|
Cơn đau đột ngột
Theo bác sĩ Ngô Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân nói trên vào viện vẫn tỉnh táo do tình trạng vỡ nhỏ, mạch máu tạm liền lại được, tuy nhiên nếu không được xử trí sẽ tiếp tục bị vỡ và sẽ trở nên nguy hiểm hơn, có thể gây đột quỵ não. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi điều trị.
Các chuyên gia ước tính, khoảng 1 - 2% dân số bị phình mạch não. Nguyên nhân phình mạch não chưa được biết đầy đủ, nhưng có nguyên nhân do dị dạng mạch não (bẩm sinh) và có thể là bệnh lý mắc phải (ở người cao huyết áp).
Mới đây, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân nữ 56 tuổi ở Nghệ An, làm nông nghiệp. Trước khi nhập viện, ở nhà bà bị đau đầu dữ dội. Đi khám tại địa phương, bệnh nhân được phát hiện chảy máu não. Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được tiếp tục phát hiện: có 4 túi phồng mạch não (1 túi phình bên não phải và 3 túi bên não trái). Bác sĩ Hùng cho biết đây là ca hy hữu vì thông thường bệnh nhân bị 1 - 2 túi phình. Các bác sĩ tiến hành mổ nội soi khắc phục 3 túi phình bên não trái, nơi đã bị vỡ gây chảy máu não. Hai tuần sau đó, các bác sĩ tiếp tục mổ nội soi xử lý túi phình bên não phải cho người bệnh. Bệnh nhân đã xuất viện, hiện có sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Hùng lưu ý, hầu hết bệnh nhân bị phình mạch não không có biểu hiện bất thường cho đến khi túi phình bị vỡ. Lúc này, bệnh nhân có thể bị cơn đau đầu đột ngột, dữ dội. Vỡ túi phồng gây đau khủng khiếp, có bệnh nhân vào viện trong tình trạng mặt tím tái do đau.
Theo bác sĩ Hùng, cơn đau đầu do vỡ mạch não được miêu tả là “cơn đau kiểu sét đánh, đau đầu nhất trong cuộc đời”. Bệnh nhân Đinh Thị T. (61 tuổi ở Nam Định), điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, cho biết: “Nhiều tháng trước nhập viện tôi bị đau đầu nhưng 2 tuần gần đây cơn đau nhiều hơn. Một lần tôi đang ngồi rửa bát ngoài sân thì bỗng ngã lăn ra không biết gì, được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu”.
Phẫu thuật để điều trị
Các trường hợp được chẩn đoán vỡ túi phình mạch não nêu trên đã được điều trị khỏi bằng phẫu thuật nội soi.
Phẫu thuật nội soi điều trị túi phình mạch não là can thiệp việc dồn máu đến túi phình để không gây phồng vỡ. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ mở hộp sọ với đường mổ nhỏ để đưa ống mổ nội soi vào, sau đó phẫu thuật viên sẽ đưa một chiếc “kẹp” nhỏ cặp chặt phần miệng túi mạch não bị phình, khiến “cánh cửa” đưa máu chảy đến túi phình bị đóng chặt lại, máu sẽ không còn dồn đến gây vỡ mạch não. “Túi phình sau khi bị “đóng” phần đường dẫn máu vào ở cửa cũng sẽ được mở ra ở một vị trí khác để máu dồn ứ bên trong được giải phóng hoàn toàn”, bác sĩ Hùng cho biết. Theo các chuyên gia, phẫu thuật nội soi điều trị túi phình mạch não là phương pháp mới, đòi hỏi kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
“Lâu nay, khi phẫu thuật não bằng mổ mở, phẫu thuật viên buộc phải vén phần não lành để bộc lộ vị trí bệnh lý cần can thiệp. Các bác sĩ luôn phải nỗ lực để “xâm phạm” ít nhất đến phần não lành, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra các tai biến sau mổ do vùng não lành bị tổn thương như: liệt, rối loạn trí nhớ”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Mới đây, Khoa Phẫu thuật thần kinh đã áp dụng mổ nội soi điều trị túi phình mạch não. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng thành công, giúp vùng não lành chịu tổn thương khi phẫu thuật sẽ giảm đi rất nhiều, do phẫu tích vùng não khi mổ nội soi chỉ bằng khoảng 50% so với mổ mở, nhờ đó giảm các tai biến sau mổ, thời gian hậu phẫu được rút ngắn, bệnh nhân bình phục ra viện sớm hơn. Sau phẫu thuật, trong 5 năm đầu, mỗi năm cần chụp kiểm tra 1 lần, để phòng sự cố “kẹp” bị trượt ra khỏi vị trí, gây tái phát.
Theo các chuyên gia, hầu hết bệnh nhân phát hiện túi phình mạch não khi đã vỡ, hoặc khi đi khám thần kinh do có cơn động kinh; hoặc được phát hiện khi đi khám mắt do bỗng nhiên mắt bị sụp mi. Nguyên nhân của các tình trạng trên do túi phình phát triển to, chèn ép đến các dây thần kinh chức năng. “Nếu trong gia đình có người được phát hiện phình mạch não thì người thân cùng thế hệ (anh chị em ruột) cũng nên được kiểm tra. Bệnh nhân đến điều trị hay gặp ở lứa tuổi 50 - 60, nhưng cũng nhiều người trẻ hơn, có trường hợp mới chỉ 30 tuổi”, bác sĩ Hùng lưu ý.
Nam Sơn
>> Đau đầu mỗi sáng
>> Đau đầu cấp coi chừng xuất huyết màng não
>> Ăn uống cho người hay đau đầu
>> Cảnh giác đau đầu do bệnh lý thần kinh
>> Ngừa đau đầu
>> Hết đau đầu nhờ thực phẩm
>> Xử trí đau đầu và sốt hiệu quả
>> Đau đầu, chóng mặt do đâu?
Bình luận (0)