thì công du Mỹ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đi thăm nhiều cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Úc. Tất cả thể hiện khi Việt Nam tiếp tục cân bằng các mối quan hệ để không rơi vào thế “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Việt Nam cũng tiếp tục hoạt động tích cực trong ASEAN và tại Liên Hiệp Quốc.
Chuyên gia Murray Hiebert (Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ)
Nhiều chuyến công du ý nghĩa
NVCC |
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, đa phương. Trong nỗ lực cân bằng chính sách đối ngoại, các lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện một số chuyến công du nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Như đầu tháng 11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc, hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đối với cả hai cuộc gặp này đều có ý nghĩa quan trọng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng hoạt động rất tích cực trên trường quốc tế trong năm 2022 khi đến Mỹ để tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vào tháng 5, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia; thăm Hà Lan, Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels vào tháng 12.
Tháng 11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 tại Campuchia, thăm Philippines, Úc và New Zealand.
Hoạt động đối ngoại tổng thể của Việt Nam trong năm 2022 đã được khôi phục ở mức cao sau những năm đại dịch và hướng tới tiếp cận với nhiều đối tác trong khu vực.
PGS Ekaterina Koldunova (Khoa Nghiên cứu châu Á - châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, Nga)
Quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục tích cực
NVCC |
Nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Trong khi đó, thái độ chính trị ở Mỹ về Trung Quốc lại có chiều hướng ngược lại. Vì thế, một trong những mối quan tâm của tất cả đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á là làm thế nào để tránh bị kéo vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ mang tính xây dựng với Việt Nam.
Nhưng vấn đề không phải là quan hệ giữa hai quốc gia, mà vấn đề có thể là khoảng cách trong cách mỗi quốc gia nhìn nhận bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở châu Á.
TS John Hamre (Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, Chủ tịch CSIS)
Ngoại giao độc đáo
NVCC |
Việt Nam có những sự khác biệt về lập trường ngoại giao với phương Tây. Trong khi đó, sự gia tăng đối đầu Mỹ - Trung cũng như căng thẳng giữa phương Tây với Nga tạo ra nhiều thách thức.
Vì thế, nhiều người cho rằng chỉ có chọn lựa giữa ranh giới Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc và Nga, nhưng thực tế có nhiều sắc thái hơn. Với vị trí ngoại giao độc đáo của Việt Nam, Việt Nam kết nối để có thêm thông tin về vị trí chiến lược thực sự của các quốc gia trong khu vực cũng như các nước châu Âu tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có lẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với nhiều bên, hướng đến điều chỉnh kịp thời lập trường để phù hợp với tình hình thực tế.
PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)
Đa dạng hóa các quan hệ chiến lược
NVCC |
Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm gần đây để trở nên tự chủ hơn, đồng thời cũng thận trọng để tránh rơi vào các khó khăn.
Tất nhiên, bài toán lớn nhất cho Việt Nam sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng với các quốc gia đang cạnh tranh lẫn nhau đến mức nào và làm thế nào để không rơi vào các tình huống khó xử.
GS Ryo Hinata-Yamaguchi (Đại học Tokyo, Nhật Bản)
Bình luận (0)