Đau cách hồi, vết thương ở chân không lành cần đề phòng tắc động mạch chi dưới

20/03/2024 20:42 GMT+7

Triệu chứng điển hình của tắc động mạch chi dưới là đau cách hồi kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng và vị trí đau phụ thuộc vào nơi tắc nghẽn mạch máu.

Chiều 20.3, PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh (Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch lồng ngực TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy) cùng Bệnh viện Bình Định (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức hội thảo với chủ đề "Khám, tầm soát và điều trị bệnh lý mạch máu chi dưới".

Tại hội thảo, 50 bác sĩ, nhân viên y tế tại tỉnh Bình Định đã nghe và thảo luận về các vấn đề như: Bệnh lý mạch máu, tắc động mạch chậu, tắc động mạch chi dưới mạn tính…

Bệnh tắc động mạch chi dưới do xơ vữa mạch máu gây hẹp lòng động mạch, ảnh hưởng tới sự tưới máu của chi. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này là do xơ vữa mạch máu (chiếm 90% - 95%). Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: Huyết khối gây tắc mạch cấp, các bệnh lý viêm mạch máu…

Đau cách hồi, vết thương ở chân không lành cần đề phòng tắc động mạch chi dưới- Ảnh 1.

PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh trình bày về nguy cơ bệnh tắc động mạch chi dưới

HOÀNG TRỌNG

PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh đã cung cấp các thông tin về việc tầm soát, chẩn đoán, yếu tố liên quan đến can thiệp bệnh lý mạch máu chi dưới và các phương pháp điều trị, những tai biến kỹ thuật và biến chứng của từng phương pháp can thiệp…

Theo PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh, yếu tố nguy cơ tắc động mạch chi dưới tương tự như các yếu tố nguy cơ tim mạch như: Vôi hóa động mạch, tuổi cao, nam giới, hút thuốc lá, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, bệnh lý mạch máu ở các vị trí khác (như mạch vành, mạch cảnh, mạch tạng…).

Trường hợp tắc động mạch chi dưới không có triệu chứng thường chỉ phát hiện tình cờ khi khám (không có mạch ở chi), tầm soát ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao.

Triệu chứng điển hình của tắc động mạch chi dưới là đau cách hồi (khởi phát đau hoặc nặng hơn ở chi dưới khi đi lại, giảm khi nghỉ ngơi) kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng và vị trí đau phụ thuộc vào nơi tắc nghẽn mạch máu.

Tắc nghẽn mạch máu chi dưới khi bị nặng sẽ thiếu máu nuôi chi trầm trọng, chi sẽ đau cả khi nghỉ hay nằm, loét hoặc hoại tử chi, vết thương, vết loét không lành…

Tại Việt Nam, từ năm 2011, các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM đã áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị tắc động mạch chi dưới, đặc biệt là can thiệp tắc động mạch chậu. Bệnh viện Bình Định cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất và sẽ triển khai điều trị bệnh lý mạch máu chi dưới trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.