Đặc biệt, các tác phẩm: Tự nhiên say, Trăng trong cõi và Sau những ngày mưa của 3 bạn sinh viên 9X đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trong buổi giao lưu ngày 8.9.
Những góc nhìn mới về quá khứ và hiện tại
Đề tài về đời sống và văn hóa ở khu vực miền Tây sông nước vốn rất quen thuộc đã được khai thác qua góc nhìn mới mẻ và tươi trẻ của tác giả Phát Dương (23 tuổi, hiện là sinh viên ngành văn học, Trường ĐH Cần Thơ). Trong tác phẩm đầu tay Tự nhiên say của mình, Phát Dương đã khắc họa dòng chảy cuộc sống hiện đại đang hối hả, làm thay đổi nhanh chóng đời sống của người dân miền quê sông nước. Nhưng ẩn sau những hào nhoáng, xô bồ, toan tính lạnh lùng đó, miền Tây vẫn bàng bạc tình người.
tin liên quan
Phóng viên Hạ Anh Báo Thanh Niên đoạt giải nhất Sáng tác văn học tuổi 20 lần IIICòn trong tác phẩm Sau những ngày mưa, tác giả Phạm Thu Hà (đang học tại khoa Viết văn - Báo chí Trường đại học Văn Hóa Hà Nội) chọn nhập vai vào một cô gái độ tuổi 20 đi theo đoàn tổ chức hội chợ lưu động sau những đổ vỡ gia đình, để tìm ra cách tha thứ cho mình và người lớn. Đặc biệt, Hà có viết nhiều đoạn tả cảnh theo xu hướng văn học sinh thái (là sự kết hợp giữa khoa học và văn học, có chức năng cảnh tỉnh người đọc về thái độ và cách đối xử với tự nhiên) được độc giả đánh giá cao.
Không viết về cuộc sống hiện thực, tác giả Phạm Thúy Quỳnh (21 tuổi, đang học và sinh sống tại Hà Nội) đã chuyển hướng viết sang đề tài lịch sử với tác phẩm Trăng trong cõi. Không chỉ kể về những người sống trong thời đại của mình nhưng luôn đau đáu với một quá khứ cần giữ gìn, Quỳnh còn mở ra những góc nhìn khác về vị vua Lê Long Đĩnh, vẽ nên câu chuyện cuộc đời đầy biến động của Bá Đa Lộc,... giúp độc giả có thêm góc nhìn mới về lịch sử.
Được so sánh là một vinh dự
Trong buổi giao lưu 3 tác giả Phát Dương, Phạm Thu Hà, Phạm Thúy Quỳnh đã nhận được nhiều câu hỏi thú vị về những thử thách trong quá trình sáng tác từ độc giả.
Bạn Phát Dương đã chia sẻ suy nghĩ khi tác phẩm của mình được so sánh với tác giả Nguyễn Ngọc Tư - một cây bút lớn chuyên viết về miền Tây sông nước: "Em nghĩ một tác giả mới ra mắt tác phẩm đầu tay được so sánh với nhà văn tên tuổi thì đó là một vinh dự. Còn việc có tạo được sự khác biệt trong sáng tác văn học hay không, em nghĩ nên để thời gian trả lời. Riêng em quả thực có bị ảnh hưởng phong cách sáng tác của các nhà văn đi trước, nhưng may mắn cũng được nhiều bạn đọc nhận xét là có nét riêng...".
Còn Thúy Quỳnh cho biết trước khi đưa ra góc nhìn cá nhân về vua Lê Long Đĩnh, Quỳnh đã dành nửa năm nghiên cứu kỹ các tài liệu lịch sử uy tín, sau đó dành 2 tháng hoàn thành tác phẩm để có thể truyền tải góc nhìn mới về vị vua này, qua đó hun đút tình yêu lịch sử, quê hương trong giới trẻ.
Về dòng chảy sinh thái trong văn học, bạn Thu Hà cho biết: "Những năm gần đây, vấn đề sinh thái không còn xa lạ trong văn chương. Và trong tác phẩm của mình, em chủ yếu khai thác không gian vùng biển và vùng núi theo góc nhìn riêng. Chẳng hạn về vùng núi là nỗi băn khoăn khi ngành du lịch phát triển, tạo ra những cơ hội tiếp xúc với khoa học công nghệ nhưng cũng tạo ra vết thương cho người dân bản địa. Nhất là khi tình trạng có con lai giữa du khách với cô gái bản địa ngày càng nhiều, vô tình tạo nên những vấn đề nhức nhối trong xã hội".
Bình luận (0)