Khoảng 120.000 năm về trước ở vùng ngày nay là phía bắc Ả Rập Xê Út, một nhóm người dừng chân tại một hồ nước cổ Alathar trên sa mạc Nefud để uống nước và tìm kiếm thức ăn.
Hồ này cũng là nơi lui tới thường xuyên của lạc đà, trâu và voi được cho là to lớn hơn các con vật cùng loài được nhìn thấy ngày nay.
Những phát hiện khảo cổ mới vừa được Ủy ban Di sản Ả Rập Xê Út công bố trong cuộc họp báo diễn ra tại thủ đô Riyadh hôm 16.9.
|
Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế và Ả Rập Xê Út tìm thấy dấu chân của con người, lạc đà, voi, động vật hoang dã và động vật ăn thịt xung quanh hồ khô cổ Alathar.
Tiến sĩ Jasser Al Herbish, lãnh đạo Ủy ban Di sản Ả Rập Xê Út, cho hay nhóm nghiên cứu tìm thấy dấu vết của 7 dấu chân người, 107 dấu chân lạc đà, 43 dấu chân voi cùng nhiều dấu vết khác của các loài động vật khác nhau.
|
Các chuyên gia còn phát hiện 233 hóa thạch xương voi và linh dương cũng như bằng chứng về sự tồn tại của động vật ăn thịt tại khu vực này, theo tiến sĩ Jasser Al Herbish.
Cảnh tượng chi tiết này được các nhà khảo cổ học tái tạo lại trong một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Science Advances, sau khi phát hiện ra dấu chân người và động vật có vú trên sa mạc Nefud. Những thông tin này phần nào giúp làm sáng tỏ những con đường mà người cổ đại đã đi khi rời châu Phi.
Bình luận (0)