|
|
Từ kỹ sư điện thành đầu bếp
“Tôi sang Mỹ theo gia đình hơn 30 năm rồi. Ban đầu ở New York. Lúc mới sang, tôi vừa đi học và làm thêm ở nhà hàng để có tiền trang trải. Chuyên ngành của tôi là kỹ sư điện, và tôi cũng nghĩ rằng tốt nghiệp xong tôi sẽ theo ngành này. Nhưng không ngờ càng làm ở nhà hàng, tôi càng thích công việc nấu bếp, đam mê tìm hiểu để chế biến các món ăn”, anh Phi Lâm mở đầu.
Sau đó anh bỏ ngang đại học, bắt đầu đi học nghề nấu bếp với người thầy đầu tiên trong một nhà hàng Nhật. Lúc này anh đã chuyển sang Oklahoma ở cùng bạn bè vì không chịu được cái lạnh ở New York. “Khi tôi làm việc ở nhà hàng Nhật này, ông chủ tôi cũng là bếp trưởng có lẽ thấy tôi chăm chỉ quá mức bình thường của người phụ việc, đã hỏi tôi có thích học nghề không thì ông truyền cho. Nếu học phải nghiêm túc chứ ông không muốn mất thời gian của cả hai”, anh kể.
5, 6 năm theo học bếp trưởng người Nhật nên sở trường của Phi Lâm là sushi. Vì thế thầy anh bảo nếu muốn giỏi hơn hoặc học thêm các món Âu nữa thì nên đi tìm nhà hàng khác.
“Sau đó, tôi lại dọn qua Florida, xin vào khách sạn Marriott làm, rồi tiếp tục chuyển sang nhà hàng Nhật lớn nhất ở Florida để học hỏi thêm “chuyên ngành” mà tôi yêu thích - sushi. Tại đây, tôi đã gặp Ivan”, anh Phi Lâm nhớ lại.
|
Anh kể Ivan cùng những người bạn hay lui tới nhà hàng anh làm để ăn, với thời gian rất vội và lúc nào cũng thấy họ trong trạng thái uể oải. Trong quá trình phục vụ thức ăn, anh biết được Ivan đang làm đầu bếp cho một đoàn phim tại Florida, và anh cũng được Ivan đặt vấn đề về việc theo đoàn làm phim phụ giúp việc nấu ăn cho đoàn.
“Nghe Ivan nói về giờ giấc theo đoàn phim, phải thức khuya dậy sớm, di chuyển nhiều nơi, tôi cũng không mấy hào hứng. Nhưng rồi có hôm, Ivan hỏi tôi ngày nghỉ nếu không làm gì thì ra đoàn phim thử nấu ăn một lần cho vui, chỉ làm sushi thôi. Tôi đồng ý thử. Quả thật lúc đó tôi không hề thích chút nào, vì ở đoàn phim thì không đủ tiện nghi nên chế biến hay nấu nướng khá cực. Nhưng sau đó, Ivan cứ mời hoài, rủ rê mãi, tôi cũng rảnh mà, đi làm cho đoàn phim riết rồi “ok theo luôn”, khi Ivan ngỏ lời mời làm việc chính thức cho đoàn phim", anh Phi Lâm nói.
Và từ khoảng năm 1994-1995, anh chính thức công việc đầu bếp cho các đoàn phim ở Mỹ, trong đó có những sê ri phim nổi tiếng gần đây như: Thor, Captain America hay trước đó có Message in a bottle, Deep blue sea, The sixth sense, Armageddon…
|
Đầu bếp kiêm phiên dịch cho đoàn phim khi quay tại Việt Nam
Vì là người Việt (anh sinh năm 1968 tại Bà Rịa-Vũng Tàu) nên khi cùng đoàn Kong: Skull Island đến Việt Nam để ghi hình, anh Phi Lâm không chỉ là bếp phó mà kiêm luôn phiên dịch hay hướng dẫn viên khi các diễn viên cần. Chính vì thế mà thời gian làm việc của anh tại đoàn phim này nhiều hơn so với khi làm việc ở các đoàn phim khác, mà như anh nói, mỗi ngày có khi chỉ ngủ được 3 tiếng.
Anh cũng chia sẻ rằng việc tìm kiếm, đặt hàng hay chọn lựa thực phẩm theo yêu cầu cao cấp của đoàn phim cũng khiến anh khá vất vả trong những ngày đầu. “Thịt bò, gà hay cá hồi chúng tôi phải đặt hàng từ Thụy Điển, Úc, Canada chuyển về. Ngoài ra cũng có một số thực phẩm tại Việt Nam nhưng đều phải là chất lượng tốt nhất", anh kể.
Phi Lâm cho biết chi phí cho hai buổi ăn mỗi ngày dao động trên dưới 10.000 USD. Tôm hùm hay thịt bò, cá hồi mỗi ngày có khi phải hơn 100 kg. Vì mỗi buổi đều có 3 - 4 món chính, rồi salad, bánh ngọt, trái cây, cà phê… và đặc biệt không thể thiếu kem. “Mỗi buổi trưa đoàn dùng khoảng 25-30 kg kem, do thời tiết ở Việt Nam nóng quá. Các diễn viên đều thích dùng kem tráng miệng sau khi ăn trưa”, anh nói.
Hỏi anh các diễn viên hào hứng với món ăn Việt nào nhất, anh thích thú chia sẻ: “Phở là món tôi được yêu cầu nấu cho buổi sáng nhiều nhất, trong suốt thời gian quay ở Việt Nam. Thức ăn sáng có nhiều món, cả mì hay hủ tíu nữa, nhưng vì thấy mọi người hào hứng với phở nhất nên đây là món được ưu tiên nấu 2, 3 ngày trong một tuần”. Bên cạnh đó, cơm chiên cũng được một số diễn viên “order” thêm".
|
Nếu ở Quảng Bình hay Ninh Bình, nhà ăn được dựng tại các bãi cỏ rộng hoặc trong nhà văn hóa thì ở Quảng Ninh lại hoàn toàn khác. Từ bến phà Tuần Châu phải đi cano khoảng 30 phút để đến điểm tập kết quay phim.
Địa điểm tập kết này gồm một du thuyền ba tầng ghép với một chiếc phà và một tàu siêu tốc 200 chỗ, đứng kề nhau. Và thường thì khi đoàn phim đi thuyền ra Vịnh Hạ Long để quay thì anh Phi Lâm và bếp trưởng Ivan cùng các phụ bếp (khoảng 10 người được tuyển tại TP.HCM và khách sạn 5 sao tại địa phương) chuẩn bị bữa trưa. Theo anh Phi Lâm, đoàn phim khoảng 400 người, vì trên boong cũng nhỏ nên phải xếp hàng để lấy đồ ăn. Diễn viên chính thường được ưu tiên, không phải xếp hàng, hoặc nếu họ không đến ăn thì có phụ tá đến lấy thức ăn về giúp họ. “Nhưng Tom Hiddleston và Brie Larson rất thân thiện, thường ra ăn chung với mọi người”, anh cho biết.
Vì ở Việt Nam cùng đoàn gần 2 tháng nên anh Phi Lâm cũng đưa vợ (cũng là người gốc Việt) và con trai 6 tuổi theo cùng. Tuy nhiên do thời gian theo đoàn phim khá dày nên anh cũng ít đi thăm thú hay du lịch cùng vợ con được, mà chủ yếu là khám phá cảnh đẹp nơi đoàn phim đi qua. "Trước đây mỗi lần về Việt Nam thăm người thân, tôi cũng chỉ về quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu chứ chưa biết nhiều các tỉnh phía bắc. Vì thế đây cũng là lần đầu tiên gia đình tôi được tham quan các địa danh nổi tiếng của Việt Nam”, anh thích thú chia sẻ.
Sau Kong: Skull Island, Phi Lâm tiếp tục rong ruổi cùng một dự án điện ảnh khác của Marvel Studios. Và hiện tại anh đang ở New York để “chăm sóc sức khỏe” qua ẩm thực cho ê kíp sản xuất cùng thí sinh của loạt chương trình truyền hình The good fight.
tin liên quan
Bật mí chuyện ăn nghỉ của dàn sao 'Kong: Skull Island'(iHay) Với quy mô của đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island thì những sinh hoạt của ê-kíp, nhất là các ngôi sao lừng danh trong làng điện ảnh Hollywood đều gây sự chú ý, tò mò đối với nhiều người.
Bình luận (0)