Đau đầu bài toán thể lực cầu thủ: Khi các HLV đồng cảm với ông Troussier

19/02/2024 10:56 GMT+7

HLV Troussier khẳng định thể lực đang là trở ngại của nhiều cầu thủ Việt Nam, và đã có những HLV ở V-League đồng ý với chiến lược gia người Pháp về nhận định này.

Rào cản thể lực

"Về thể lực, lối chơi của tôi đòi hỏi cầu thủ phải duy trì cường độ cao suốt trận đấu. Hiện tại, cầu thủ Việt Nam chỉ chạy tốt trong khoảng 60, 70 phút. Trong khi đó, tôi yêu cầu mỗi cầu thủ phải chạy trung bình từ 8 - 10 km mỗi trận. Để thúc đẩy cầu thủ, giải vô địch quốc nội phải nâng cao, vì tất cả các cầu thủ đang chơi trong nước", HLV Philippe Troussier từng chia sẻ ở Asian Cup 2023.

Đây không phải lần đầu, nhà cầm quân người Pháp đánh giá thể lực cầu thủ Việt Nam chưa tốt. Tất nhiên, HLV Troussier có một phần trách nhiệm, bởi ông là người tuyển quân và huấn luyện học trò (trong đó có khâu rèn thể lực) trong thời gian ở đội tuyển.

Đau đầu bài toán thể lực cầu thủ: Khi các HLV đồng cảm với ông Troussier- Ảnh 1.

CLB Thể Công Viettel đuối sức trong 15 phút cuối trận gặp CLB Khánh Hòa

MINH TÚ

Dù vậy, các cầu thủ chỉ tập luyện ở đội tuyển quốc gia với tổng thời gian khoảng 2 tháng mỗi năm. Những tháng còn lại, các cầu thủ được huấn luyện ở cấp CLB, thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Đây mới là "lò luyện" để cầu thủ nâng cấp toàn diện.

Nhưng, thể lực đang là vấn đề với không ít gương mặt, kể cả những ngôi sao dạn dày kinh nghiệm sau nhiều năm thi đấu ở các giải đỉnh cao. Đây là thực tế được HLV Nguyễn Đức Thắng và HLV Kiatisak thừa nhận sau loạt trận vòng 9 V-League 2023 - 2024 cuối tuần qua.

Cụ thể, HLV Nguyễn Đức Thắng chia sẻ sau trận hòa 0-0 của Thể Công Viettel: "Bóng đá hiện đại đòi hỏi thể lực tốt. Một tháng qua, tôi có tập thể lực cho cầu thủ để phục vụ lối chơi. Tôi muốn họ chơi nhanh hơn, áp sát tốt. Nhưng hiện tại, các cầu thủ chưa đảm bảo thể lực. Càng về cuối trận, thể lực họ càng giảm, không thể xử lý chính xác các tình huống".

Dù có nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình như Hoàng Đức, Văn Khang, Thanh Bình, Tuấn Tài, đội bóng áo lính vẫn chơi nhạt nhòa

HLV Kiatisak của CLB Công an Hà Nội cũng đề cập: "Rất nhiều cầu thủ không chơi được đủ 90 phút vì mới nghỉ tết xong. Trong hiệp 1, các cầu thủ đã chơi tốt, nhưng hiệp 2 thì không còn tốt được như thế".

Đau đầu bài toán thể lực cầu thủ: Khi các HLV đồng cảm với ông Troussier- Ảnh 2.

HLV Kiatisak thừa nhận nhiều học trò chưa thể đá trọn 90 phút

MINH TÚ

Vấn đề nan giải

Thể lực suy giảm là một phần nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam sa sút thời gian qua. Các học trò của ông Troussier đã thua 4 trận chính thức gần nhất trước Nhật Bản, Indonesia và Iraq (2 trận) đều bởi những bàn thua ở 5 - 10 phút cuối các hiệp đấu. Đây cũng là khoảng thời gian đội tuyển Việt Nam dễ tổn thương, mắc sai lầm cá nhân hơn cả.

Thời HLV Park Hang-seo còn nắm quyền, thể lực cầu thủ Việt Nam được cải thiện, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ở một số giải cụ thể (Asian Cup 2019, vòng loại 2 World Cup 2022). Bao nhiêu cầu thủ Việt Nam đã đáp ứng thể lực ở đá các giải hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, đó là câu hỏi không dễ trả lời.

HLV Park từng nhận định: "Cầu thủ Việt Nam chỉ đạt công suất hoạt động khoảng 40% trong mỗi trận đấu mà yêu cầu đặt ra là phải 60 - 70%. Các cầu thủ trên thế giới, thậm chí còn đạt cao hơn con số này. Khi thể lực không đáp ứng được yêu cầu thì thật khó đòi hỏi vươn lên một tầm cao mới. Chiến thuật chỉ được vận hành trơn tru nếu anh có sức khỏe tốt. Bằng không, mọi chiến thuật đều không có giá trị".

Đau đầu bài toán thể lực cầu thủ: Khi các HLV đồng cảm với ông Troussier- Ảnh 3.

HLV Troussier chưa thể hài lòng với thể lực cầu thủ

VFF

Theo một số HLV, quan chức từng làm việc ở V-League, khâu huấn luyện thể lực cầu thủ lâu nay được thực hiện "mỗi đội một phách", chưa có quy chuẩn chung. Không phải đội bóng nào cũng có HLV thể lực, hay cơ sở vật chất, dinh dưỡng đủ tốt để cầu thủ được chăm sóc kỹ càng.

Cường độ chơi bóng ở V-League hiện nay cũng khá chậm. Một HLV đang làm việc ở giải hạng nhất chia sẻ: "Thời gian bóng lăn ở các giải đấu tại Việt Nam rất ít so với thế giới, sân bãi chưa tốt. Với cường độ, nhịp độ như thế thì rất khó để cầu thủ (đặc biệt là cầu thủ trẻ) phát triển".

Những đội hàng đầu Đông Nam Á đều có hướng đi riêng, như Thái Lan nâng cấp giải quốc nội và đưa cầu thủ sang Nhật Bản hoặc các nước châu Âu thi đấu, Indonesia nhập tịch những ngôi sao trẻ, khỏe được đào tạo bài bản ở châu Âu, đã quen với nhịp độ thi đấu cao... Nếu không tìm ra giải pháp, đội tuyển Việt Nam khó đảm bảo sức cạnh tranh với các đối thủ trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.