Qua những tấm bản đồ và hình ảnh người Đà Lạt có thể “khám phá” sự phát triển và đổi thay của Đà Lạt trong hành trình 120 năm. Đây là công trình sưu tầm, sao lục trong thời gian dài của hai chuyên gia người Pháp là Olivier Tessier và Pascal Bourdeaux. Bên cạnh đó có sự phối hợp giữa Trung tâm Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và Bảo tàng Lâm Đồng. Tại lễ khai mạc triển lãm, ông Jean- Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam tiết lộ: “Triển lãm hoàn chỉnh này là ý tưởng của ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Chính ông Chủ tịch đã đề xuất, liệu có thể tìm kiếm, nghiên cứu tại các trung tâm lưu trữ của Pháp, để nhân dân Đà Lạt có cơ hội được khám phá một phần chưa biết của lịch sử thành phố”. Vâng, xin cảm ơn người đưa ý tưởng, xin cảm ơn Ngài Đại sứ Pháp, cảm ơn các chuyên gia người Pháp và các cơ quan liên quan đã để lại dấu ấn văn hóa đậm nét, đáng trân trọng trong quan hệ Việt- Pháp qua việc thực hiện “Đà Lạt- bản đồ sáng lập thành phố’’ như một món quà mừng Đà Lạt 120 năm.
Tiếp đó, tại Book Café Phương Nam Đà Lạt (một ngôi nhà kiểu Pháp), buổi giới thiệu cuốn sách “Yersin: Dịch hạch và thổ tả” đã thu hút đông đảo người Đà Lạt đến dự. Mặc cho trời giá lạnh nhưng nhiều người trong bộ vét tông chỉn chu hoặc khoác áo măng-tô đeo caravat chỉnh tề tiến vào Book Café; đến dự không chỉ những người luống tuổi ở Đà Lạt có chút “hơi hớm” với văn hóa Pháp trước đây, mà có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, giáo viên, sinh viên… Do quá đông nên Book Café phải kê thêm ghế quanh phòng. Nhiều người đàm luận với Patrick Deville tác giả cuốn sách để hiểu quá trình tìm kiếm tài liệu viết tác phẩm “Yersin: Dịch hạch và thổ tả”; có một vài từ ngữ trong cuốn sách cũng được “mổ xẻ” cặn kẽ. Qua đây cho thấy người Đà Lạt rất trân trọng văn hóa đọc, rất quí trọng tác giả cuốn sách và cũng rất mực kính trọng bác sĩ Yersin, một người đã góp phần khai sinh Đà Lạt 120 năm trước. Khung cảnh Book Café đêm ấy thật ấm cúng và chan chứa tình hữu nghị Pháp- Việt. Đây là dấu ấn văn hóa khó thể phai nhòa, cho thấy người Đà Lạt không chỉ quan tâm đến cuốn sách mà còn muốn vun đắp thêm dấu ấn văn hóa trên mảnh đất được mệnh danh là “Pari thu nhỏ” này.
Ông Xavier Darcos, Chủ tịch Viện Pháp thổ lộ: “Đây là lần đầu tôi đến Đà Lạt. Tôi rất ấn tượng vì Đà Lạt tuyệt đẹp, nơi đây vẫn còn dấu ấn Pháp đậm nét qua các công trình nhà ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại I, II, các khu biệt thự An Mandara Villas Dalat (đường Lê Lai, TP. Đà Lạt), Cadasa (Trần Hưng Đạo)…vẫn được gìn giữ nguyên vẹn”. Ông Xavier Darcos nhấn mạnh, Đà Lạt trước là trung tâm đào tạo, giáo dục với nhiều trường học Pháp, không chỉ đào tạo nhân lực cho Việt Nam mà cả các khu vực Đông Dương. Đà Lạt đang qui hoạch mở rộng thành phố đến năm 2050, Pháp hoàn toàn ủng hộ Đà Lạt phát triển theo hướng này, vì đây cũng là dấu ấn văn hóa cần gìn giữ và phát huy trong quá trình qui hoạch mở rộng thành phố trong tương lai. Các hoạt động năm Pháp tại Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đã khép lại nhưng những dấu ấn văn hóa thì khó phai nhòa.
Lâm Viên
Bình luận (0)