Dấu ấn Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, 1 trong 19 thánh đường đẹp nhất thế giới

25/05/2020 18:57 GMT+7

Nhà thờ Đức Bà TP.HCM vừa được báo Mỹ đánh giá là 1 trong 19 thánh đường đẹp nhất trên thế giới . Với nhiều người, nơi này ghi dấu nhiều kỷ niệm của tuổi trẻ .

Trung tâm xanh mát của thành phố

Nhiều khi không có việc gì nhất định, nhưng khi rảnh rỗi và đang trên xe máy, thế nào Nguyễn Thị Ngọc Hà, 20 tuổi, sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng chạy vòng qua khu vực Nhà thờ Đức Bà. "Vốn sợ cảm giác đông đúc, kẹt xe, tắc đường, tôi thích cái thoáng đãng của khu trung tâm thành phố lúc này. Phía trước nhà thờ rất cổ kính, đường phố sạch sẽ và nơi này rất nhiều cây xanh, quần thể kiến trúc xung quanh của nhà thờ như bưu điện, những hàng cây cổ thụ, tất cả tạo nên không gian rất dễ chịu", Hà nói.

Nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM nhìn từ flycam

Trong những ngày cách ly xã hộiCovid-19, đường phố xung quanh Nhà thờ Đức Bà vắng lặng

Ảnh Thúy Hằng

Nhiều lần dẫn những người bạn nước ngoài tới thăm Nhà thờ Đức Bà, vì đang trong quá trình nhà thờ đang tu sửa, không được vào bên trong, đứng bên ngoài Hà cũng có thể cảm nhận được sự cổ kính, trầm mặc của công trình này. "Bạn của tôi là một người theo đạo công giáo, nhiều lần vào bên trong nhà thờ, bạn cho tôi xem những tấm ảnh chụp kiến trúc, ánh sáng phía trong, quả thật rất đẹp. Các tối cuối tuần ở đây cũng có các buổi giảng bằng tiếng Anh nên cũng thu hút rất đông du khách nước ngoài", Hà kể lại.

Cứ tới TP.HCM là phải tới Nhà thờ Đức Bà

Làm việc ở Hà Nội, cứ mỗi lần hẹn gặp bạn bè trong TP.HCM, dù có thể gặp nhau cà phê ở nhiều nơi nhưng Trần Thu Hằng, 30 tuổi, nhân viên công ty truyền thông tại tòa nhà Toyota Mỹ Đình, thường không thể không tới khu vực Nhà thờ Đức Bà. “Tôi thích tới đó nhất vào các buổi chiều, lúc này trời rất mát, ngồi dưới những tán cây ở xung quanh đó, nhìn sang phía Nhà thờ Đức Bà cổ kính rồi nhâm nhi ly cà phê sữa đá, ít bánh tráng trộn, bánh tráng nướng với bạn bè. Quanh tôi cũng rất nhiều người trẻ, mọi người ngồi tụm thành từng nhóm, rôm rả chuyện trò, tôi thấy không khí có cái gì đó rất là đặc trưng của thành phố này”, Hằng kể.
Còn Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM, thành viên trong một CLB học tiếng Anh, không còn xa lạ với Nhà thờ Đức Bà hơn 2 năm nay. Điểm đến Nhà thờ Đức Bà luôn có trong hành trình của cô và các bạn cùng một số du khách nước ngoài tới thăm và học về lịch sử, tiếng Anh qua các chuyến đi. 

Với nhiều du khách, cứ tới TP.HCM là phải tới Nhà thờ Đức Bà

Ảnh Phạm Hữu

“Chúng tôi thường đi vào buổi sáng, khi thời tiết của thành phố mát mẻ, mọi người có thể thoải mái tản bộ. Mỗi khi đứng trước Nhà thờ Đức Bà tôi thường có một cảm giác 'mình đang đứng giữa TP.HCM rồi, thành phố mình từng ao ước được đi học và đi làm đây rồi', tôi luôn nghĩ như thế”, Ngọc chia sẻ.

Ước mơ được lên TP.HCM để tới Nhà thờ Đức Bà

Phạm Nhật Vũ, 34 tuổi, quê Tiền Giang, làm việc trong ngành quảng cáo tại đường Cách mạng tháng tám, Q.3, TP.HCM còn nhớ nguyên cảm giác của mười mấy năm trước, khi internet chưa phát triển, anh và các bạn chỉ biết về Nhà thờ Đức Bà qua trang sách báo và những lời kể của anh chị đã lên TP.HCM đi học ĐH.
“Trí tưởng tượng của tôi về nhà thờ như một công trình hoành tráng, cổ kính của thành phố, lúc nào tôi cũng ước, nếu được lên TP.HCM sẽ tới ngay Nhà thờ Đức Bà. Mãi đến năm 2006, tôi rời quê bắt đầu lên thành phố học cùng bạn bè, lúc ấy khu nhà thờ, cà phê bệt công viên 30.4 là điểm đến rất nổi tiếng trong giới trẻ. Nhà thờ Đức Bà là một trong những điểm đến chơi đầu tiên của tôi và bạn bè trên đất Sài Gòn. Cứ thế mỗi tối, mỗi sáng cuối tuần hoặc không có lý do gì, chúng tôi đều kéo nhau ra xung quanh nhà thờ chỉ để… ngồi. Ngồi ngắm xe qua lại, ngồi tán dóc, thậm chí là ngồi cho hết thời gian buổi tối rồi đi về. Ngày đó khu nhà thờ cổ kính được xem là điểm vui chơi không thể thiếu của tụi sinh viên, bởi đồ uống giá rẻ, sinh viên vốn ít tiền mà...", anh Vũ bộc bạch.

Ban đêm sôi động trước Nhà thờ Đức Bà

Ảnh Phạm Hữu

Một thời hoàng kim của thiệp Giáng sinh, năm mới

Mỗi lần chạy xe ngang Nhà thờ Đức Bà TP.HCM, anh Nguyễn Vũ Phước, ông chủ của thiệp Kiến Vàng năm nào lại thấy bâng khuâng. Bao ký ức tươi đẹp nhất của tuổi trẻ với một thời hoàng kim của thiệp Giáng sinh, năm mới trở về như mới ngày hôm qua.
Anh Phước cho biết từ năm 1993, thiệp bắt đầu được bày bán trên vỉa hè khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà TP.HCM, phía đường Nguyễn Du gần với bưu điện và phía bên trường Hòa Bình. Những tấm thiệp đủ kiểu cho dịp Giáng sinh, năm mới được người ta mua tặng nhau. 

Anh Phước (trái) cà phê với bạn ở vườn hoa trước Nhà thờ Đức Bà TP.HCM mới đây

Ảnh NVCC

Những năm sau 1993 là thời điểm rực rỡ của thiệp giấy, người bán thiệp rất đông, có thời điểm cả trăm người bán tập trung quanh khu vực này để cung cấp số thiệp khổng lồ cho nhiều người dạo chơi nơi này mỗi tối. Hay những năm 2000 có cả triển lãm thiệp trong tòa nhà sang trọng ở góc phố này tạo nên nét văn hóa cho khu vực quảng trường nhà thờ.
“Trước Giáng sinh và năm mới luôn là những thời điểm quanh Nhà thờ Đức Bà đông vui, nhộn nhịp nhất. Người ta không được chạy xe vào đây, phải gửi xe từ xa rồi đi bộ. Bạn cứ tưởng tượng đông vui giống như người hâm mộ tập trung ngoài đường phố xem đội tuyển Việt Nam vào tới chung kết U.23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc vậy. Đông vui nhưng rất trật tự. Dạo chơi, ngắm cảnh, nói bao chuyện rôm rả, người trẻ ngày ấy còn có một thói quen rất đặc biệt dịp trước Giáng sinh đó là mua những bịch kim tuyến làm từ giấy màu các loại cắt nhỏ xíu, để tung lên đầu nhau rồi cười vui vẻ...”, anh Phước hồi tưởng.
Theo bài đăng trên báo Business Insider (Mỹ), Nhà thờ Đức Bà TP.HCM được mô phỏng theo Nhà thờ Đức Bà ở Paris, là một trong 19 thánh đường đẹp nhất trên thế giới.
Theo đó, Nhà thờ Đức Bà TP.HCM được xếp chung nhóm với một số nhà thờ của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhà thờ thánh John the Divine ở thành phố New York (Mỹ); Nhà thờ chính tòa Milano ở Milano (Ý); Nhà thờ chính tòa Saint Sebastian ở Rio de Janeiro (Brazil); Nhà thờ Đức Bà ở Ottawa (Canada); Nhà thờ Ký túc xá ở Moscow (Nga)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.