Đau đầu tìm giải pháp tuyển sinh khối ngành sức khỏe

18/11/2022 07:54 GMT+7

Lãnh đạo các trường ĐH y dược thảo luận về tiêu chuẩn đầu vào trong tuyển sinh ĐH khối ngành khoa học sức khỏe .

Hôm qua (17.11), tại Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức hội nghị giáo dục y khoa với chủ đề “Chuyển đổi đào tạo y khoa trong kỷ nguyên của đổi mới và tiến bộ kỹ thuật”. Một trong những phiên thảo luận chung của hội nghị là tiêu chuẩn đầu vào trong tuyển sinh ĐH khối ngành khoa học sức khỏe.

“Ngành cạnh tranh” lệ thuộc “kỳ thi không cạnh tranh”

Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, trước đây có kỳ thi tuyển sinh ĐH, vẫn gọi là kỳ thi “3 chung”, nhưng hiện không còn nữa. Sau đó, có kỳ thi THPT quốc gia, một kỳ thi 2 mục đích. Tuy nhiên gần đây, mục đích tuyển sinh ĐH của kỳ thi này không còn quan trọng. Hiện các trường dùng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét khoảng 50% chỉ tiêu, có trường còn dùng ít hơn. Nhưng khối trường y dược thì chủ yếu dùng kết quả kỳ thi này. Vì nó không còn tính chất tuyển sinh ĐH nên không đáp ứng được hoàn toàn các mục tiêu, kỳ vọng của một kỳ thi tuyển đầu vào. Đặc biệt, khối trường sức khỏe có những ngành rất cạnh tranh, mà kỳ thi lại không quá cạnh tranh. Kết quả thi tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh) của kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể không còn phù hợp với tuyển sinh khối ngành sức khỏe. Ngày xưa thi viết tự luận, độ phân hóa cao thì còn có thể đánh giá được năng lực của người học. Nhưng giờ thi trắc nghiệm, đề thi thì ngắn, nên chỉ với 3 môn không thể đại diện cho năng lực của người học; và đây là điểm yếu của kỳ thi mà hiện nay chúng ta đang sử dụng.

Đặc biệt hơn nữa, đến năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi kỳ thi, cho nên nó sẽ không còn là kỳ thi để các trường y dược có thể dựa vào đó xét tuyển đầu vào. “Chúng ta còn 2 năm để chuẩn bị có một công cụ chung nhằm đánh giá thí sinh trong việc xét tuyển đầu vào, tuyển được những thí sinh tốt nhất vào đào tạo khối ngành sức khỏe. Đây là một yêu cầu liên quan tới hoạt động của toàn hệ thống, vì đầu vào tốt thì mới có đầu ra tốt được. Tất nhiên, để có đầu ra tốt thì cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là quá trình đào tạo, nhưng đầu vào tốt là điều kiện cần. Đầu vào mà kém, chắc chắn đầu ra không thể tốt được”, GS Tú nói.

Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM làm thủ tục nhập học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe ?

Cũng theo GS Tú, mỗi trường trong khối ngành khoa học sức khỏe không thể tổ chức tuyển sinh riêng, mà cần có một công cụ cho tất cả các trường xét tuyển, lọc ảo chung; và công cụ được nhắm tới là kỳ thi đánh giá năng lực tổ hợp các môn mà 2 ĐH quốc gia đã và đang tổ chức. Đây là các kỳ thi được đánh giá có tính phân loại cao. Các trường khi sử dụng kỳ thi này để tuyển sinh thì có thể thêm tiêu chí phụ sàng lọc đầu vào, ví dụ như tiếng Anh. “Chúng ta nên chuẩn bị trong 2 năm 2023 - 2024 và làm thử vào 2025”, GS Tú đề xuất.

Nhưng theo GS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược, ĐH Huế, cần phải cân nhắc việc sử dụng các kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia cho các trường y dược. Các kỳ thi này đang thiên về đánh giá phù hợp với các khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nên chưa được sử dụng để tuyển sinh cho khối ngành sức khỏe của chính 2 đơn vị tổ chức kỳ thi đó. Nhưng ngành y dược có thể tham khảo cách thức tổ chức một kỳ thi khác, đó là kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (và được 36 trường chủ yếu là khối kỹ thuật sử dụng).

“Chúng tôi đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe, việc sử dụng kỳ thi như thế nào là tùy từng trường, vì mỗi trường có thể có nhiều phương thức khác nhau”, GS Huy chia sẻ.

Để có đầu ra tốt thì cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là quá trình đào tạo, nhưng đầu vào tốt là điều kiện cần. Đầu vào mà kém, chắc chắn đầu ra không thể tốt được.

GS Nguyễn Hữu Tú(Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội)

TS Lê Khắc Bảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục y học, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng chỉ số trí tuệ là điều kiện cần nên những hồ sơ đạt được về điều kiện cần, tiếp tục chọn lựa thông qua phỏng vấn để kiểm tra chỉ số cảm xúc, rồi mới quyết định nhận sinh viên vào trường hay không. Không nên chỉ dựa vào chỉ số trí tuệ mãi.

Làm sao “đo” được lòng nhân ái của thí sinh ?

Ông Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng như thế chưa đủ mà còn phải xét thêm tính siêng năng, lòng nhân ái, tính vị tha…

Nhưng làm thế nào để đo được các tiêu chí này là một vấn đề khó khăn. Nhiều đại biểu cho rằng phỏng vấn là ý tưởng hay nhưng ở VN hiện nay chưa phù hợp, nếu thực hiện thì phải có lộ trình. GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết với đào tạo y khoa ở Mỹ thì phỏng vấn là bước bắt buộc trong tuyển sinh đầu vào nhưng ở VN ít nhất trong giai đoạn này là chưa phù hợp. “Thầy vừa phỏng vấn thí sinh hôm trước thì hôm sau đã có những cuộc điện thoại gọi cho thầy. Khi tôi làm phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, tôi đã đề nghị ban giám hiệu nhà trường hủy bước phỏng vấn với tuyển sinh bác sĩ nội trú của trường. Chúng tôi từng đưa ra quy định là tất cả ứng viên muốn đỗ vào nội trú thì phải qua phỏng vấn, nhưng sau 3 - 4 năm phỏng vấn chưa loại được một ai cả. Phỏng vấn thi nội trú còn như thế, phỏng vấn tuyển sinh ĐH càng là vấn đề lớn”.

Các đại biểu tham gia hội nghị

q.h

GS Văn cũng đề xuất, có thể dựa vào các tiêu chí “cân đo đong đếm được” để đánh giá lòng nhân ái của thí sinh, chẳng hạn như cộng điểm cho các thí sinh có tham gia các hoạt động xã hội, như vào phục vụ trong các trại dưỡng lão, hoặc tham gia giúp đỡ người yếu thế...

Còn ông Nguyễn Dũng Tuấn thì nêu cách làm của Úc (phỏng vấn 8 vòng) như một kênh để tham khảo. “Càng nhiều vòng phỏng vấn thì càng khó “gửi”, nhất là khi người phỏng vấn là ngẫu nhiên. Về điểm cộng với hoạt động xã hội của thí sinh, đó cũng là một yếu tố có thể tính đến nhưng cũng cần cân nhắc việc nên cộng điểm cho hoạt động nào phù hợp với lứa tuổi”.

PGS Lê Cự Linh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, Trường ĐH VinUni, chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh vào ngành y khoa của trường này để cho thấy phỏng vấn là một công cụ đánh giá có thể tin cậy được. Sau khi lọc hồ sơ, trường mới tiến hành phỏng vấn, nên thí sinh dự phỏng vấn không còn đông, không quá tải. Giám khảo phải thông báo nếu có xung đột lợi ích để lãnh đạo nhà trường phải được biết việc này, tránh việc bố trí thầy cô đó tham gia vào quá trình phỏng vấn.

56 cơ sở giáo dục tham gia đào tạo lĩnh vực sức khỏe

Theo TS Trịnh Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), tuyển sinh ĐH cho các trường y dược là vấn đề đã được thảo luận từ lâu. Mới đây, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng “Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng các trường ĐH y dược” được tổ chức hồi tháng 9, các trường đã thống nhất là sẽ bàn sâu trong phiên họp thứ 2, dự kiến tổ chức vào tháng 12.

Cũng theo TS Hùng, hiện nay cả nước có 56 cơ sở giáo dục tham gia đào tạo lĩnh vực sức khỏe, trong đó 24 cơ sở công lập, 32 cơ sở ngoài công lập, với 16 ngành đào tạo ĐH, tính đến ngày 31.12.2021 cả nước có 147.189 sinh viên đang học ở 16 ngành này.

Trong năm 2021, cả nước có 28.736 tân bác sĩ, tân cử nhân khối ngành sức khỏe. Riêng ngành y khoa có 9.656, răng hàm mặt có 505, y học cổ truyền 1.283 tân bác sĩ tốt nghiệp; ngành điều dưỡng có 5.193 tân cử nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.