Ông là nhân viên trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa, thuộc Đài khí tượng Sài Gòn với hơn 10 năm công tác đi về Hoàng Sa từ năm 1956 - 1969. Mỗi chuyến công tác 3 tháng, nhưng nhân viên chỉ có 3 người nên có năm ông ra đảo 2 đợt với nửa năm làm việc tại đảo.
Từ năm 2007, UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, thu thập những tài liệu, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa. Những “nhân chứng Hoàng Sa” từng sống, làm việc, canh giữ và chiến đấu bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc như ông Võ Như Dân, Tạ Hồng Tấn, Ngô Tấn Phát… có đóng góp rất lớn, cung cấp những giấy tờ, kỷ vật lịch sử.
Những “nhân chứng Hoàng Sa” đều đã lớn tuổi, nhưng ai cũng hừng hực như thời trai trẻ, đồng hành với UBND H.Hoàng Sa rất sôi nổi. Ông Võ Như Dân dù tuổi cao sức yếu vẫn luôn có mặt trong các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo suốt từ năm 2007 đến nay. Sự tận tụy và dày công ghi chép, cung cấp cho UBND H.Hoàng Sa những tư liệu quý của ông Dân trở thành niềm cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu và thế hệ trẻ đối với Hoàng Sa.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm vào năm 2018, dù bệnh tình đã trở nặng, nhưng khi đoàn UBND H.Hoàng Sa ghé thăm, ông Dân vẫn hào hứng khoe những tư liệu quý, khiến ai cũng xúc động.
Ông Dân là một trong gần 30 “nhân chứng Hoàng Sa” tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Dù nhiều người đã mất, nhưng những tư liệu, bằng chứng pháp lý về Hoàng Sa đã được họ dày công gìn giữ trên dưới nửa thế kỷ qua và trao truyền lại cho thế hệ sau có giá trị vĩnh cửu. Nó thể hiện và khẳng định chân lý: Hoàng Sa là của Việt Nam, không gì có thể thay đổi.
Bình luận (0)